Việc Bộ Giáo dục đề xuất rút ngắn thời gian đào tạo đại học xuống còn 3 – 4 năm nhận được sự ủng hộ của rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và cả người học.
Nhưng vấn đề đặt ra là nếu cần tập trung nhiều hơn vào ngành đào tạo thì phải giảm thời lượng các môn học thuộc khối kiến thức chung, trong đó có các môn học chính trị - tư tưởng mà lâu nay sinh viên không hào hứng.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Lương Ban – Chủ nhiệm Khoa Lý luận Chính trị và đại cương (ĐH Phương Đông) nhận định, mỗi môn học đều có giá trị riêng, nhưng sinh viên không thích học là do giảng viên yếu kém.
Nhiều ý kiến cho rằng cần phải ưu tiên tối đa thời gian đào tạo kiến thức ngành, nhằm nâng cao kỹ năng cho sinh viên. Như vậy là phải giảm bớt thời gian của các môn thuộc khối kiến thức chung. Quan điểm của ông thế nào?
PGS.TS Lương Gia Ban: Con người ta khi sinh ra thì ai cũng yêu quý đất nước của mình, dân tộc mình, chẳng cần bắt buộc phải học môn này, môn kia thì mới yêu nước. Lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn đời nay của dân tộc ta đã chứng minh điều ấy.
Vì vậy, có những môn học bắt buộc là để giúp sinh viên xây dựng nền tảng kiến thức cơ bản tốt hơn, thí dụ như Triết học thì chẳng riêng gì ở Việt Nam mà cả thế giới đều học. Sinh viên nói vui với tôi rằng “môn Triết là môn Chết thầy ạ”. Tôi nghĩ, các em chưa thích học Triết hay những môn thuộc về tư tưởng, đấy cũng là vì người thầy chưa thật giỏi.
PGS.TS Lương Gia Ban nhận định, hàng vạn cử nhân thất nghiệp có lỗi của người thầy. ảnh: Ngọc Quang. |
Ở mức độ khiêm tốn nhất, tôi cũng phải nói rằng, người thầy dạy những môn học ấy phải rất am hiểu, đưa ra vấn đề thì phải giải quyết được vấn đề bằng những dẫn chứng cụ thể, gần gũi với đời sống thì các em mới hiểu được.
Không ai thay thế được môn Triết học, bởi vì đó là môn khoa học có tình nền tảng nhận thức về tư duy. Ngày trước, người ta vẫn nói rằng, đây là môn khoa học của các khoa học, và nhìn ở một góc độ nào đó thì nhận định ấy đúng.
Tôi lấy thí dụ như ở bậc phổ thông các em hiểu về “giá trị” chỉ là “giá trị sử dụng”. Nhưng khi học Triết học thì được chia ra làm “giá trị” và “giá trị sử dụng”. Thí dụ như không khí mà chúng ta đang hít hàng ngày, tôi với bạn dù có khỏe đến mấy mà bịt mũi, bịt miệng lại 10 phút thôi thì cũng… ra đi.
Vậy hiểu một cách đơn thuần thì không khí có giá trị đấy chứ. Ấy thế nhưng trong Triết học thì dạy rằng: “Không khí không có giá trị”. Bởi vì người ta quy định “giá trị” phải được thể hiện bằng sức lao động của con người. Còn không khí có giá trị sử dụng, nhưng không có “giá trị” vì nó không thể hiện sức lao động của con người.
Như vậy, vấn đề mà ông đặt ra là để các môn học tư tưởng hấp dẫn, thực sự mang lại hứng khởi cho học trò thì vai trò của người thầy là yếu tố quyết định. Vậy nếu thời lượng của khối kiến thức chung giảm đi mà trình độ giảng viên lại yếu kém thì chất lượng ở những môn học này càng bị tụt lùi
PGS.TS Lương Gia Ban: Trong xã hội bây giờ, người ta thường nói rằng đang “thừa thầy, thiếu thợ”. Tôi nghĩ câu ấy cũng đúng nhưng khá chung chung, vì có thể là thừa thầy, nhưng là thừa thầy yếu, kém. Thầy giỏi thì chúng ta đang rất thiếu đấy chứ.
Minh chứng rõ nhất là có đến mấy trăm nghìn cử nhân thất nghiệp theo tổng kết cuối năm 2015. Cử nhân thất nghiệp trong đó có phần lỗi của người thầy chứ, cái đó không thể chối bỏ được.
“Cứ cung cách dạy dỗ kiểu này thì cử nhân không ngóc đầu lên được” |
Đã một thời, tôi để cho sinh viên chọn thầy, nhưng rồi không duy trì được bởi vì có những thầy ngồi chơi. Thế là đành phải bỏ, mặc dù ý tưởng ấy, cách làm ấy các nước văn minh họ làm cả rồi.
Thí dụ như ở Pháp người ta học thoải mái lắm. Sinh viên thoải mái chọn thầy. Không phải quản lý chặt chẽ giờ giấc lên lớp của học trò. Tức là người ta quản lý được thực chất khả năng của sinh viên bằng các bài kiểm tra.
Thậm chí ngay cả thi Thạc sĩ mà cũng chỉ cần một thầy chấm chứ không cần phải hội đồng như ở mình. Người ta tin thầy như thế cơ mà. Và tất nhiên, người thầy ấy cũng phải đủ trình độ, tài năng, công tâm để mà đánh giá được học trò.
Thưa ông, trên thực tế thì nhiều sinh viên chỉ quan tâm vào việc được đào tạo thế nào để tự tin tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Vậy có nên duy trì các môn học ấy với một thời lượng hợp lý, đồng thời xây dựng thành các lớp học chuyên đề và tách ra khỏi chương trình đào tạo ngành. Coi nó là một điều kiện cần, nhưng không gộp điểm số vào đánh giá tốt nghiệp?
PGS.TS Lương Gia Ban: Đúng là thực tế hiện nay nhiều em chỉ quan tâm tới ngành học của mình thôi, điều đó không thể trách cứ các em được, vì đó là nhu cầu của cuộc sống. Học là để đi làm, nên hầu như các em không mấy quan tâm tới những tiết học ngoài mục tiêu phục vụ cho công việc.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, những môn học chính trị - tư tưởng hay Triết học Mác-Lê Nin cũng rất quan trọng. Nó giúp các em có được sự mở đầu cho một nền kiến thức rất rộng lớn của nhân loại, sau này các em có điều kiện học lên cao hơn nữa thì đã có nền tảng kiến thức cơ bản để phát triển.
Vì vậy mà học đại học khác với học cao đẳng, trung cấp. Ở cao đẳng, trung cấp chỉ đơn thuần là học nghề, không dạy sâu về các môn chính trị - tư tưởng như bậc đại học.
Trước kia có quy định bắt buộc thi tốt nghiệp phải có môn Triết học Mác-Lê Nin thì sinh viên xác định được yêu cầu ngay từ đầu. Nhưng rồi sau đó Bộ Giáo dục bỏ môn này, nên chỉ những em nào học chuyên sâu về các ngành xã hội thì mới dành nhiều thời gian nghiên cứu, còn những ai học các ngành thuộc về kinh tế hay kỹ thuật... thì rất ít quan tâm.
Nhiều sinh viên chỉ học đối phó, miễn sao đạt được điểm 5. Nhưng tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam thì điểm 5 chưa đạt, bởi vì hầu hết những trường hợp ấy là các thầy nương nhẹ.
Ngay cả ở những quốc gia có nền giáo dục phát triển họ còn có Viện nghiên cứu Các Mác; Viện nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Rõ ràng nó phải hữu ích thì người ta mới lập ra cả một viện nghiên cứu. Nhưng vấn đề quan trọng nhất bây giờ là các dạy, cách truyền kiến thức thế nào để sinh viên không chán nản, không thấy khô cứng, không thấp bị ép học như nhồi sọ?
Tôi đồng ý với quan điểm không nên áp đặt cứng nhắc về thời gian dạy các môn học tư tưởng, mà quan trọng nhất là chất lượng của từng bài giảng thế nào. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng, cần phải biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, để sinh viên cảm thấy thích thú, tự tìm tòi, nghiên cứu.
Một điều nữa tôi muốn chia sẻ với các em sinh viên là mấy năm học rất ngắn ngủi và trôi qua rất nhanh, vì thế các em phải biết tận dụng tất cả thời gian để học tập thật tốt. Phải biết quý trọng, biết tiếc mồ hôi công sức lao động của bố mẹ để có tiền cho các em ăn học.
Nhiều người vẫn hay nói vui với nhau rằng “do số”, nhưng thực ra cái số ấy là do con người chúng ta tự tạo ra. Một con người sống tốt, trung thực và luôn luôn nỗ lực cố gắng thì chắc chắn trong cuộc đời họ sẽ gặp được nhiều người tốt, có được thành công. Còn nếu lười biếng và chỉ nhăm nhăm toan tính cho mình không thể có được những điều tốt đẹp.
Trân trọng cảm ơn ông!