Nhân sự cốt cán không nhất thiết phải tính tuổi vì "gừng càng già càng cay"

05/01/2019 06:51
Bạch Đằng
(GDVN) - Ông Lê Thanh Vân cho rằng: Những trường hợp đặc biệt không nhất thiết ràng buộc về độ tuổi vì các cụ có câu, “tài không đợi tuổi” hay “gừng càng già càng cay".

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII của Đảng đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có.

Trong đó, có 5 ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 người trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Số liệu trên vừa cho thấy Đảng mạnh tay trong xử lý cán bộ sai phạm nhưng cũng bộc lộ hạn chế trong công tác lựa chọn cán bộ.

Trong bối cảnh đang tiến hành công tác nhân sự cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2021 – 2026 thì vấn đề đặt ra làm sao lựa chọn được người xứng đáng vào các vị trí cốt cán quan trọng của Đảng và nhà nước mà không chọn nhầm người.

Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Thanh Vân Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Trước hết cần có tổng kết sâu sắc công tác nhân sự trong nhiệm kỳ XII vừa rồi để tìm ra nguyên nhân vì sao có nhiều người vi phạm pháp luật, vi phạm nguyên tắc ở một lượng lớn cán bộ các cấp như vậy”.

Theo ông Lê Thanh Vân: “Cần phải đánh giá sâu sắc để tìm ra nguyên nhân chất lượng cán bộ như vậy có phải do quy định lỏng lẻo hay đã có quy định chặt chẽ nhưng chính các cá nhân có quyền, có trách nhiệm bóp méo”.

Ngoài ra, theo vị này, muốn có nhân sự tốt còn cần phải đặt ra yêu cầu đối với công tác nhân sự với sứ mệnh mới trong bối cảnh mới và xác định được các tiêu chí, mục đích, quy trình lựa chọn đội ngũ cán bộ.  

Nhân sự cốt cán không nhất thiết phải tính tuổi vì "gừng càng già càng cay" ảnh 2Có người năng lực yếu, phẩm chất kém nhưng lại đứng trên vũ đài chính trị

“Việc đặt ra tiêu chuẩn phải có tính kế thừa, đối với những trường hợp đặc biệt, cụ thể, không nhất thiết phải ràng buộc về độ tuổi.

Vì, đưa ra độ tuổi để hạn chế việc tái cử hay giới thiệu nhận sự mới đã thể hiện tính bất lực trong đánh giá con người. Các cụ ta có câu, “tài không đợi tuổi” hay người có tài, có đức, có sức khỏe thì là “gừng càng già càng cay” – ông Vân góp ý.

Cũng theo vị này, cần phải xây dựng bộ tiêu chí để nhận diện cán bộ dựa trên thực tính. Tức là những cơ sở đưa ra lựa chọn cán bộ phải đong đếm được chứ không phải định tính thông qua bằng cấp, tín nhiệm.

Ông Lê Thanh Vân cho rằng, mỗi khi chú trọng quá về bằng cấp thì bằng muôn hình vạn cách người ta kiếm được cái bằng. Từ đó sinh ra tệ bằng giả, mua bán bằng.

Còn chú trọng đến tín nhiệm của tập thể lại tìm cách mua chuộc, vận động, lôi kéo, đe dọa, gian dối, dùng mẹo cờ bạc để đạt được.

Và như thế, theo ông Lê Thanh Vân: “Người tài dễ bị loại nếu các quy định thiên về định tính. Chỉ khi nào phơi bày tất cả kết quả hoạt động gọi là tinh hoa phát tiết ra ngoài trước công chúng thì các trò gian dối, cờ gian bạc lận trong công tác cán bộ mới không còn”.

Cũng liên quan đến nhân sự, ông Lê Thanh Vân cho rằng cần gắn trách nhiệm cá nhân đối với việc giới thiệu, đề cử nhân sự. Giải thích về việc này, ông Vân cho rằng: “Công tác nhân sự thường bắt đầu từ việc đề cử, giới thiệu nhân sự.

Nhưng lâu nay chưa minh bạch cơ chế ràng buộc người đề cử mà chỉ nhấn mạnh yếu tố tập thể. Cho nên, có trường hợp đã vận dụng cơ chế này để mượn bàn tay tập thể đưa người nhà, người thân,đệ tử điếu đóm vào diện quy hoạch.

Vì uy quyền của người đứng đầu quá lớn, lại thiếu dân chủ trong các bước lựa chọn cho nên dễ bị lợi dụng hợp thức hóa”.

Nhân sự cốt cán không nhất thiết phải tính tuổi vì "gừng càng già càng cay" ảnh 3Ai bợ đỡ cho Vũ “nhôm” dùng trò “cáo mượn oai hùm” để lộng hành?

Vị Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách chia sẻ rằng: “Tôi là người đi luân chuyển thực tiễn nên quá biết việc này.

 Không ít trường hợp nhắn tin đe dọa, rồi gọi lên giao nhiệm vụ, rồi man trá trong việc kiểm phiếu thậm chí tắt điện để kiểm phiếu, dối trá để hợp thức hóa ý chí của lãnh đạo.

Do đó, theo tôi, sản phẩm nhân sự phải có người chịu trách nhiệm và tập thể cũng phải chịu trách nhiệm. Cần có quy định để bóc tách ra từng khâu, ràng buộc, trói buộc theo từng khâu.

Trong đó, người đầu tiên giới thiệu nhân sự thì phải bảo đảm cam kết và chịu trách nhiệm chính”.

Ông Vân quan điểm: “Muốn có nhân sự tốt thì cần xây dựng quy trình lựa chọn, minh bạch, công khai, vừa đóng vừa mở.

Đóng là khi chốt hạ được những nhân sự thực sự xứng đáng. Còn mở khi chúng ta bắt đầu tuyển chọn nhân sự”.

Cuối cùng vị này cho rằng, với nhiệm kỳ đặc thù và có bước chuyển tiếp thì cần thiết phải lựa chọn được những nhân sự nổi trội.

Cần có những quy định riêng trong đó nên bước qua nhận thức về độ tuổi.

Bạch Đằng