Sáng nay (14/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong Bộ Luật hình sự (sửa đổi).
Bộ Tư pháp và Ủy ban Tư pháp vênh quan điểm
Theo ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, về nội dung hạn chế hình phạt tử hình có ba loại ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất, tán thành bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh như dự thảo, bao gồm: Cướp tài sản; Phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Chống mệnh lệnh; Đầu hàng địch; Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Chống loài người, tội phạm chiến tranh; Vận chuyển trái phép chất ma túy.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh; vận chuyển trái phép chất ma túy; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; cướp tài sản; đầu hàng địch; chống mệnh lệnh; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm.
Loại ý kiến thứ ba, ngoài các tội như đề xuất của Chính phủ, cần nghiên cứu bỏ hình phạt tử hình ở cả các tội khác như: Tham ô; nhận hối lộ; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, vì thực tế việc xét xử các tội này rất ít.
Đa số ý kiến thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành cơ bản với loại ý kiến thứ nhất, tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, đề nghị chưa nên bỏ hình phạt tử hình ở Tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh vì tính chất đặc biệt nguy hiểm của loại tội phạm này và bảo đảm tương quan với các tội khác đang còn giữ lại hình phạt tử hình.
Báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, ông Hà Hùng Cường – Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị xem xét lại đề nghị bỏ hình phạt tử hình với tội nhận hối lộ.
“Hối lộ là đặc biệt nghiêm trọng, còn tham ô thì khác vì có nhiều cách hiểu khác nhau, đôi khi do quản lý không chặt chẽ cũng tạo điều kiện cho người ta tham ô”, ông Cường nói.
Quan điểm của Bộ Tư pháp nhận được sự tán đồng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nghiên cứu làm rõ khung hình phạt, nhận hối lộ bao nhiêu thì bị xử lý hình sự, và mức bao nhiêu thì bị xử tử hình.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, nên giữ hình phạt tử hình với tội nhận hối lộ. ảnh: Ngọc Quang. |
Một vấn đề đáng chú ý nữa là Bộ Tư pháp và Ủy ban Tư pháp vênh nhau về quan điểm áp dụng hình phạt tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy không. Theo Ủy ban Tư pháp thì cần giữ nguyên hình phạt tử hình như quy định hiện hành, tuy nhiên Bộ Tư pháp thì cho rằng, chỉ nên áp dụng với mua bán trái phép, còn vận chuyển hay tàng trữ trái phép chất ma túy thì không áp dụng hình phạt tử hình.
Cho ý kiến về nội dung này, ông KSor Phước – Chủ tịch Hội đồng dân tộc cho rằng: “Nếu nghiên cứu mà càng bỏ được nhiều hình phạt tử hình càng tốt. Tôi xin nói là có những đồng chí lính mới làm nhiệm vụ xử bắn có khi cả tuần liền không ngủ được. Đó là vì cái gì? Vì cái đạo đức cơ bản nhất của con người, đó là tình thương.
Đối với đề nghị giữ hình phạt xử tử hình tội vận chuyển ma túy, vừa qua chúng tôi có đi khảo sát ở các khu vực đồng bào dân tộc thì nếu giữ hình phạt thì đồng bào dân tộc dính rất nhiều. Thà để người ta sống rồi giáo dục còn tốt hơn là để người ta chết để giáo dục”.
Ân giảm từ tử hình xuống chung thân không được tiếp tục giảm án
Về quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân (khoản 3 Điều 63 dự thảo), ông Nguyễn Văn Hiện cho biết có hai loại ý kiến:
"Nhân loại tiến bộ, cơ quan điều tra phải độc lập với tạm giam, tạm giữ" |
Loại ý kiến thứ nhất, tán thành quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị vẫn quy định xét giảm án như những người bị kết án tù chung thân khác, nhưng điều kiện xét giảm án chặt chẽ hơn.
Đa số ý kiến thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành với ý kiến thứ nhất vì cho rằng, quy định này bảo đảm sự nghiêm minh, công bằng trong xử lý đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng lẽ ra đã bị loại trừ khỏi đời sống xã hội, việc giữ mạng sống cho người bị kết án đã thể hiện sự nhân đạo của pháp luật. Quy định này vừa làm tăng tính răn đe, phòng ngừa của hình phạt vừa bảo đảm được việc hạn chế thi hành án tử hình trên thực tế.
Tuy nhiên, có ý kiến nhất trí với loại ý kiến thứ hai vì cho rằng, đối với đối tượng này vẫn nên cho họ được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt như người bị kết án tù chung thân (hiện hành vẫn được xét giảm), nhưng điều kiện để xét giảm phải chặt chẽ hơn so với người bị kết án khác.
Cụ thể, đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 39 Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm.
Đề nghị không tử hình với người từ 75 tuổi trở lên
Về các trường hợp không thi hành án tử hình, ông Nguyễn Văn Hiện cho hay, một số ý kiến tán thành quy định không thi hành án tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên, nhưng cũng có ý kiến ngược lại.
Đa số ý kiến thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, chưa nên loại trừ thi hành hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, với việc coi yếu tố tuổi cao như các tình tiết được hưởng sự khoan hồng khác và thực tế áp dụng pháp luật, thì cần cân nhắc quy định không thi hành hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.
Cho ý kiến vào nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp – ông Hà Hùng Cường cho biết: “Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng nhiều nước không áp dụng tử hình với 3 đối tượng là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi, tuy nhiên phạm vi áp dụng khác nhau. Thí dụ như Liên bang Nga hoặc Kazakhstan không tử hình với người ở độ tuổi chưa thành niên, phụ nữ và người 65 tuổi trở lên. Sudan thì không áp dụng hình phạt tử hình với người chưa thành niên và người 70 tuổi trở lên”.
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII và qua các cuộc họp Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đa số các ý kiến cho rằng, nên nâng độ tuổi không áp dụng hình phạt tử hình từ 75 tuổi trở lên.