LTS: Cách thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia như vừa qua đã nhận được sự ủng hộ lớn vì gọn nhẹ, tinh giản, đỡ tốn kém nhưng vẫn cần một sự ổn định, chắc chắn.
Vậy nhưng thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc vẫn còn băn khoăn: Có nên bỏ kì thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông? Nên giao quyền tự chủ tổ chức và tuyển sinh cho các trường? Nên xóa hình thức cộng điểm thông qua học bạ?
Dưới đây là ý kiến của thầy trên vai trò là một nhà giáo, nhà quản lý giáo dục.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Sau khi hoàn tất khâu coi thi, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định năm tới công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục có những đổi mới, cải tiến. Dựa trên việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến từ các Sở GD&ĐT, trường đại học, cao đẳng và chuyên gia giáo dục; các thông tin đổi mới sẽ được phổ biến, có quyết định ngay từ đầu năm học.
Đành rằng, một nội dung, hoạt động nào khi thực hiện theo từng năm cần có những điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với mục tiêu đề ra; nhưng chuyện thi cử liên quan đến nhiều đối tượng mà năm nào cũng có xáo trộn, thay đổi thì thật đáng lo ngại!
Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần có những quyết định căn cơ, ổn định hơn về công tác tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia để cả thầy, trò và các bậc cha mẹ yên tâm trong khâu dạy, học và quản lý học trò.
Trong khi, Bộ GD&ĐT vẫn còn lúng túng trong lộ trình thi cử những năm tới thì trên các diễn đàn bình bàn đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục về cách thức thi cử những năm tới đây.
Thứ nhất, có những người từng nhiều lần đề xuất Bộ GD&ĐT nên bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông vì nó không cần thiết và phù hợp nữa.
Thi tốt nghiệp như lâu nay mà kết quả, tỉ lệ mọi nơi đều đậu gần hết, chỉ có mấy thí sinh rớt thì cần gì thi?
Cứ giao hẳn cho các cơ sở giáo dục xét công nhận là xong; đỡ lo lắng, áp lực và tốn kém cho mọi người.
Bộ sẽ tiếp tục có những thay đổi hình thức thi như thế nào? (Ảnh nguồn: Nld.com.vn). |
Nhưng theo quan điểm của tôi, chưa thể bỏ kỳ thi để xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông được vì học sinh vẫn còn suy nghĩ “không thi, không học”, có thi mới học.
Do đó, ngành giáo dục nên nhìn nhận cho toàn diện, thấu đáo vấn đề, bởi lẽ một đợt sát hạch, kiểm tra sau 12 năm học phổ thông là cần thiết để đánh giá được một số mặt về chất lượng dạy và học của thầy và trò.
Nó cũng là động lực quan trọng của mục tiêu giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dạy và người học.
Hơn nữa, nhiều nước trên thế giới có nền giáo dục tiên tiến, phát triển vẫn duy trì hình thức thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông vì họ nhìn thấy tính cần thiết, đúng đắn của hình thức sát hạch đó đối với quá trình phát triển của giáo dục.
Thứ hai, nhiều người vẫn ủng hộ quan điểm, nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông dưới hình thức “2 trong 1” như hiện nay nhưng cần nhiều hơn 6 môn thi như trước, để tránh tình trạng học sinh học lệch. Mặt khác, cần bỏ hẳn việc cộng điểm học bạ lớp 12.
Có nên giao quyền tự chủ cho các trường Đại học hay không?(GDVN) - Khi giao tự chủ về cho các trường, có người quan ngại, tình trạng loạn luyện thi ở các trường Đại học lại xảy ra. |
Theo tôi, để giảm bớt áp lực thi cử cho thí sinh thì ngành giáo dục nên duy trì bốn môn thi như hiện tại là được. Những năm sau này, khi có điều kiện dạy đại trà hình thức tích hợp các môn học thì sẽ tiến tới làm các bài kiểm tra tổng hợp vừa tự luận vừa trắc nghiệm.
Lúc đó chắc chắn sẽ hết chuyện học lệch, xem thường các môn không chọn thi!
Còn việc cộng điểm học bạ lớp 12 là một chủ trương, nhãn quan đúng đắn, tốt đẹp của Bộ GD&ĐT về mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại giữa quá trình dạy học và thi cử.
Nhưng tiếc rằng, một số đơn vị, giáo viên cố tình làm lệch lạc, méo mó đi. Vậy nên, các Sở GD&ĐT cần chỉnh đốn, kiểm tra, xử lý nếu có sai phạm để việc đánh giá, cho điểm công bằng hơn.
Đồng thời, Bộ cũng nên giao trách nhiệm chính về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông cho các Sở GD&ĐT; Bộ có nhiệm vụ ban hành quy chế thi và ra đề thi để đảm bảo sự đồng bộ trong cả nước, đỡ tốn kém kinh phí ra đề (nếu để từng Sở ra đề, cũng đủ các loại ban bệ, thành phần thì chi phí sẽ đội lên gấp nhiều lần).
Thứ ba, nhiều lãnh đạo, quản lý giáo dục ở các trường đại học bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT sớm trao quyền tự chủ về tổ chức thi cử và tuyển sinh cho các trường. Bộ GD&ĐT không nên ôm đồm, nhận về mình nhiều quyền năng mà chỉ giữ vai trò quản lý nhà nước, điều tiết nền giáo dục ở tầm vĩ mô.
Đúng, những năm qua, Bộ GD&ĐT ôm đồm, “làm thay” công đoạn tổ chức thi cử cho các trường Đại học. Nhưng cái ôm đồm đó là tổ chức thi 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả); kỳ thi “2 trong 1” đã đem lại nhiều lợi ích to lớn cho phụ huynh, học sinh và cả nước (giảm áp lực thi cử, tiết kiệm chi phí, kinh phí).
Mấy năm tới đây, nếu để các trường đại học tự tổ chức thi và tuyển sinh thì chuyện gì sẽ nảy ra? Công tác thi cử và tuyển sinh đại học dễ quay lại lối mòn hơn 10 năm trước. Học sinh lại phải vật vã, áp lực vô cùng với 2 kỳ thi Trung học Phổ thông và tuyển sinh đại học chỉ cách nhau chưa đầy 1 tháng.
Học sinh và phụ huynh phải khăn gói, khổ sở đi đến trường nọ, trường kia, cùng nhiều chi phí tốn kém, đặc biệt các em ở nông thôn và nghèo khó.
Chưa kể, tình trạng loạn luyện thi ở các trường đại học lại tái diễn, ra đề thi thiếu chuẩn, vô thưởng, vô phạt; thậm chí có chuyện sai sót, lộ đề… khiến sĩ tử và phụ huynh cùng “lãnh đủ” hậu quả.
Một số chuyên gia, nhà quản lý giáo dục nghĩ thông qua việc tự tổ chức thi thì tuyển chọn được những thí sinh phù hợp vì mỗi ngành nghề, trường học có những đặc thù riêng; nhưng theo tôi phải có các quy định, điều kiện, ràng buộc cụ thể về đề án thi cử và xét tuyển sinh.
Năm nay, thí sinh không được rút hồ sơ đã đăng ký(GDVN) - Chiều 4/7, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi kỳ thi THPT quốc gia 2016, tại đây nhiều vấn đề “nóng” được lãnh đạo Bộ trao đổi. |
Loại trường nào thì được tự chủ thi cử, loại trường nào thì dựa vào học bạ, kết quả tốt nghiệp để xét tuyển. Không cho phép tùy tiện, tràn lan, mạnh ai nấy tổ chức thi cử.
Có chăng nên theo định hướng đề án thi cử và xét tuyển như trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm, chỉ cần một bài kiểm tra năng lực tổ chức gọn gàng, trong một buổi ngay tại địa phương.
Ở góc nhìn của tôi, thì cách tổ chức thi “2 trong 1” về cơ bản như hiện nay là ổn rồi, dựa vào đây, các trường đại học đâu khó khăn về khâu chọn lựa học sinh. Bởi mặt bằng kiến thức, kỹ năng của mọi thí sinh là như nhau, chỉ cần qua một kỳ thi với các đề có tính phân hóa cao là có thể phân loại.
Thực tế, nguồn nhân lực mà hàng trăm trường đại học ở ta đang “thi đua” đào tạo đã tốt chưa? Có đáp ứng được yêu cầu của xã hội hay không?
Nguyên nhân chất lượng đào tạo đại học yếu kém như hiện nay có phải do ở khâu tuyển sinh đầu vào hay do ở khâu giảng dạy ở các trường đại học gây ra?
Câu trả lời có lẽ là các trường đại học nên tự nhìn lại mình để có “cuộc cách mạng” trong việc đào tạo nguồn nhân lực tương lai tốt hơn.