Nét đẹp văn hóa trong bữa ăn gia đình Việt

22/10/2012 09:22
Ban Biên Tập
(GDVN) - Người Việt với bản tính luôn trân trọng tình cảm gia đình và mong muốn được sống gần những người mình yêu thương nên những khoảnh khắc mà tất cả các thành viên được ở gần bên nhau như bữa ăn gia đình trở nên quý giá.

Bữa ăn gia đình không chỉ đơn giản là ‘ăn trưa hay ăn tối” mà còn là khoảnh khắc để chia sẻ, để chăm sóc, để thư giãn, để tận hưởng không khí ấm áp… và cũng là khoảnh khắc để nhớ về của mỗi thành viên khi đi xa. Cũng chính vì vậy, bữa ăn gia đình đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc và thường được nhắc tới khi bàn luận về văn hóa Việt Nam.

Bức tranh về bữa ăn gia đình Việt thường hiện lên với những tông màu ấm áp trong tâm trí mỗi người. Trở về nhà sau một ngày làm việc hay sau một ngày học tập, trong ngôi nhà nhỏ, những đứa trẻ cười nói và lăng xăng bên bàn ăn giúp mẹ dọn cơm, người mẹ hay người vợ sẽ làm những món ăn mà cả nhà cùng yêu thích, sau đó tất cả cùng ngồi quây quần, vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ về việc học tập ở trường, về việc đi làm…và cả những câu chuyện không rõ nội dung trong không khí ấm cúng, thân mật, tuy nhiên tất cả những điều đó trở thành một sợi dây vô hình gắn kết các thành viên lại với nhau. Nét văn hóa đẹp này luôn được mỗi thành viên gia đình trân trọng và duy trì, mặc dù với tình hình phát triển hiện nay, người phụ nữ đã trở nên bận rộn hơn với công việc xã hội và những đứa trẻ cũng phải dành nhiều thời gian hơn cho việc học, tuy nhiên việc chăm chút cho bữa ăn gia đình cũng chính là một trong những bí quyết để chăm sóc, giữ gìn hạnh phúc của họ.

Dù có sự đổi thay nào đi chăng nữa thì trong tiềm thức người Việt, những giá trị văn hóa phi vật thể như bữa cơm gia đình luôn luôn được đặt tại một vị trí trang trọng
Dù có sự đổi thay nào đi chăng nữa thì trong tiềm thức người Việt, những giá trị văn hóa phi vật thể như bữa cơm gia đình luôn luôn được đặt tại một vị trí trang trọng



Sự khác biệt khi so sánh giữa bữa ăn gia đình Việt và các quốc gia khác đến từ nhiều yếu tố, bao gồm trong đó không chỉ là sự khác biệt về cách thức ăn như dùng đũa, bát mà còn là phong cách ẩm thực. Theo Corine Trang, một chuyên gia ẩm thực, nhà văn người Mỹ xuất bản nhiều cuốn sách về ẩm thực châu Á đạt giải thưởng cao và là tác giả của cuốn “Authentic Vietnamese Cooking”, thì “ẩm thực Việt Nam vốn rất tao nhã, tinh tế, đầy kích thích, dễ dàng cảm nhận và cũng là sự giao thoa giữa kỹ thuật của Pháp và truyền thống ẩm thực của Trung Hoa”. Sự tinh tế đó cũng hiện hữu trong mỗi bữa ăn gia đình Việt, và được đúc kết từ tình yêu thương giữa các thành viên để từ đó biến thành mong muốn mang đến những món ăn ngon, hợp sở thích cho các thành viên trong gia đình. Các loại thực phẩm làm nên bữa cơm gia đình của đất nước nhiệt đới này rất phong phú, đa dạng: các loại rau gồm có rau muống, rau cải, su hào, bí, mướp, cải thảo…; các món mặn thường được chế biến từ thịt, cá, tôm…những thực phẩm giàu chất đạm. Những thực phẩm đó thường được người mẹ, người vợ lựa chọn từ phiên chợ buổi sớm và khéo léo kết hợp chúng lại với nhau, cùng với các gia vị như nước mắm, nước tương, muối, bột ngọt…giúp mang đến món ăn hài hòa và đậm đà vị umami hay người ta còn gọi đó là vị ngọt thịt, vị mà chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận thông qua món nước dùng truyền thống của người Việt Nam. Vào các dịp đặc biệt như ngày cuối tuần, ngày lễ, ngày Tết thì số lượng món ăn cũng phong phú hơn và cách chế biến cũng cầu kỳ hơn.

Giá trị văn hóa của bữa ăn gia đình Việt còn thể hiện tính giáo dục. Thật vậy, ứng xử trong bữa ăn gia đình Việt rất quan trọng và theo cha ông ta, đó cũng chính là một yếu tố giúp góp phần hình thành nên nét đẹp văn hóa con người Việt. Bữa ăn gia đình khắc ghi vào tâm trí con người khi còn là đứa trẻ, cũng từ những bữa ăn đó, đứa bé học được những ứng xử đúng cách và từ đó ảnh hưởng đến các thói quen sinh hoạt khác. Lễ nghĩa đơn giản nhất như “kính trên nhường dưới” có thể thấy được trong bữa ăn gia đình Việt khi mà những người già, những thành viên cao tuổi hơn và trẻ nhỏ được mời ngồi xuống mâm cơm trước. Trong khi ăn phải chú ý không phát ra tiếng động, tránh làm rơi vãi… Nét đẹp văn hóa từ việc ăn đúng cách của mỗi con người cũng cần phải học, chính vì vậy, cha ông ta từ ngàn đời xưa đến nay đã đúc kết thành câu tục ngữ “học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Lời kết: “Thay đổi” dường như là một cụm từ thường xuyên được nhắc đến trong thời gian gần đây tại đất nước đang phát triển này. Chỉ cần xa thành phố, xa nơi bạn đang sống trong khoảng thời gian ngắn, khi quay trở lại, có lẽ sẽ là khó khăn nếu bạn muốn tìm lại một góc phố với những cửa tiệm thân quen và bạn sẽ không hết ngỡ ngàng khi nhận ra rằng mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng, một điều tất yếu xảy ra không chỉ tại Việt Nam mà còn rất nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, dù có sự đổi thay nào đi chăng nữa thì trong tiềm thức con người Việt, những giá trị văn hóa phi vật thể như bữa cơm gia đình luôn luôn được đặt tại một vị trí trang trọng, và những giá trị đó vẫn luôn hiện hữu trong suy nghĩ mỗi con người, chính nhờ vậy mà văn hóa Việt được gìn giữ và bảo tồn bao đời nay.

Ban Biên Tập