Nước mắt người dân Thủ Thiêm chưa thôi chảy
Ngày 18/10, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, đại diện Thanh tra Chính phủ cùng lãnh đạo các Sở, ngành trên địa bàn đã có buổi tiếp xúc với các hộ dân Thủ Thiêm.
Những hộ dân trong khu 4,3 ha thuộc khu phố 1 (phường Bình An, quận 2) được mời đến tham dự để đối thoại.
Nhiều người dân không nằm trong khu 4,3 ha phải đứng ở bên ngoài và không được vào tham dự do không có giấy mời.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: H.L) |
Mở đầu buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong xin lỗi người dân Thủ Thiêm vì những sai phạm của thành phố trong thời gian qua. Ông Phong nhấn mạnh đến các hộ dân thuộc 4,3 ha bị cưỡng chế ngoài ranh quy hoạch phải chịu nhiều tổn thất và thiệt thòi, cuộc sống trải qua nhiều vất vả.
“Tận đáy lòng mình, tôi xin chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm”, ông Phong nói.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng cam kết sẽ thực hiện đầy đủ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về những vi phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ủy ban nhân dân đã lập 2 tổ công tác để giải quyết các vấn đề có liên quan đến chính sách đền bù, giải quyết 11 vấn đề trong và ngoài ranh.
Ông Nguyễn Văn Thạch – hộ dân được mời để đối thoại yêu cầu chính quyền xác định ranh giới khu đất 4,3 ha một cách cụ thể. Nhiều trường hợp trong ranh khu 4,3 ha nhưng bị chính quyền địa phương “bỏ lọt” ra bên ngoài.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong đã lắng nghe tâm tư của người dân và yêu cầu các cơ quan ban ngành phải tiếp thu để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân.
Ông Lê Văn Lung – hộ dân Thủ Thiêm đặt câu hỏi với lãnh đạo, về mặt tính chất thì kết luận Thanh tra Chính phủ không phải để giải quyết đơn tố cáo, khiếu nại của người dân.
Và khi chưa xác định được ranh giới của khu 4,3 ha theo bản đồ thì căn cứ vào những cơ sở nào để đối chiếu và kết luận nhằm giải quyết cho người dân?
Ông Lung nhắc lại thời gian trước đây, từng bị cưỡng chế nhà đất, phải ra Hà Nội để kiện tụng và trải qua gần 20 năm. Từ việc cuộc sống bị xáo trộn, gia đình ly tán thì không cơ quan chức năng nào nhắc đến và bù đắp những mất mát đó.
Một thế hệ, một cuộc đời và gia đình của ông đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi vì quyết định cưỡng chế sai của chính quyền.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng xác định với lãnh đạo thành phố rằng, không đi đòi lại khu 4,3 ha. Bà chỉ yêu cầu lãnh đạo thành phố nếu đã giải quyết thì trên tinh thần vì sự ổn định cuộc sống của người dân chứ không nên “áp đặt" người dân để bồi thường.
Ông Lê Thanh Hải đã cho thu hồi đất Thủ Thiêm như thế nào? |
Bà Phượng nói, người dân đã mất quá nhiều, chồng bà mất khi bị cưỡng chế nhà và cả gia đình phải ly tán. Một thế hệ, cuộc đời bà đã mất tất cả nên không phải vì hôm nay để “mặc cả” với chính quyền.
Bà Kim Diện – một hộ dân của Thủ Thiêm ngày trước nói, cuộc sống của bà đang làm ăn yên ổn thì bị chính quyền cưỡng chế dẫn đến thua lỗ trong kinh doanh. Gia đình bà được hoán đổi căn hộ chung cư với diện tích rộng hơn 47 m2.
Bà Diện không đồng ý và chỉ có duy nhất một sự lựa chọn là chấp nhận đền bù 720 triệu để trang trải nợ nần. Bà muốn trả lại số tiền trên để trở về với nơi mình đã từng ở trước đây.
Lãnh đạo thành phố tìm sự đồng thuận với người dân trong vụ Thủ Thiêm
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố nói, cuộc họp để làm rõ thắc mắc về việc trong ranh hay ngoài ranh của khu đất 4,3 ha.
Ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng ban Tiếp công dân Thanh tra Chính phủ phát biểu, lãnh đạo thành phố đang thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ nên có thể bà con chưa đồng ý và có ý kiến khiếu nại. Buổi tiếp xúc với người dân hôm nay chưa phải là buổi cuối cùng nên chính quyền luôn lắng nghe, chia sẻ ý kiến với người dân.
Một số người dân phát biểu ý kiến trong buổi làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: H.L) |
Ông Điệp chia sẻ những mất mát của người dân trong thời gian vừa qua. Việc xác định ranh và đo đạc sẽ được thực hiện để đi đến kết quả đồng thuận với người dân.
Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải thích, thành phố đang cố gắng thu hút, kêu gọi đầu tư để phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhiều năm qua.
Thành phố cũng mong muốn có sự đồng thuận của người dân để chỉnh trang, xây dựng Thủ Thiêm thành khu hiện đại, trung tâm hành chính dịch vụ phía đông. Trong quá trình thực hiện, thành phố đã có những sai phạm, khuyết điểm và vi phạm đối với người dân sinh sống trên địa bàn.
Ông Lê Thanh Hải ở đâu khi Khu đô thị Thủ Thiêm… dậy sóng? |
Ông Phong nói với giọng trầm lại: “Tận đáy lòng mình tôi chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm vì những sai phạm trong thời gian qua khi thực hiện quy hoạch Thủ Thiêm”.
Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh xin được chia sẻ những những gia đình, hộ dân vì sự phát triển của thành phố mà phải rời nơi gắn bó từ tấm bé.
Lãnh đạo thành phố cũng mong muốn thông qua buổi làm việc ngày hôm nay để xây dựng kế hoạch giải quyết đầy đủ kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Ông Nguyễn Thành Phong kết thúc buổi làm việc với việc bổ sung 3 ý kiến: “Xem xét trường hợp những người muốn quay trở về nơi ở cũ, xem xét lại cả 5 khu phố, không chỉ khu phố 1, báo cáo lại với Thanh tra Chính phủ và về vấn đề ranh giới, việc xác định lại ranh”.