Nguyên do để Điện Biên Phủ được cả ta và Pháp chọn làm điểm quyết chiến

06/05/2015 06:00
ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Điện Biên Phủ được cả ta và quân Pháp chọn làm điểm quyết chiến chiến lược, là cả một quá trình diễn ra cuộc đấu trí, đấu lực, khi công khai, khi thầm lặng.

LTS: Ngày 7/5 tới đây là vừa tròn 61 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu của quân và dân ta trong kháng chiến chống Thực dân Pháp.

Nhắc nhớ sự kiện này, Đại tá Đặng Việt Thủy đã gửi tới Tòa soạn bài viết này, trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Vài nét về Điện Biên Phủ

Điện Biên Phủ nay thuộc tỉnh Điện Biên, trước đây thuộc tỉnh Lai Châu, có một vị trí chiến lược quan trọng ở Tây Bắc Việt Nam cả Đông Dương. Nơi đây cũng là một vùng kinh tế trù phú, rừng núi bao la điệp trùng  đan xen những thung lũng màu mỡ.

Từ rất lâu, vùng Điện Biên còn có tên gọi là Mường Then (Mường Trời) hoặc Mường Theng - vẫn quen gọi là Mường Thanh. Trung tâm Điện Biên là cánh đồng Mường Thanh, nằm trên trục đường từ Thượng Lào qua Lai Châu, xuống Sơn La, về Hà Nội… và từ Tây Nam Trung Quốc xuống miền Trung Việt Nam, Trung Lào.

Với địa thế đó, Điện Biên đã được xem là vùng đất mà một tiếng gà gáy, người dân ba nước (Việt Nam, Lào, Trung Quốc) đều nghe. Cũng vì thế mà Điện Biên là điểm gặp, nơi hội tụ của nhiều dân tộc, tiếng nói, văn hóa tộc người, phong tục tập quán khác nhau.

Bao bọc xung quanh cánh đồng Mường Thanh là những dãy núi cao thấp khác nhau, muôn hình muôn vẻ. Phía tây và nam là dãy núi Pú Xam Xao chạy dọc biên giới Việt - Lào, với đỉnh cao nhất là 1.897 mét, tạo thành một dãy trường thành thiên nhiên, một bức bình phong kỳ vĩ.

Phía bắc giáp với Pú Xam Xao là dãy Tây Trang - một hệ thống núi đá vôi, có nhiều cây cối um tùm và nhiều hang động tự nhiên khá hấp dẫn. Nơi đây có cửa khẩu Tây Trang - cửa ngõ của Điện Biên và cả vùng Tây Bắc thông sang vùng Thượng Lào. Phía đông có dãy núi cao từ 1.200 đến 1.700 mét. Từ dãy núi chính này xòe ra ba nhánh ôm lấy cánh đồng Mường Thanh.

Cánh đồng Mường Thanh nằm gọn giữa ba dãy núi lớn kể trên và còn được bao bọc bởi hai mươi ngọn núi cao thấp, lớn nhỏ khác nhau. Với chiều dài gần hai mươi ki lô mét, rộng từ sáu đến tám ki lô mét, Mường Thanh là cánh đồng phì nhiêu nhất của vùng Tây Bắc Việt Nam.

Cánh đồng Mường Thanh. (Ảnh: Internet)
Cánh đồng Mường Thanh. (Ảnh: Internet)

Bởi vậy từ lâu nhân dân vùng Tây Bắc đã có câu: “ Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Nghĩa là trong bốn cánh đồng, bốn vựa lúa lớn của Tây Bắc thì Mường Thanh lớn và trù phú nhất, thứ hai là là Mường Lò - cánh đồng Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái, thứ ba là Mường Than - tức cánh đồng Than Uyên (Lai Châu - giáp Yên Bái), thứ tư là Mường Tấc - tức cánh đồng Phù Yên ở phía nam tỉnh Sơn La.

Cuối cánh đồng Mường Thanh - về phía nam, con sông Nậm Núa tỏa ra một nhánh sông có “tính khí” thất thường. Mùa nước cạn, sông chảy hững hờ, hiền lành. Khi mưa lũ, sông trở nên hung dữ, như ngựa tụt dây cương, nên được nhân dân đặt tên là Nậm Rốm.

Do Điện Biên ở vào vị thế quan trọng và là miền đất trù phú nên từ xa xưa vùng đất này đã là nơi quần tụ sinh sống của nhiều dân tộc anh em. Những dân tộc định cư lâu đời nhất gồm có: người Thái, người Kinh, người Mông, người Tày, người Khơ-mú, người Cống, người Lào, người Kháng, người Xinh-mun…

Nhân dân các dân tộc anh em ở đây giàu truyền thống yêu nước, lao động cần cù, yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng chiến đấu chống lại mọi thế lực áp bức và giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền quê hương, đất nước. Họ cũng là chủ nhân của những điệu dân ca trữ tình, những điệu múa mềm mại, uyển chuyển, đậm đà bản sắc dân tộc.

Điện Biên Phủ đã bị thực dân Pháp chiếm từ năm 1888 sau khi tên thực dân khoác áo nhà thám hiểm O-guyt-xtơ Pa-vi (Auguste Pavie) đã mò đến đây. Sau đó con đường mòn Lai Châu – Điện Biên Phủ được mang tên hắn - đường Pa-vi. Từ đầu thế kỷ XX, Điện Biên Phủ là “hạt nhân của đạo quan binh thứ 4” của Pháp ở Bắc Đông Dương.

Từ năm 1939, Điện Biên Phủ  đã có một sân bay dã chiến. Trong cuộc Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, hàng ngàn quân Pháp đã qua con đường Lai Châu chạy sang Trung Hoa. Năm 1945, quân Nhật rồi quân Tưởng đã có mặt ở Điện Biên Phủ. Khi ta ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 với Pháp, Pháp đã yêu cầu được đưa hơn 800 quân trở lại vùng này để làm nhiệm vụ tiếp phòng quân Tưởng.

Ta tiến công Lai Châu, quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ và Điện Biên Phủ được chọn làm điểm quyết chiến chiến lược.

Nguyên do để Điện Biên Phủ được cả ta và Pháp chọn làm điểm quyết chiến ảnh 2

Quân đoàn 1 hành quân thần tốc tiến công địch trên hướng Bắc Sài Gòn

(GDVN) - "Đi xa, tiến sâu, đánh thắng trận đầu, thắng lợi giòn giã liên tục đến thắng lợi hoàn toàn" là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đoàn 1.

Năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã bước vào năm thứ tám. Tám năm đó là những năm chiến đấu cực kỳ gian khổ và anh dũng của quân đội và nhân dân ta chống lại quân đội xâm lược của đế quốc Pháp có can thiệp Mỹ giúp sức. Thắng lợi của quân và dân ta trong hè thu 1953, đặc biệt là chiến thắng tây nam Ninh Bình, tạo thêm thuận lợi để cả nước bước vào chiến cuộc Đông Xuân.

Trước đó, với thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc mùa đông năm 1952 và chiến dịch Thượng Lào cuối xuân - đầu hè năm 1953, cục diện chiến tranh ở Việt Nam nói riêng và ở Đông Dương nói chung càng chuyển biến mạnh theo hướng có lợi cho quân và dân ta, bất lợi cho thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Để cứu vãn tình thế, Chính phủ Pháp tiến hành cải tổ bộ máy lãnh đạo và chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, may chăng có được chính sách mới, tìm cho nước Pháp một “lối thoát danh dự”.

Với hy vọng đó, Hăng-ri Na-va, một viên tướng tài năng, đang giữ chức Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh lục quân Trung Âu thuộc khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) được điều sang giữ chức Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương thay cho tướng Xa-lăng bị triệu hồi. Tướng Na-va đã thông qua Hội đồng Quốc phòng tại Pa-ri bản kế hoạch chiến lược mới của mình, được chính giới Pháp và Mỹ đánh giá rất cao, mang tên là “kế hoạch Na-va”.

Cho tới những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 1953, Na-va và bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương còn rất chủ quan. Với một số kết quả hoạt động quân sự của phía Pháp trong mùa thu 1953, Na-va cho rằng việc triển khai kế hoạch chiến lược mới của quân Pháp đang trên đà phát triển thuận lợi và kế hoạch tác chiến thu đông của ta đã bước đầu bị phá vỡ.

Vì thế, cuộc hành quân Hải Âu đánh ra vùng tự do tây nam Ninh Bình vừa chấm dứt ngày hôm trước, thì ngày hôm sau (7-11-1953) Na-va cho phát đi một bức thư gửi các sĩ quan, binh lính thuộc quyền, trong đó ông ta giải thích: “ Tôi có nói với các bạn rằng tôi sẽ nắm quyền chủ động bằng những cuộc hành quân lớn và tôi sẽ phóng vào lúc và nơi mà tôi sẽ lựa chọn. Cuộc hành quân Hải Âu là đòn đầu tiên trong những đòn mà tôi có ý định đánh vào đối phương.

Trong cuộc hành quân đó, chúng ta đã đạt được mục tiêu của chúng ta: lợi thời gian, chúng ta đã buộc Bộ tư lệnh Việt Minh phải xét lại kế hoạch tiến công và sẽ phải sửa đổi lại tới một ngày mà họ mong có thể hoạt động mạnh mẽ. Chúng ta đã nắm quyền chủ động và chúng ta muốn giữ vững quyền đó”.

Trong cuộc họp báo ngày 7-11-1953, trung tướng Cô-nhi, tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, đã tuyên bố: “…Tôi xin cải chính, cuộc hành quân Hải Âu không hề nhằm mục đích chiếm đóng vĩnh viễn đất đai. Vùng Nho Quan không có lợi gì cả, ta cũng chưa có ý định chiếm Thanh Hóa. Ta đổ bộ vào Duyên Hải Thanh Hóa là để đánh lừa Việt Minh mà thôi.

Quả nhiên chúng đã bị lừa, ta đã đạt được mục đích. Chúng ta đã thắng lợi, loại trừ được Sư đoàn 320 ra ngoài vòng chiến, giam chân Sư đoàn 304 ở Thanh Hóa, trì hoãn được cuộc tiến công Thu Đông của Việt Minh vào đồng bằng Bắc Bộ, quân đội viễn chinh Pháp đã thành công trong việc mở đầu một chiến thuật tiến công mới” (theo tin báo Tia sáng, Hà Nội, ngày 9-11-1953).

Phụ họa những lời tuyên bố của giới quân sự Pháp, các tờ báo xuất bản ở Pa-ri, Sài Gòn, Hà Nội trong thời gian này đều đăng trên trang đầu nhiều bài ca ngợi “thắng lợi rực rỡ” của phía Pháp trong cuộc đánh ra tây nam Ninh Bình. Tờ Paris Press (Bản tin Pa-ri) ra ngày 2-11-1953 đưa ra lời bình luận: “Tướng Na-va đã thắng hiệp đầu trong cuộc đọ sức tay đôi với tướng Giáp”.

Trong không khí lạc quan như vậy, bỗng nhiên Na-va nhận được báo cáo “Đại đoàn  316 đóng quân ở phía nam Hòa Bình từ ngày 15 tháng 11 sẽ di chuyển về xứ Thái, nơi mà nó đã có sẵn một trung đoàn (trung đoàn 176). Dự kiến Đại đoàn 316 sẽ đến Tuần Giáo vào khoảng từ ngày 7 đến 11 tháng 12 năm 1953”.

Tin này chứng tỏ rằng hướng tấn công chủ yếu của đối phương trong chiến cuộc 1953-1954 không phải là đồng bằng Bắc Bộ như ông ta và bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã phán đoán, mà có thể lại chính là Tây Bắc. Và như thế cả Thượng Lào cùng kinh đô Luông Phra Băng đều bị uy hiếp.

Tiếp tục thực hiện chiêu bài độc lập giả hiệu, ngày 22-10-1953 chính phủ Pháp đã ký với chính quyền tay sai một hiệp ước công nhận Lào là một nước độc lập trong khối liên hiệp Pháp. Việc để mất kinh đô Luông Phra Băng và Thượng lào ngay khi ký một hiệp ước “phòng thủ chung” giữa Pháp và Lào vừa được ký kết, có thể dẫn tới những hậu quả chính trị, quân sự khó lường.

Suy đi nghĩ lại, cuối cùng Na-va thấy cần phải “đi trước hành động của Đại đoàn 316 bằng cách tăng cường hệ thống bố trí ở xứ Thái, che chở cho Luông Phra Băng”. Để thực hiện ý đồ đó, ngày 2 tháng 11, Na-va chỉ thị cho tướng Cô-nhi chuẩn bị chiếm đóng Điện Biên Phủ bằng một cuộc hành binh không vận vào trước ngày 1 tháng 12 (tức là khoảng 15 ngày, trước khi Đại đoàn 316 có thể đến được vùng này.

Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn như đã trình bày ở trên, cách Hà Nội khoảng 300 ki lô mét đường chim bay, cách Luông Phra Băng khoảng 200 ki lô mét. Thung lũng này nằm gần biên giới Việt - Lào, trên một ngã ba của nhiều tuyến đường quan trọng, có sông Nậm Rốm chảy theo hướng nam - bắc đổ xuống sông Nậm Hu và có sân bay Mường Thanh được xây dựng từ năm 1889.

Theo đánh giá của Na-va và nhiều nhà quân sự Pháp thì Điện Biên Phủ “là một vị trí chiến lược quan trọng chẳng những đối với chiến trường Đông Dương mà còn đối với miền Đông Nam Á – một trục giao thông nối liền các miền biên giới Lào, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc”.

Đó là “một cái chìa khóa để bảo vệ Thượng Lào”, một “bàn xoay” có thể xoay đi bốn phía Việt Nam, Lào, Myanma, Trung Quốc. Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp “có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong năm 1952-1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của đối phương nếu họ đến đấy”.

Việc tướng Na-va có ý định đưa quân lên chiếm đóng Điện Biên Phủ không phải là điều gì mới lạ. Trước đây Xa-lăng đã từng rất mong muốn đưa quân lên chiếm đóng Điện Biên Phủ, nhưng chưa thực hiện được. Tướng Cô-nhi cũng đã đề nghị với Na-va thực hiện điều đó từ tháng 6 năm 1953.

Cô-nhi cho rằng “muốn giành chủ động phải chiếm đóng Điện Biên Phủ”. Nhưng tới khi Na-va quyết định hành động, thì do lo sợ sẽ thiếu quân để bảo vệ “đồng bằng có ích”, Cô-nhi và một số sĩ quan dưới quyền  của ông ta đã có những ý kiến trái ngược hẳn lại.

Nguyên do để Điện Biên Phủ được cả ta và Pháp chọn làm điểm quyết chiến ảnh 3

Những điều ít biết về 80 ngày đêm đấu trí trước giải phóng Thủ đô

(GDVN) - Âm mưu thâm độc của cả Pháp và Mỹ là làm cho Hà Nội bị rối loạn về chính trị; xơ xác, tiêu điều... trước khi lực lượng cách mạng Việt Nam tiếp quản Thủ đô.

Ngày 4-11-1953, đại tá Ba-xchi-a-ni, tham mưu trưởng lục quân Bắc Bộ, đưa ra ý kiến phản đối chủ trương chiếm đóng Điện Biên Phủ với lý do là hiện nay Thượng Lào chưa có hiện tượng gì bị uy hiếp cả. Và cho dù trong trường hợp Thượng Lào có bị uy hiếp, thì cái xứ Đông Dương này, người ta không thể chỉ ngăn chặn bước tiến của Việt Minh trên một hướng, đó là khái niệm ở châu Âu, ở đây không có giá trị gì.

Đáng lẽ quân Pháp phải được sử dụng tập trung để bảo vệ miền đồng bằng đang bị đe dọa, thì lại bị tung lên một miền rừng núi cách Hà Nội 300 ki lô mét làm một việc không có tác dụng gì thiết thực cả; “muốn hay không muốn, Điện Biên Phủ cũng sẽ trở thành một vực thẳm nuốt các tiểu đoàn của quân viễn chinh Pháp”.

Cùng với ý kiến phản đối có tính chiến lược của Ba-xchi-a-ni, các sĩ quan tác chiến, không quân, hậu cần của Bộ tham mưu Bắc Bộ còn đưa ra những khó khăn về chiến thuật, kỹ thuật trong việc nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ và việc phải bảo đảm tiếp tế bằng đường không cho một căn cứ lớn và lại ở cách xa miền đồng bằng như vậy.

Trung tuần tháng 11 năm 1953, sự kiện Đại đoàn 316 bắt đầu chuyển quân lên miền Tây Bắc đã tạm thời chấm dứt cuộc tranh cãi giữa các tướng tá Pháp. Gạt sang một bên những ý kiến bất đồng, trong cuộc họp ngày 17 tháng 11 tại tổng hành dinh quân đội Pháp ở Hà Nội, Na-va quyết tâm giữ vững ý định thực hiện cuộc hành quân Ca-xto chiếm đóng Điện Biên Phủ.

Tướng Gin, nguyên chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Nà Sản được cử làm chỉ huy trưởng cuộc hành quân và như sau này, các tướng tá Pháp đã mô tả lại thì ngay chiều hôm ấy, “tại một dinh thự biệt lập ở Hà Nội, bốn sĩ quan dù, hai phi công cùng với cô thư ký của tướng Cô-nhi đã cho in rô-nê-ô và soạn những mệnh lệnh về cuộc hành quân Ca-xto sẽ được tiến hành ngày 18, 19 hoặc 20 tháng 11 năm 1953, tùy theo tình hình thời tiết tốt xấu…

Chính họ cũng không biết rằng họ làm việc đó để chuẩn bị cho một trong những biến cố vĩ đại làm đảo lộn phương Tây” (Trích theo sách Tiếng sấm Điện Biên Phủ, NXB QĐND, H.1984, trang 86).

Sau khi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 20-11-1953, cuộc hành binh Ca-xto đánh chiếm Điện Biên Phủ chính thức bắt đầu. Do chỉ tập trung được 60 chiếc Đa-cô-ta vào việc chở quân, đợt đầu (từ 10 giờ 35 phút đến 10 giờ 45 phút) quân Pháp thả hai tiểu đoàn dù xuống khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ. Chiều 20 tháng 11 và trong các ngày tiếp sau đó chúng thả tiếp bốn tiểu đoàn khác và một đại đội công binh.

Vào thời điểm địch mở cuộc hành binh Ca-xto, về phía ta có trung đoàn bộ trung đoàn 48 và tiểu đoàn 910 đang đóng quân ở Điện Biên Phủ tranh thủ củng cố, huấn luyện và chuẩn bị tiêu diệt vị trí Mường Pồn, phối hợp cùng Đại đoàn 316 tiến đánh Lai Châu. Cuộc nhảy dù của địch có gây bất ngờ cho cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 148.

Nhưng tới khi nhận biết được triệu chứng quân địch sắp nhảy dù, bộ đội ta lập tức triển khai lực lượng chiếm giữ các vị trí có lợi và liên tục đánh trả địch suốt sáu tiếng liền. Đến 16 giờ ngày 20, do thời cơ diệt địch không còn, đạn hết, để bảo toàn lực lượng, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 148 rút vào rừng và sau đó đã chuyển về Mường Phăng chuẩn bị cho nhiệm vụ mới.

Về phía địch, sau khi thả sáu tiểu đoàn cơ động cùng một khối lượng lớn đạn dược, lương thực và các thiết bị chiến tranh xuống Điện Biên Phủ, quân Pháp bắt tay ngay vào việc xây dựng cấu trúc trận địa và tiến hành các hoạt động tiến công để mở tuyến giao thông đường bộ nối Điện Biên Phủ với Lai Châu và Luông Phra Băng.

Ngày 25 tháng 11, theo lệnh của Na-va, Cre-vơ Cơ – chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Lào sử dụng sáu tiểu đoàn mở cuộc hành binh từ Luông Phra Băng lên khu giải phóng Lào ở lưu vực sông Nậm Hu. Cùng ngày hôm đó, sân bay Mường Thanh được sửa chữa xong và chiếc Đa-cô-ta đầu tiên của quân Pháp đã hạ cánh an toàn xuống khu vực Điện Biên Phủ.

Thấy cuộc hành quân chiếm đóng Điện Biên Phủ kết thúc tương đối trót lọt, Na-va và Cô-nhi tin rằng quân đội Pháp ở Đông Dương đã trở lại nắm quyền chủ động tiến công và tình thế trên chiến trường đang nhanh chóng được cải thiện theo chiều hướng có lợi cho phía Pháp.

Trong cuộc họp báo ngày 22-11-1953, tướng Cô-nhi lớn tiếng tuyên bố với các nhà báo rằng cuộc hành binh Ca-xto “không phải là một cuộc nhảy dù biệt kích như Lạng Sơn, đây là khởi đầu của một cuộc tiến công đại quy mô”. “Điện Biên Phủ là một điểm chốt. Nếu tập đoàn cứ điểm Nà Sản lắp được trên các bánh xe lăn, có lẽ tôi đã chuyển nó lên Điện Biên Phủ ngay từ khi tôi nhậm chức cách đây 5 tháng”.

Trong buổi tiếp đô đốc Ca-ba-ni-ê, phái viên của chính phủ Pháp ngày 20 tháng 11, mặc dù đã được thông báo chính thức là sẽ không có 9 tiểu đoàn quân tăng viện như Na-va đã yêu cầu, nhưng khi được nghe truyền đạt câu hỏi của tổng thống O-ri-ôn và thủ tướng La-ni-en là “ trong lúc quân đội viễn chinh Pháp vừa chiến thắng, trong lúc Triều Tiên vừa ký kết đình chiến có nên đặt vấn đề ngừng bắn không”.

Na-va đã trả lời rằng: tốt hơn hết nên chờ kết quả của cuộc chiến mùa đông, tình hình trong mùa xuân tới có thể sáng sủa hơn. Còn đối với việc Đại đoàn 316 đang tiến lên Tây Bắc, thì chỉ cần “một con nhím loại vừa” độ sáu tiểu đoàn như vậy cũng đủ để đối phó.

Có thể thấy rằng, mặc dù bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã tung lực lượng cơ động ứng chiến lên vùng rừng núi Tây Bắc, cho tới lúc này cuộc hành binh chiếm đóng Điện Biên Phủ đối với phía Pháp “vẫn còn là một cuộc hành binh thứ yếu có tính chất phòng vệ chiến lược và tính chất chính trị địa phương” như một sử gia phương Tây đã nhận xét.

Phải tới cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1953 do một chuỗi các quyết định của cả hai bên tham chiến, Điện Biên Phủ mới trở thành một thử thách quyết định mà thực ra tướng Na-va rất muốn tránh trong chiến cuộc 1953-1954.

Ngày 25-11-1953, bộ chỉ huy Pháp nhận được báo cáo của phòng nhì (quân báo) là đêm qua tướng Giáp đã ra lệnh cho các đại đoàn 308, 312, 351 tiến quân lên miền Tây Bắc (sự thật không đúng như vậy). Trước đó, Đại đoàn 304 (thiếu một trung đoàn) cũng đã rời khỏi vùng tự do Thanh Hóa.

Trung đoàn 66 của Đại đoàn 304 đã tiến vào chuẩn bị phối hợp cùng Đại đoàn 325 hoạt động ở miền Trung Đông Dương. Những tin này đã buộc Na-va và các tướng lĩnh dưới quyền của ông ta phải tìm cách đối phó.

Do lo ngại về những trận đánh lớn có thể diễn ra ở vùng rừng núi Tây Bắc, tướng Cô-nhi đề nghị một phương án phân tán chủ lực ta bằng các cuộc hành quân tập kích chớp nhoáng đánh lên Phú Thọ, Yên Bái hoặc Thái Nguyên để giữ chủ lực của ta lại.

Nhưng đề nghị đó của Cô-nhi không được chấp nhận vì Na-va không tin rằng đối phương lại có thể khắc phục khó khăn bảo đảm tiếp tế được cho bốn đại đoàn chủ lực tác chiến dài ngày ở xa hậu phương như vậy. Na-va vẫn yên tâm khẳng định rằng chủ lực ta lúc này thực tế vẫn chưa có khả năng đánh diệt các tập đoàn cứ điểm như kiểu Nà Sản và việc chiếm đóng Điện Biên Phủ, tổ chức xây dựng ở đó một tập đoàn cứ điểm mạnh là hoàn toàn chính xác.

Còn nếu chủ lực đối phương dám liều lĩnh kéo lên đây, thì quân viễn chinh Pháp cần tương kế, tựu kế biến Điện Biên Phủ thành một pháo đài vững chắc, vừa là một cái chốt, vừa là “một cái bẫy hay một cái máy nghiền, sẵn sàng nghiền nát các sư đoàn thép của đối phương, đồng thời lại vẫn bảo vệ được nước Lào”, ngăn chặn được các cuộc tiến công lớn của chủ lực đối phương vào cái “đồng bằng có ích”.

Sau khi đã cùng tướng Cô-nhi đáp máy bay lên Điện Biên Phủ xem xét tại chỗ và cho thẩm tra lại một cách khá kỹ càng những tin tức tình báo về các hướng tiến công của chủ lực đối phương trong đông xuân này, Na-va quyết định chấp nhận giao chiến với ta ở Điện Biên Phủ.

Trong bản chỉ thị gửi Cô-nhi ngày 3-12-1953, Na-va giao nhiệm vụ cho bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ phải bảo vệ Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào và đưa thêm lực lượng lên tăng cường phòng ngự, xây dựng Điện Biên Phủ thành một pháo đài bất khả xâm phạm, một cứ điểm mạnh hơn cả Nà Sản.

Cụ thể cần thả dù thêm ba tiểu đoàn cơ động ứng chiến, đưa lực lượng phòng giữ Điện Biên Phủ từ sáu tiểu đoàn lên chín tiểu đoàn bộ binh và khoảng ba tiểu đoàn pháo. Đối với các đơn vị đồn trú ở Lai Châu thì có thể duy trì nếu điều kiện cho phép, hoặc có thể co về tăng cường cho Điện Biên Phủ.

Ngày 5-12-1953, các đơn vị nhảy dù xuống Điện Biên Phủ được chuyển thành binh đoàn tác chiến Tây Bắc, gọi tắt là GONO (Groupement Opérationnel du Nord Ouest). Vài ngày sau đó, chỉ thị tăng cường thêm ba tiểu đoàn cho Điện Biên Phủ của Na-va cũng đã được thực hiện.

Khi chấp nhận giao chiến với ta ở Điện Biên Phủ, tướng Na-va vẫn không hề nghĩ rằng nó lại có thể trở thành đòn quyết định nhất của toàn bộ chiến cuộc 1953-1954. Trung thành với những tư duy chiến lược của mình được thể hiện ở bản “kế hoạch Na-va”, trong một bức thư mật gửi chính phủ Pháp ngày 7-12-1953, Na-va khẳng định rằng trong chiến cuộc này, ông ta vẫn tập trung sự nỗ lực chiến lược chủ yếu vào miền Trung Việt Nam.

Nguyên do để Điện Biên Phủ được cả ta và Pháp chọn làm điểm quyết chiến ảnh 4

Quyết định sinh tử trong đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(GDVN) - Vấn đề thay đổi phương án tác chiến có ý nghĩa quyết định đối với trận Điện Biên Phủ, đó là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy” của Đại tướng.

Bằng một cuộc hành quân quy mô lớn mang tên Át-lăng, ông ta sẽ chiếm đóng vùng tự do Liên khu 5 và toàn bộ các hoạt động quân sự của phía Pháp trong sáu tháng đầu năm 1954 sẽ phải phụ thuộc vào cuộc hành quân quan trọng đó. Nếu cuộc hành quân Át-lăng thành công thì dù có bị thất bại ở nơi khác, triển vọng chung của cuộc chiến tranh đối với phía Pháp vẫn đáng được coi là tốt đẹp.

Về phía ta, trung tuần tháng 11 năm 1953, sau khi đã hạ lệnh hành quân cho Đại đoàn 316, đơn vị có vinh dự được đi tiên phong trong cuộc tiến quân lên miền Tây Bắc và nhắc nhở các đơn vị khác chuẩn bị sẵn sang cơ động, ngày 19-11-1953 tại một vùng rừng núi Thái Nguyên thuộc căn cứ địa Việt Bắc, Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam mở hội nghị cán bộ phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch Đông Xuân 1953-1954.

Hội nghị kéo dài trong 5 ngày từ 19 đến 23 tháng 11 năm 1953. Tham gia hội nghị có các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Trần Đăng Ninh, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái cùng đông đảo cán bộ chủ trì các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng – Tổng tư lệnh, cán bộ chỉ huy các chiến trường từ Liên khu 5 trở ra và cán bộ chỉ huy các đại đoàn chủ lực 308, 304, 312, 316, 320, 325, 351.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì hội nghị. Hội nghị đã nghe Đại tướng Tổng Tư lệnh thay mặt Tổng Quân ủy phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị và kế hoạch tác chiến của ta trong chiến cuộc Đông Xuân. Các đại biểu về dự hội nghị tích cực tham gia thảo luận từ chủ trương, phương hướng chỉ đạo tác chiến tới nhiệm vụ và những yêu cầu cụ thể của từng hướng chiến trường.

Hội nghị họp đến ngày thứ hai thì địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ngay tối hôm ấy Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã kịp thời họp bàn để xem xét, đánh giá tình hình. Nhận định và kết luận bước đầu của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh là:

  “… Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, mặc dầu ta không phán đoán được cụ thể về địa điểm và thời gian, nhưng cũng nằm trong phạm vi phán đoán trước của ta là nếu Tây Bắc bị uy hiếp thì địch sẽ tăng viện lên hướng đó. Như vậy là trước sự uy hiếp của ta, địch đã phải bị động đối phó, phân tán một bộ phận cơ động lên Điện Biên Phủ để yểm hộ cho Tây Bắc, để che chở cho Thượng Lào, để phá kế hoạch tiến công của ta.

Rồi đây tình hình địch có thể biến hóa thế nào nữa?

- Chúng có thể vừa giữ Điện Biên Phủ, vừa giữ Lai Châu, một nơi chính, một nơi phụ, có thể lấy Điện Biên Phủ làm chính.

- Nếu bị ta uy hiếp, chúng có thể co về một nơi và tăng viện thêm một chừng nào; cũng chả nhất định co về nơi nào, nhưng khả năng co về Điện Biên nhiều hơn.

- Nếu bị ta uy hiếp mạnh hơn, chúng có thể tăng viện nhiều và biến thành một tập đoàn cứ điểm (trong trường hợp này chúng có thể lấy Điện Biên làm nơi thiết lập trận địa), nhưng chúng cũng có thể rút.

Hiện nay ta chưa thể quyết đoán địch sẽ đóng hay rút, sẽ đóng nột nơi hay hai nơi, sẽ đóng lâu dài hay trong thời gian ngắn, sẽ tăng viện nhiều hay ít, v.v…Một là vì ta chưa có đủ căn cứ cụ thể để phán đoán âm mưu địch, hai là vì địch cũng có nhiều khó khăn, rút thì mất đất, tăng nhiều thì phân tán quân cơ động và có thể bị tiêu diệt nên chưa nhất định đã có chủ trương dứt khoát, hoặc hiện có chủ trương nhưng khi gặp khó khăn do sự đối phó của ta gây nên cũng có thể thay đổi.

Vô luận rồi đây địch thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta. Vì thế cần phải tìm cách kéo thêm chủ lực của chúng lên Điện Biên Phủ và giữ chúng lại đó”. (Báo cáo kết luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong “Hội nghị cán bộ chiến dịch Đông Xuân” ngày 23-11-1953. Trích trong tập Báo cáo kế hoạch tác chiến và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn, tập 3 (chiến dịch Điện Biên Phủ), Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, năm 1963, trang 15-16).

Từ những nhận định và kết luận trên, Bộ Tổng tư lệnh quyết định Đại đoàn 316 vẫn gấp rút tiến lên đánh địch ở Lai Châu và điều thêm Đại đoàn 308 lên để vây địch ở Điện Biên Phủ. Ở Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, các đại đoàn 312, 351 và cả Đại đoàn 304 (thiếu) được lệnh phải tuyệt đối giữ bí mật và sẵn sàng đánh trả địch nếu chúng liều lĩnh tiến công lên vùng căn cứ địa của ta.

Ngày 23-11-1953 Hội nghị phổ biến kế hoạch Đông Xuân kết thúc, cán bộ chỉ huy các đơn vị, các chiến trường nhanh chóng trở về tổ chức, lãnh đạo bộ đội thực hiện nhiệm vụ được cấp trên giao cho. Theo sự hướng dẫn của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu vừa theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch đã được xác định, đồng thời vừa khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án đánh địch ở Lai Châu và Điện Biên Phủ.

Đầu tháng 12 năm 1953, khi Na-va quyết định tiếp nhận cuộc giao chiến với ta ở Điện Biên Phủ và quyết giữ Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào, thì phương án tiến công Điện Biên Phủ của ta về cơ bản đã được dự thảo xong.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm tiến công Điện Biên Phủ.

Về tình hình địch và phương hướng chiến dịch, phương án tác chiến của Tổng Quân ủy ghi rõ: “Tuy hiện nay chưa thể khẳng định nhưng muốn bảo đảm thực hiện được quyết tâm của Trung ương là tiêu diệt địch và giải phóng vùng Lai Châu – Phong Xa Lỳ cho đến Luông Phra Băng trong Đông Xuân thì phải nhằm trường hợp địch tăng cường thành lập tập đoàn cứ điểm mà chuẩn bị.

Trong trường hợp này, trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay. Vì vậy, sự chuẩn bị có nhiều khó khăn, cần ráo riết tập trung lực lượng mới làm kịp, nhưng nếu kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành được chiến dịch thì thắng lợi này sẽ là một thắng lợi rất lớn”. (Báo cáo của Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị ngày 6-12-1953).

Về binh lực và thời gian tác chiến, phải sử dụng chín trung đoàn bộ binh và toàn bộ pháo binh, công binh, phòng không và một bộ phận pháo cao xạ, tổng số là 35.000 người. Nếu tính cả Bộ chỉ huy chiến dịch khoảng 1.850 người và 4.000 tân binh bổ sung sẽ đưa lên làm hai đợt thì quân số phải cung cấp cho hỏa tuyến sẽ tăng lên 40.850 người, chưa kể dân công.

Ở trung tuyến (từ Sơn La trở về) quân số bộ đội phải bố trí để bảo vệ tuyến cung cấp có 1.720 người. Quân số tổng quát của chiến dịch là 42.750. Thời gian tác chiến ở Điện Biên Phủ ước độ 45 ngày, nhưng còn tùy tình hình thay đổi, cũng có thể rút ngắn hơn.

Về nhu cầu nhân lực, vật lực: số nhân công phải huy động từ trung tuyến trở lên cần khoảng chừng 14.500 người, gồm cả dân công theo đơn vị, vận tải xe đạp và khuân vác, chưa kể số dân công của Hội đồng cung cấp mặt trận.

Thời gian phục vụ mặt trận, việc huy động gạo, thực phẩm, đạn dược… cũng được tính toán cụ thể. Về tình hình đường xá và kế hoạch vận chuyển cũng được chuẩn bị chi tiết, cụ thể và chu đáo.

Tổng Quân ủy kiến nghị: Muốn bảo đảm sự thực hiện quyết tâm của Trung ương là giải phóng Lai Châu – Phong Xa Lỳ, vấn đề mấu chốt hiện nay trong công tác chuẩn bị là phải bảo đảm đường sá. Cần phải tập trung khả năng và có kế hoạch cụ thể để tích cực giải quyết ngay từ bây giờ, chậm lắm là đến cuối tháng Giêng năm 1954, cần phải bảo đảm cho xe kéo pháo chạy được.

Sau khi nghe báo cáo quyết tâm của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị phân tích và kết luận: Về địch, Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng chúng cũng có cái yếu cơ bản là bị cô lập, mọi việc tiếp viện, tiếp tế đều phải dựa vào đường không. Về ta, với chất lượng đã được nâng cao thêm một bước trong chỉnh huấn, chỉnh quân, với kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về trang bị kỹ thuật, quân đội ta tới đây đã có thể đánh được tập đoàn cứ điểm.

Vấn đề đường xá tiếp tế cho chiến dịch đúng là một khó khăn rất lớn. Nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, cả hậu phương đang chuyển động trong cải cách ruộng đất sẽ tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến và nhất định bảo đảm cung cấp cho chiến dịch.

Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy.

Trong khi cơ quan tham mưu chiến lược của ta đang tập trung xây dựng phương án tiến công địch thì cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 316 và Đại đoàn 308 vẫn đang gấp rút tiến lên thực hiện nhiệm vụ đánh địch ở Lai Châu, vây địch ở Điện Biên Phủ.

Đêm 7-12-1953, đại đoàn bộ Đại đoàn 316 và trung đoàn 174 hành quân tới ngã ba Tuần Giáo, còn trung đoàn 98 mới hành quân tới bên kia đèo Pha Đin. Một ngày trước đó, lo sợ bị ta chia cắt lực lượng, Cô-nhi vội vã ra lệnh cho quân lính rút toàn bộ lực lượng khỏi Lai Châu, tập trung về phòng ngự Điện Biên Phủ.

Kế hoạch tháo chạy khỏi Lai Châu được Cô-nhi đặt tên là cuộc hành quân Pôn-luých, một bộ phận được chuyên chở bằng máy bay, số còn lại rút theo đường bộ và ngày 18-12-1953 sẽ rút xong.

Việc rút quân khỏi Lai Châu tuy cũng được cả Na-va và Cô-nhi tính đến từ trước, nhưng do sự xuất hiện nhanh chóng của Đại đoàn 316 trên vùng rừng núi Tây Bắc, làm cho quyết định của Cô-nhi “được đưa ra đột ngột đến nỗi binh đoàn biệt kích hỗn hợp không có đủ thời gian để tập hợp 25 đại đội phụ lực người Thái đang được bố trí rải rác trong rừng rậm.

Binh đoàn này chỉ có thể báo tin cho họ qua vô tuyến điện là phải chạy về Điện Biên Phủ một cách nhanh nhất”. Và để tới đích chúng sẽ phải vượt qua đoạn đường khoảng 100 ki lô mét và chắc chắn là sẽ rất nguy hiểm.

Được tin địch rút, ngay trong đêm mồng 7 tháng 12, sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh lập tức chỉ thị cho Đại đoàn 316 nhanh chóng cho một bộ phận theo đường số 41 đánh thẳng vào thị xã Lai Châu, còn đại bộ phận lực lượng phải tập trung cắt đứt cho bằng được đường Lai Châu – Điện Biên Phủ để chặn đánh, tiêu diệt bọn địch đang rút chạy bằng đường bộ. Đồng thời Bộ cũng đôn đốc Đại đoàn 308 khẩn trương tiến lên bao vây địch ở Điện Biên Phủ.

Căn cứ vào nhiệm vụ trên giao và tình hình cụ thể của đơn vị, đồng chí Lê Quảng Ba, đại đoàn trưởng và đồng chí Chu Huy Mân, chính ủy Đại đoàn 316 quyết định sử dụng tiểu đoàn 439 dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Phạm Quang Vinh, phó chính ủy trung đoàn 98 tiến đánh Lai Châu.

Đại đoàn bộ cùng với trung đoàn 174, tiểu đoàn 215 và trung đoàn bộ trung đoàn 98 tiếp tục hành quân theo đường Tuần Giáo – Điện Biên, đến Nà Tấu sẽ xuyên rừng vượt đèo Pa Thông, cắt đường Lai Châu – Điện Biên Phủ ở quãng Pu San – Mường Pồn. Còn tiểu đoàn 938 trung đoàn 98 tạm dừng lại làm nhiệm vụ bảo vệ Tuần Giáo đề phòng địch nhảy dù tập kích vào phía sau, phá hậu phương trực tiếp của chiến dịch.

Tuy đã 20 đêm liền hành quân nhưng toàn đại đoàn vẫn náo nức bắt tay ngay vào cuộc đuổi đánh địch.

Trên đường tiến quân vào thị xã Lai Châu, đêm 9-12-1953 tiểu đoàn 439 được sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh dùng xe chở gạo để chở bộ đội đến Nậm Mức (cách Tuần Giáo 45 ki lô mét). Vì đoạn đường tiếp sau quá xấu, ô tô không thể đi được, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 439 lại xuống xe tiếp tục hành quân bộ.

Tối mồng 10, đơn vị tiến đến Pa Ham (cách thị xã Lai Châu 32 ki lô mét). Pa Ham có một đồn nhỏ của địch, nhưng khi nghe tin chủ lực của ta đang tiến đánh Lai Châu, địch vội vàng rút một số vị trí lẻ co cụm về đây, nên quân số trong đồn đã tăng lên tới ba đại đội.

22 giờ, tiểu đoàn 439 nổ súng tiến công Pa Ham. Sau nửa giờ cầm cự, binh lính địch bỏ đồn tháo chạy. Tiểu đoàn 439 phát triển tiếp lên đánh chiếm đèo Cơ-la-vô. Đèo này nằm cách thị xã Lai Châu 14 ki lô mét, địa thế rất hiểm trở. Bình thường chỉ cần một đại đội chốt giữ thì hàng trung đoàn cũng khó vượt qua được. Nhưng hoảng sợ trước thế mạnh của ta, nên khi cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 439 vừa xuất hiện địch đã vội vã tháo chạy.

24 giờ ngày 11-12-1953, tiểu đoàn 439 đến sát thị xã Lai Châu. Được đồng bào địa phương hướng dẫn, bộ đội ta vượt qua cầu sắt liên tiếp đánh bật địch ra khỏi các vị trí, hoàn thành việc giải phóng thị xã Lai Châu vào chiều ngày 12 tháng 12.

Trong khi tiểu đoàn 439 tiến đánh Lai Châu thì bộ phận lực lượng chủ yếu của Đại đoàn 316 sau bốn ngày hành quân gian khổ đã từ Tuần Giáo tới đường Điện Biên Phủ - Lai Châu. Trung đoàn 174 bố trí ở khu vực Mường Muôn, Mường Pồn, đón đánh quân địch từ Lai Châu chạy về. Trung đoàn 98 tiến xuống Pu San chặn đánh bọn địch từ Điện Biên Phủ kéo ra. Tiểu đoàn 888 trung đoàn 176, theo nhiệm vụ đã được giao từ trước, tiếp tục hoạt động bám địch ở phía Him Lam – Bản Tấu.

Sáng ngày 12, đại đội 674 tiểu đoàn 251 dẫn đầu đội hình trung đoàn 174 tiến xuống Mường Pồn. Phát hiện trong bản có nhiều địch từ Lai Châu chạy về đang tạm dừng ở đó, đại đội 674 tổ chức bao vây. Bọn địch có máy bay từ Điện Biên Phủ lên bắn phá yểm hộ, ráo riết phản kích phá vây.

Mặc dù lực lượng ít, lại ở vào một địa thế không có lợi phải từ dưới thấp đánh lên điểm cao, nhưng với quyết tâm chặn bằng được quân địch tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tiếp sau kịp tiến lên tiêu diệt chúng, cán bộ, chiến sĩ đại đội 674 chiến đấu dũng cảm đánh lui nhiều đợt phản kích của địch.

Chiến sĩ liên lạc Bế Văn Đàn mang lệnh đên cho tiểu đội Chu Văn Pù giữa lúc cả tiểu đội chỉ còn bốn người đang phải chặn đánh một cánh quân địch đông gấp nhiều lần. Địch từ trên cao tràn xuống. Chu Văn Pù có khẩu trung liên trong tay nhưng không tìm được chỗ đặt súng để bắn ngược lên. Bế Văn Đàn lao tới nhấc hai chân súng đặt trên vai mình và giục đồng đội bắn… Người chiến sĩ dũng cảm đó hy sinh, nhưng đợt phản kích của địch đã bị chặn đứng.

Trong cả ngày 12, lực lượng địch tạm dừng ở Mường Pồn vẫn bị đại đội 674 vây chặt. Tảng sáng ngày 13, có đại đội 317 kịp đến tiếp sức, bộ đội ta đã hoàn toàn làm chủ Mường Pồn, loại khỏi vòng chiến đấu hai đại đội thuộc tiểu đoàn ngụy số 301 và một đại đội vận tải, diệt tại chỗ 95 tên, bắt sống 52 tên khác, thu nhiều vũ khí và lừa ngựa.

Cũng trong những ngày này, hai tiểu đoàn địch (tiểu đoàn dù lê-dương số 1 và tiểu đoàn dù ngụy số 5) từ Điện Biên Phủ kéo ra đón cánh quân ở Lai Châu rút về đã bị tiểu đoàn 888 chặn đánh ở Bản Tấu, loại khỏi vòng chiến đấu gần một trăm tên.

Trưa ngày 13, các lực lượng còn lại của hai tiểu đoàn này mò ra được tới Pu San (đông nam Mường Pồn bốn ki lô mét). Tại đây, sau nhiều lần tổ chức xung phong đánh chiếm điểm cao 1.168 (một điểm cao khống chế rất lợi hại đang được các chiến sĩ tiểu đoàn 215 và đại đội phòng không 677 chốt giữ) không thành công, hai tiểu đoàn dù này vội vã rời Pu San, tháo chạy trở về Điện Biên Phủ.

Trong những ngày sau đó, mặc dù máy bay địch đã giội nhiều bom đạn để chặn bước tiến của các chiến sĩ Đại đoàn 316, nhưng cũng không cứu nổi các cánh quân của chúng đang bị đánh tan tác trong rừng.

Qua 12 ngày đêm liên tục chiến đấu, truy kích, bao vây, tập kích trên núi rừng Tây Bắc hiểm trở, Đại đoàn 316 đã tiêu diệt và bức hàng 24 đại đội địch, giải phóng toàn bộ khu vực Lai Châu, uy hiếp Điện Biên Phủ từ phía bắc. Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Lai Châu là kết quả mở đầu xuất sắc của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân.

Mặc dù đã bị thất bại nặng ở Lai Châu và biết rằng một số đơn vị của ta đang tiếp tục tiến lên Tây Bắc, Tướng Na-va vẫn chưa thấy được mối nguy hiểm sắp đến đối với Điện Biên Phủ. Ông ta vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào “cái bẫy”, “cái máy nghiền” sẵn sàng nghiền nát các sư đoàn thép của đối phương và quyết tâm giữ nó bằng bất cứ giá nào.

Ngày 22-12-1953, một lần nữa Na-va lại quyết tâm tăng cường thêm cho Điện Biên Phủ ba tiểu đoàn bộ binh và một đại đội xe tăng nhẹ, đưa lực lượng của binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO) lên 12 tiểu đoàn và bảy đại đội bộ binh lẻ, hai tiểu đoàn và ba đại đội pháo, một đại đội xe tăng nhẹ, một đại đội vận tải với tổng quân số là 12.000 người.

Sau đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ đã trở thành nơi tập trung binh lực thứ hai của địch trên toàn chiến trường Đông Dương. Tuy vẫn quyết tâm giữ Điện Biên Phủ đến cùng, nhưng để đề phòng những trường hợp bất trắc, Na-va đã chỉ thị cho Cô-nhi và Cre-vơ Cơ bí mật chuẩn bị một kế hoạch rút lui khỏi Điện Biên Phủ.

Ngày 23-12-1953, binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO) cho một cánh quân vượt biên giới, sang bắt liên lạc với quân của Cre-vơ Cơ ở Xốp Nao (Thượng Lào) rồi rút ngay về Điện Biên Phủ. Nhưng bốn ngày sau đó, khi trung đoàn 36 Đại đoàn 308 đã cơ động lên chốt ở Pom Lót, hình thành thế bao vây địch ở phía nam thì tuyến giao thông đường bộ nối giữa Điện Biên Phủ và Thượng Lào cuối cùng đã bị cắt đứt.

Tóm lại, từ khi “kế hoạch Na-va” hình thành đến khi Điện Biên Phủ được cả ta và quân Pháp chọn làm điểm quyết chiến chiến lược, là cả một quá trình diễn ra cuộc đấu trí, đấu lực, khi công khai, khi thầm lặng giữa hai bộ thống soái. Na-va và nhiều tướng lĩnh Pháp, Mỹ và phương Tây đã từng giải thích vì sao bộ thống soái quân viễn chinh chọn Điện Biên Phủ để xây dựng tập đoàn cứ điểm, chấp nhận giao chiến với chủ lực ta.

Họ nêu nhiều nguyên nhân, nhưng như trên đã trình bày, nổi bật lên là xuất phát từ vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ; yêu cầu chiến lược về chính trị “bảo vệ Thượng Lào”; từ “con chuột biển” đến “con nhím” khổng lồ; quyết tâm sắt đá của Na-va dù cấp dưới không đồng tình, dù Pa-ri có can ngăn…

Nhưng rồi cũng đến lúc thần kinh của viên tướng này cũng dao động. Từ cuối tháng 12 năm 1953, Na-va đã ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Mọi dự kiến đã bị đảo lộn hết. Quân Pháp đành phải phó mặc cho số phận: phải đánh với phương tiện của bản thân tập đoàn cứ điểm là chủ yếu.

* Nguồn trích dẫn:
- "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.
- "Điện Biên Phủ - Mốc vàng thời đại", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.
- "Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

ĐẶNG VIỆT THỦY