Công tác phòng chống tham nhũng mà Đảng, nhà nước thực hiện trong năm qua đã đưa nhiều quan chức và cựu quan chức ra xử lý vì các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật Đảng.
Bàn luận về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Dương Trung Quốc - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Những gì diễn ra cho thấy người dân tin tưởng vào Đảng vì đã thẳng tay xử lý sai phạm, ngay cả đối với những người có vị trí, nắm giữ các chức vụ quan trọng”.
Ông Dương Trung Quốc, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn). |
Phân tích sâu về tệ nạn này, theo ông Dương Trung Quốc thì đây là vấn đề thời nào cũng tồn tại. Chỉ khác ở mỗi thời tham nhũng có diễn biến khác nhau về mức độ, thủ đoạn, hình thức.
Thời phong kiến của nước ta tham nhũng xảy ra chủ yếu bằng hình thức hối lộ (tức là việc dùng lợi ích vật chất để đạt mục tiêu thông qua trách nhiệm của người cầm quyền).
Để chống tệ nạn này, người xưa nhấn mạnh đến lòng tự trọng, sự liêm sỉ. Xã hội đưa liêm sỉ thành một giá trị cần phải có nếu ai vi phạm sẽ bị lên án mạnh mẽ và bản thân cũng tự cảm thấy đáng xấu hổ.
Đại biểu Dương Trung Quốc: Nêu gương nên từ con người cụ thể |
Trong khi xã hội hiện nay, theo quan điểm của ông Dương Trung Quốc thì tham ô, tham nhũng lại xuất phát từ hai yếu tố là đất đai và quyền lực.
Đây là hai yếu tố làm nảy sinh ra tham nhũng còn hình thức biểu hiện ra bên ngoài của tham nhũng lại muôn vàn, muôn vẻ, muôn thủ đoạn.
Cũng theo ông Dương Trung Quốc: “Sự nguy hại nhất phải kể đến là tệ tham nhũng vặt.
Tệ nạn này đang lây lan đến mức một người chỉ có chút quyền thôi, quyền này do nghề nghiệp mang lại nhưng cũng cố phát huy hết để thu lợi cho mình”.
Qua trao đổi với ông Dương Trung Quốc có thể thấy việc khoanh vùng tham nhũng là việc dễ. Bởi, người muốn tham nhũng phải có chức, có quyền nhưng chống tham nhũng lại việc rất khó.
Vì, đánh tham nhũng là hành vi “tự lấy đá ghè vào chân của mình”. Muốn đánh được loại giặc nội xâm này cần phải đủ dũng cảm, dũng khí mới mong thành công.
Quan điểm của ông Dương Trung Quốc, chống tham nhũng thì điều quan trọng và lý tưởng nhất là “cái lò” chống tham nhũng không còn phải “đốt củi” nữa.
Do đó, cần phải có một hệ thống pháp luật và chính sách làm sao không thể tham nhũng được và không ai dám tham nhũng.
Để minh tường hơn về ý kiến của mình, ông Dương Trung Quốc phân tích, công chức là một đối tượng có điều kiện để tham nhũng.
Trong khi đó lương chính thức của họ lại không đáng bao nhiêu so với mức sống hiện nay. Với lương đó đa số phải tằn tiện mới sống được. Trong khi con người luôn muốn vươn lên để sống sung túc.
Chính vì thu nhập thấp nên nhìn tổng thể xã hội đang có hiện tượng tước đoạt, hành hạ lẫn nhau. Để chấm dứt tình trạng này phải cần có cơ chế để kích thích mọi người làm việc hăng hái, có hiệu quả.
Ông Dương Trung Quốc: Con ông cháu cha gian lận điểm làm mục ruỗng bộ máy |
Vị Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho rằng, như thời phong kiến, dưỡng liêm là người làm quan ngoài lương còn có bổng. Nên quan lại làm việc liêm chính vẫn sống tốt.
Chính vì thế, khi làm quan thì đa số luôn làm việc cố gắng để không bị mất chức, vì sẽ mất đi nguồn sống chính đáng.
Ngoài ra, theo ông Dương Trung Quốc, chống tham nhũng muốn thành công cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống.
Ví dụ trong trường hợp của ông Đinh La Thăng. Sai lầm của ông Đinh La Thăng chủ yếu cho đến bây giờ người ta đưa ra xét xử là từ thời ông làm ở Tập đoàn Dầu khí.
Vậy các cơ quan, tổ chức có quyền giám sát ở đâu để cho ông Đinh La Thăng leo cao như vậy?
Nếu tất cả các khâu đều phát hiện sớm thì chắc chắn không có vụ việc như ông Đinh La Thăng xảy ra.
Do đó, trong vụ việc ông Đinh La Thăng không thể quy cho một mình cá nhân ông Thăng sai phạm. Mà cả hệ thống phải rút được kinh nghiệm và bài học.
Cuối cùng, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Trong năm qua đấu tranh chống tham nhũng đã có chuyển biến rất tích cực.
Không chỉ dừng lại việc phát hiện các sai phạm cũ, đưa ra trị tội làm gương mà còn hoàn thiện các văn bản pháp luật, quy định để tìm cách bịt lỗ dò.
Trong chống tham nhũng chúng ta đã phát huy được trách nhiệm của cả hệ thống”.