Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang "thí điểm" đề án chương trình song bằng học từ lớp 6 tại 7 trường trung học cơ sở công lập trên địa bàn Thủ đô, bắt đầu từ năm học 2018-2019.
Thông tin về các đề án thí điểm này được Sở cũng như các trường công bố rất ít, chỉ là những quảng bá mang tính vụn vặt, chắp vá trên truyền thông, nên để có cái nhìn toàn cảnh về đề án "thí điểm" song bằng, quả thực không dễ.
Tuy nhiên, từ những thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quảng bá trên truyền thông về "thí điểm" chương trình song bằng cũng như hoạt động thực tiễn của Hội đồng Khảo thí quốc tế Cambridge tại Việt Nam, chúng tôi cũng xin rút ra vài nhận xét để rộng đường dư luận.
Bởi chương trình "song bằng" thành công hay không, phải sau 5 năm nữa mới đánh giá được. [1]
Văn nghệ chào mừng lễ khai giảng chương trình thí điểm đào tạo song bằng tú tài tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An ngày 15/7/2017, ảnh: Thùy Linh / Báo Nhân Dân. |
Quan trọng hơn là "thành công" với ai, theo tiêu chí nào cũng là một vấn đề cần bàn;
Bởi 5 năm nữa thì nhiều vị trí lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Hiệu trưởng các trường tuyển sinh "song bằng" hiện nay chưa chắc đã còn giữ nguyên như hiện nay.
Trong lĩnh vực giáo dục lâu nay vẫn còn tình trạng "thí điểm" tràn lan, nói như một vị Giáo sư nổi tiếng thì "ở ta ông đương chức còn chả chịu trách nhiệm nữa là ông về hưu".
Bởi vậy hơn ai hết, cha mẹ học sinh nên có sự tìm hiểu thấu đáo, kỹ càng trước khi "tự nguyện" cho con em mình theo học một chương trình "thí điểm".
Học "song bằng" chắc chắn sẽ có 2 tấm bằng
Có lẽ đây là nhận thức và mong muốn phổ biến của các bậc cha mẹ học sinh quan tâm hoặc có con tham gia đề án "thí điểm" chương trình song bằng do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đứng ra chủ trì.
Hai chữ "song bằng" cũng được quý Sở, các trường quảng bá như một dấu ấn vượt trội của giáo dục công lập Thủ đô. Thậm chí, Phó phòng Giáo dục phổ thông của Sở, bà Bùi Thị Minh Nga còn tuyên bố:
"Phải nhắc lại, khối dân lập của Hà Nội đã thực hiện chương trình này khá lâu rồi, nhưng họ dạy chương trình Cambridge chứ không dạy chương trình song bằng." !? [2]
Học "song bằng" đóng tiền thật, chất lượng cam kết dựa trên niềm tin |
Mục tiêu của đề án "thí điểm" song bằng mà các trường tham gia dẫn lại từ đề án "thí điểm" của Sở được đặt ra, như sau:
- Đảm bảo đầy đủ nội dung giảng dạy do Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định.
- Tạo cho học sinh cơ hội hội nhập quốc tế; có đủ điều kiện và khả năng để trở thành Công dân toàn cầu.
Sau khi hoàn thành bậc trung học cơ sở, học sinh:
- Có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
- Đạt trình độ tiếng Anh B1 (theo chuẩn CEFR)
- Nắm bắt được kiến thức các môn Toán, Khoa học, ICT và kinh doanh (môn tự chọn) bằng tiếng Anh.
- Có khả năng thi lấy chứng chỉ IGCSE và chứng chỉ quốc tế khác. [3]
"Tạo cho học sinh cơ hội hội nhập quốc tế; có đủ điều kiện và khả năng trở thành Công dân toàn cầu" là một mục tiêu khá mơ hồ.
Cơ hội hội nhập quốc tế thì luôn hiện hữu, làm được hay không mới là vấn đề. Công dân toàn cầu cần điều kiện và khả năng gì, cũng cần phải làm rõ.
Nếu để du học nước ngoài, thì thực sự đã có nhiều học sinh Việt Nam tự tìm được học bổng mà không tốn quá nhiều chi phí cũng như thời gian như học "song bằng". Điều quan trọng nằm ở "sự khác biệt".
Mục tiêu cụ thể của chương trình "song bằng", thì riêng bằng tốt nghiệp trung học cơ sở có lẽ không cần đặt ra (do trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp quận / huyện cấp sau khi học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở).
Đây là bậc học phổ cập theo Luật Giáo dục hiện hành, tốt nghiệp không phải thi mà chỉ cần xét, và ở Hà Nội khó tìm được trường hợp nào học hết trung học cơ sở mà lại không được xét tốt nghiệp và cấp bằng.
Còn tấm bằng thứ 2 mới là cái cha mẹ học sinh quan tâm, hao tiền tốn của cho nó, thì không có cam kết nào rõ ràng.
Tiến sĩ Chử Xuân Dũng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát biểu tại lễ khai giảng chương trình giáo dục song bằng (thí điểm) tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An ngày 15/7/2017. Ảnh: VOV. |
Bà Bùi Thị Minh Nga nói rằng, "với điểm chuẩn (tuyển sinh năm nay) như thế, các phụ huynh lo một, Sở Giáo dục - Đào tạo lo mười. Vì chúng tôi cam kết đầu ra cho các con."
Nhưng cam kết đầu ra của Sở rất mông lung: "Có khả năng thi lấy chứng chỉ IGCSE và chứng chỉ quốc tế khác".
Trong bài viết trước, chúng tôi đã phân tích đánh giá của đại diện lãnh đạo Sở, rằng chương trình "song bằng" thực sự rất nặng.
Nếu như việc cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoàn toàn nằm trong tầm tay cấp phòng giáo dục và đào tạo, nôm na là cây nhà lá vườn, thì IGCSE là câu chuyện hoàn toàn khác.
Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge quản lý chặt chẽ đầu vào, đầu ra của sản phẩm nhưng khá "lỏng lẻo" trong quy trình từ đầu vào đến đầu ra, bởi chức năng của họ là khảo thí, chứ không phải đào tạo.
5 năm nữa, lứa "thí điểm" đầu tiên sẽ ra lò, lúc đó mới biết có bao nhiêu em thi được bằng tú tài Anh quốc A-level.
Tỉ lệ này cao thì là thành tựu đổi mới giáo dục Thủ đô của quý Sở, nhưng tỉ lệ này thấp, phải chăng là do "năng lực của học sinh"?
Trong khi đó, thời điểm thi lấy chứng chỉ IGCSE của học sinh song bằng trung học cơ sở, thi lấy chứng chỉ A-level với học sinh song bằng trung học phổ thông lại trùng 2 kỳ thi quan trọng: tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia để tuyển sinh đại học.
Tuyển sinh lớp 6 song bằng ở Hà Nội, bánh ngon Sở vẽ và những bất thường |
Lúc đó, nếu có sơ sẩy gì với tấm bằng thứ 2, liệu có vị cha mẹ học sinh nào đủ kiên nhẫn để khiếu nại, khởi kiện, thay vì lo chỗ học chuyển cấp cho con?
Quan trọng hơn là khiếu nại ai, kiện ai khi bị "cài" ngay từ đầu bởi 2 chữ "tự nguyện" và "thí điểm"?
Ngay cả mục tiêu "đạt trình độ tiếng Anh B1 (theo chuẩn CEFR - khung tham chiếu châu Âu)" cũng rất mơ hồ.
Không cần phải tốn cả trăm triệu để học thêm 1 chương trình, các em học sinh hoàn toàn có thể lấy các chứng chỉ quốc tế tiếng Anh để "hội nhập" (du học?) với chi phí rẻ hơn, khối lượng kiến thức nhẹ nhàng hơn, và có nhiều thời gian hơn cho gia đình và trải nghiệm.
Có thể thấy thiết kế "mục tiêu" của đề án thí điểm không có gì "sai", chỉ có điều nó rất mơ hồ và mọi rủi ro thuộc về người học.
Nếu kết quả không như ý muốn, thì người học tiền mất, tật mang (ảnh hưởng đến kết quả thi chuyển cấp, mất thời gian, tiền bạc và cơ hội).
Lỗ hổng rủi ro của chương trình Cambridge
Ngày 15/7/2017 phát biểu tại lễ khai giảng chương trình giáo dục song bằng "thí điểm" đầu tiên tại trường Trung học phổ thông Chu Văn An, ông Chử Xuân Dũng khi đó là Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết:
Mô hình triển khai tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An là mô hình song bằng tại một trường công lập đầu tiên trên toàn quốc.
Ông cho biết, chương trình từ khi bắt đầu đến lúc triển khai chính thức đã nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh và học sinh và có thể nói đây là mô hình được người dân Thủ đô mong đợi. [1]
Có bao nhiêu người dân Thủ đô thực sự hiểu về vụ "thí điểm" này và mong đợi nó thì chúng tôi không rõ, nhưng chắc chắn đây không phải "lần đầu tiên".
Trong bài viết trước, chúng tôi đã đưa ra các bằng chứng cho thấy ngay từ năm 2009 Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge đã tìm cách tiếp cận lãnh đạo thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để tiếp thị chương trình này.
Hà Nội cũng đã triển khai tại một số trường, công lập có, tư thục có, cùng với thành phố Hồ Chí Minh thông qua doanh nghiệp EMG độc quyền phân phối theo hình thức nhượng quyền thương hiệu.
Tiến sĩ Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm Triển khai các chương trình quốc tế tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 2/3/2018. Ảnh: hanoi.edu.vn. |
Tháng 7/2014 thì xảy ra sự kiện chương trình Cambrigde bị dừng tại 33 trường phổ thông ở Việt Nam, trong đó có các trường ở Hà Nội.
Quý bạn đọc nào quan tâm, xin theo dõi lại bài viết "Chương trình "song bằng" của Hà Nội vẫn bình mới rượu cũ, thất bại ai sẽ chịu?"
Còn bà Bùi Thị Minh Nga phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến trên Báo Nhân Dân ngày 10/7 thì nói rằng:
"Tôi xin khẳng định, đây là lần đầu tiên chúng tôi triển khai chương trình song bằng với khối trường trung học cơ sở công lập.
Với khối trường tư thục, chúng tôi đã thí điểm từ năm 2014 tại trường Wellspring và Đoàn Thị Điểm." [2]
Khẳng định thứ nhất của bà Nga cũng chính là những gì ông Chử Xuân Dũng phát biểu tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An năm ngoái mà chúng tôi vừa nhắc lại.
Điều khiến chúng tôi cảm thấy băn khoăn, là Sở Giáo dục và Đào tạo đã "thí điểm chương trình song bằng" ở 2 trường tư thục Wellspring và Đoàn Thị Điểm như thế nào?
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có hỗ trợ 2 trường này tuyển dụng, trả lương, đào tạo giáo viên và tuyển sinh đầu vào chương trình Cambridge giống như đang làm cho 9 trường công lập, mà bây giờ Sở gọi tên mới là "song bằng" hay không?
Nếu không, xin đừng nói "chúng tôi thí điểm", Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ "thẩm định chương trình" và "cấp phép" theo thủ tục, trình tự quy định cho 2 trường này mà thôi.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn du học, Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge quản lý rất chặt chẽ đầu vào (sách giáo khoa, chương trình đào tạo) và đầu ra của sản phẩm (cách đánh giá, giá trị và sự công nhận của văn bằng).
Tuy nhiên Cambridge dường như khá "lỏng lẻo" với quy trình đào tạo đi từ đầu vào đến đầu ra (hoạt động dạy và học chương trình Cambridge).
Ai đứng sau "cơn sốt tuyển sinh lớp 10 nhảy như chứng khoán" tại Hà Nội? |
Cho nên thực tế chất lượng dạy và học chương trình Cambridge phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực của các đối tác triển khai (giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất và dịch vụ kèm theo).
Có thể Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge, Anh quốc làm thương mại rất tốt nên ít người để ý đến khoảng trống quy trình đào tạo.
Điều này khác với chương trình học bằng tú tài quốc tế (IB) mà Tổ chức Tú tài Quốc tế (IBO) của Thụy Sĩ, cung cấp. IB rất coi trọng và quản lý chặt chẽ quá trình dạy và học để đạt được kết quả đầu ra đảm bảo chất lượng.
Đây cũng là lý do tại sao sẽ không có "chuẩn giáo viên Cambridge" như chúng tôi từng đặt câu hỏi.
Và điều này cũng có thể lý giải, cho dù Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge có "tập huấn" dăm ba bữa cho ban giám hiệu và giáo viên tham gia "thí điểm song bằng" và cấp chứng nhận nào đó theo yêu cầu của quý Sở, thì đây cũng không phải bằng chứng Cambridge cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo song bằng.
Cambridge chỉ hỗ trợ các đơn vị mà họ bán dịch vụ khảo thí và kiểm soát đầu ra thật chặt theo tiêu chuẩn của họ, còn làm được hay không là việc của đối tác.
Vì vậy có thể hiểu được tại sao khi Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge dừng chương trình Cambridge năm 2014 tại 33 trường phổ thông ở Việt Nam, không ai phải chịu trách nhiệm.
Họ làm không sai, chỉ có "chúng ta" đã không tỉnh táo.
Chương trình Cambridge thực chất chỉ cung cấp chương trình học và dịch vụ khảo thí. Còn dạy và học như thế nào để qua các kỳ thi và lấy được chứng chỉ của họ, là chuyện của thày và trò.
Nói cách khác, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dường như chỉ nhìn thấy đầu ra chương trình Cambridge của một số trường quốc tế và tư thục rất tốt nên cứ nghĩ rằng mô hình này có thể áp dụng cho trường công lập;
Sở đã không thấy được khó khăn lớn, nỗ lực rất nhiều của nhà trường và cha mẹ học sinh, đó là còn chưa kể đến khoản chi phí không hề nhỏ mà gia đình phải bỏ ra.
Đó mới là nhân tố quyết định đầu ra của sản phẩm. Đó cũng là lý do tại sao học phí chương trình song ngữ, chương trình Cambridge ở các trường quốc tế / tư thục lại đắt như vậy.
Cũng chính vì thế, các trường quốc tế và tư thục đã tham gia chương trình Cambridge, là phải làm thật, cam kết thật, vật lộn với khó khăn để đảm bảo đầu ra thật và kiểm chứng được, chứ không phải "thí điểm" như quý Sở hay có thể "ăn thật, làm giả".
Nếu các trường quốc tế / tư thục cũng đưa ra những mục tiêu và cam kết mơ hồ như đề án "thí điểm" của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng 9 trường công tham gia, thì tương lai "sập tiệm" là điều có thể thấy trước, vì họ không được phép "thí điểm đại trà" như quý Sở.
Nguồn:
[1]http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/33475702-khai-giang-lop-dao-tao-song-bang-tu-tai-dau-tien-tai-viet-nam.html
[2]http://www.nhandan.org.vn/antuong/item/36962102-giao-luu-truc-tuyen-%E2%80%9Choc-song-bang-tu-lop-6-ban-khoan-va-ky-vong%E2%80%9D.html
[3]http://thcsnghiatan.caugiay.edu.vn/tin-tuc-su-kien/gioi-thieu-de-an-thi-diem-dao-tao-chuong-trinh-song-bang-thc.html