Học "song bằng" đóng tiền thật, chất lượng cam kết dựa trên niềm tin

25/07/2018 07:07
Vũ Thái
(GDVN) - Có một cách đơn giản Sở có thể chứng minh là công bố danh sách giáo viên "chuẩn Cambridge" và các bằng chứng xác thực từ Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge.

"Dư luận xã hội gần đây nói nhiều đến giảm tải học cho học sinh đặc biệt là học sinh tiểu học và trung học cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ra nhiều thông tư, hướng dẫn về vấn đề này. 

Tôi nghĩ, để có thể theo học chương trình song bằng này, học sinh được lựa chọn phải thật sự xuất sắc, nếu không sẽ là áp lực rất lớn cho các cháu và cha mẹ vì chương trình rất nặng. 

Thông báo mới nhất của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã hạ điểm chuẩn rất thấp vào chương trình song bằng của tất cả bảy trường triển khai nhằm tuyển đủ chỉ tiêu. 

Như vậy, sẽ có nhiều cháu ngồi “nhầm lớp” và áp lực học tập của các cháu và cha mẹ học sinh là rất rõ ràng. Việc triển khai chương trình song bằng này không những giảm tải mà còn tăng tải cho học sinh?"

Đây là vấn đề thứ 2 được bạn đọc Phương Thảo tại Hà Nội, đặt ra cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong buổi giao lưu "Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng" do Báo Nhân Dân tổ chức ngày 10/7.

"Đó là một chương trình học thực sự nặng"

Bà Bùi Thị Minh Nga, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội trả lời câu hỏi trên của chị Phương Thảo, rằng:

Bà Bùi Thị Minh Nga - Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ảnh: Báo Nhân Dân.
Bà Bùi Thị Minh Nga - Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ảnh: Báo Nhân Dân.

"Về việc hạ điểm chuẩn vào chương trình song bằng nhằm tuyển đủ chỉ tiêu. Ở đây, chúng tôi không bị áp lực về chỉ tiêu.

Không phải là nếu giao chỉ tiêu cho các trường hai lớp, thì bắt buộc phải tuyển đủ hai lớp. 

Chúng tôi đang tạo điều kiện, cơ hội cho những học sinh có đủ năng lực được tham gia chương trình song bằng. 

Chúng tôi cũng khuyến cáo rằng chương trình học nặng, chỉ thực hiện khi cha mẹ học sinh hoàn toàn tự nguyện và các con có đủ năng lực. 

Nếu bố mẹ không tự nguyện, bảy hiệu trưởng tại các trường thí điểm ở đây không có cách nào bắt buộc cho học sinh theo học. 

Học "song bằng" đóng tiền thật, chất lượng cam kết dựa trên niềm tin ảnh 2

Tuyển sinh lớp 6 song bằng ở Hà Nội, bánh ngon Sở vẽ và những bất thường

Nếu con không đủ năng lực thì bố mẹ không nên ép các con để tạo thêm căng thẳng cho các con.

Hôm qua, cá nhân tôi đã nhận được ba đề nghị từ phụ huynh, nói rằng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân còn thiếu chỉ tiêu, xin phép Sở Giáo dục - Đào tạo duyệt cho cháu vào. 

Tôi trả lời rằng phải làm đúng quy định. 

Tôi khẳng định chương trình song bằng không phải là chương trình thử sức. Đó là một chương trình học thực sự nặng, các con có đủ năng lực thì mới nên cho tham gia chương trình học này.

Các phụ huynh có thể được lựa chọn một chương trình đào tạo khác của Hà Nội mà vẫn bảo đảm cho các con trở thành một công dân có ích cho xã hội. 

Chúng ta đừng đặt những câu hỏi như nhiều cháu ngồi nhầm lớp.

Chúng tôi không ép học sinh vào, từng cháu đều phải duyệt qua Sở Giáo dục - Đào tạo để bảo đảm đúng chuẩn. 

Về mặt chuyên môn, chúng tôi khẳng định với điểm chuẩn như thế, các phụ huynh lo một, Sở Giáo dục - Đào tạo lo mười. Vì chúng tôi cam kết đầu ra cho các con." [1]

Đọc câu hỏi trên và câu trả lời của bà Bùi Thị Minh Nga, quả thật chúng tôi không biết Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thúc đẩy, triển khai chương trình "song bằng" này để làm gì?

Bởi lẽ giảm tải đang là yêu cầu đòi hỏi của xã hội đối với ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vất vả tìm cách giảm tải chương trình bậc tiểu học, trung học cơ sở.

Vấn đề quan trọng nhất khi học chương trình quốc tế là khối lượng học của học sinh.

Các chương trình quốc tế thường là chỉ dành cho học sinh học chương trình đó 100% và không cần học thêm chương trình "nội địa". [2]

Còn ở Việt Nam, có thể dạy tối đa 3 môn Tiếng Việt / Ngữ văn, Lịch sử Việt Nam và Địa lý Việt Nam bằng tiếng Việt để giữ lại nền tảng văn hóa, cốt cách dân tộc và sợi dây nối liền quá khứ - hiện tại - tương lai của giống nòi. 

Tuy nhiên, với chương trình "song bằng" của Hà Nội, học sinh cần học đầy đủ cả chương trình Việt Nam và chương trình nước ngoài là quá sức các em, ôm đồm như thế lấy đâu ra chất lượng?

Chỉ học đầy đủ chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều học sinh đã phải "chôn vùi tuổi thơ" trong các lò học thêm, nếu chất lên vai các em một chương trình nữa thì còn đâu thời gian cho các em trải nghiệm, trưởng thành? Ảnh minh họa: Thủy Nguyên / Báo Nhân Dân.
Chỉ học đầy đủ chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều học sinh đã phải "chôn vùi tuổi thơ" trong các lò học thêm, nếu chất lên vai các em một chương trình nữa thì còn đâu thời gian cho các em trải nghiệm, trưởng thành? Ảnh minh họa: Thủy Nguyên / Báo Nhân Dân.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội rằng, Chương trình Cambridge (nguyên bản) thực sự hay, và tất nhiên không hề nhẹ đối với học sinh Việt Nam.

Để học cho "ra ngô, ra khoai" cần đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc không hề nhỏ mới có thể hoàn thành tốt chương trình, đào tạo ra những sản phẩm thực sự có chất lượng theo tiêu chuẩn được công nhận rộng rãi của Cambridge.

Nhưng riêng về thời gian và khối lượng kiến thức, các em hệ "song bằng" đã phải học gấp đôi học sinh bình thường. 

Trong khi chỉ học riêng chương trình Việt Nam, các em đã phải học thêm tối ngày mới có thể theo kịp các kỳ thi hiện nay.

Nếu thấy Chương trình Cambridge thực sự hay và cần thiết, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo mở cửa cho trường nào đủ điều kiện Cambridge đặt ra và không phải lo nhiệm vụ phổ cập giáo dục, được nhập khẩu nguyên bản chương trình này về giảng dạy;

Chỉ nên dạy 3 môn Tiếng Việt / Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý Việt Nam bằng tiếng Việt để giữ và phát triển phần "Việt Nam" trong con người các em, còn lại hãy cho các em thời gian và cơ hội để hội nhập, trở thành "công dân toàn cầu" như mong muốn của Sở.

Học "song bằng" đóng tiền thật, chất lượng cam kết dựa trên niềm tin ảnh 4

Vì sao học sinh Hà Nội phải đến các lò học thêm tối ngày?

Còn chương trình "song bằng" của Sở vẫn giữ nguyên chương trình "nặng trình trịch" của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có những môn tự nhiên phải học cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Ngay cả môn tiếng Anh trong chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không thể bỏ, dù nó nhẹ hơn tiếng Anh trong chương trình Cambridge rất nhiều.

Như vậy có thể thấy, chương trình "song bằng" thực sự nặng (vì ôm đồm hết), như khẳng định của bà Bùi Thị Minh Nga. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang chất thêm lên đôi vai học sinh Thủ đô 12, 13 tuổi đầu những "cối đá" kiến thức.

Không áp lực chỉ tiêu, cũng phải tuyển cho đủ, nhưng "giáo viên chuẩn Cambridge" ở đâu ra?

Đúng là 7 vị hiệu trưởng các trường trung học cơ sở tuyển lớp 6 song bằng năm nay đều không thể ép cha mẹ học sinh nào cho con học lớp "song bằng";

Nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì tìm mọi cách quảng cáo chiêu sinh cho "song bằng".

Đại diện của Sở nói các lớp "song bằng" không bị áp lực chỉ tiêu thì hạ điểm chuẩn làm chi, và hội thảo quảng bá "song bằng" làm gì?

Chính bà Bùi Thị Minh Nga cho biết, riêng 2 trường Trung học cơ sở Cầu Giấy và Trung học cơ sở Chu Văn An đã tuyển được 57 học sinh song bằng mỗi trường (tính đến 10/7) và điểm chuẩn lấy đến 12, nhưng đã có khoảng 10 học sinh đạt 12,3 điểm.

Vậy tại sao ngày 2/7/2018 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn hạ điểm chuẩn song bằng của Trường Trung học cơ sở Chu Văn An xuống 9,5 điểm?

Động tác này của Sở nhằm động cơ và mục đích gì? Phải chăng để giúp các trường còn lại tuyển đủ chỉ tiêu?

Nói cách khác, Sở đang "lùa" học sinh vào các lớp "song bằng" bằng chính sách, bằng cả vị thế của mình.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các phòng giáo dục và đào tạo, các trường trung học cơ sở tuyển sinh lớp 6 "song bằng" tham gia giao lưu trực tuyến tại Báo Nhân Dân ngày 10/7. Ảnh: Báo Nhân Dân.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các phòng giáo dục và đào tạo, các trường trung học cơ sở tuyển sinh lớp 6 "song bằng" tham gia giao lưu trực tuyến tại Báo Nhân Dân ngày 10/7. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Bà Bùi Thị Minh Nga cho biết, đề thi tiếng Anh tuyển sinh các lớp 6 hệ "song bằng" vẫn "bảo mật" sau khi đã thi song, tức là chỉ có Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng các cháu học sinh trực tiếp làm bài mới biết đề.

Dư luận không có bất kỳ cơ sở nào để tin rằng đề của Sở "bám sát chuẩn Cambridge" và các cháu vượt qua kỳ thi này đủ khả năng theo được Chương trình Cambridge.

Cách làm của Sở trong trường hợp này còn mập mờ, rất thiếu minh bạch cũng như thiếu chuyên nghiệp.

Mập mờ hơn nữa, là đề án thí điểm chương trình "song bằng" của Sở lẫn các trường được giấu kín như bưng, như "bí mật quốc gia", không thể tìm thấy trên cổng thông tin điện tử các trường tham gia cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo.

Chúng tôi cũng đã liên hệ với Sở, với các trường tham gia chương trình "song bằng" này để xin được thực mục sở thị bản đề án. Nhưng mọi cánh cửa đều đóng kín.

Chỉ có duy nhất Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân công bố kế hoạch thực hiện chương trình "song bằng" Cambridge với danh sách 4 giáo viên người nước ngoài, nhưng phụ trách việc giảng dạy cả 2 trường, Nghĩa Tân và Cầu Giấy.

Và dường như bản kế hoạch này cũng "chép lại" từ kế hoạch của Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy.

Cho nên, kế hoạch thì ghi tên trường Nghĩa Tân, nhưng phần "đối tác" thì lại ghi "liên kết thực hiện giảng dạy chương trình song bằng tại trường trung học cơ sở Cầu Giấy", số thứ tự cũng lộn xộn, thể hiện sự cắt ghép rất thiếu chuyên nghiệp.

Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân cũng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge đã công nhận 4 giáo viên này "đủ tiêu chuẩn" giảng dạy chương trình của họ.

Học "song bằng" đóng tiền thật, chất lượng cam kết dựa trên niềm tin ảnh 6

Chương trình "song bằng" của Hà Nội vẫn bình mới rượu cũ, thất bại ai sẽ chịu?

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quảng cáo đội ngũ giáo viên tham gia chương trình "song bằng" rất chất lượng, đủ tiêu chuẩn, nhưng không công bố danh sách và bằng chứng chứng minh.

Trong khi thực tế muốn có giáo viên "chuẩn Cambridge", các trường tư thục / quốc tế đang triển khai Chương trình Cambridge phải chi rất nhiều tiền để thuê cho được giáo viên "chuẩn Cambridge", cho nên học phí rất cao.

Sở quảng cáo cho "song bằng" là chất lượng quốc tế, giá cả Việt Nam, nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng thiết nghĩ cha mẹ học sinh không dễ tin, bởi ra chợ mua mớ rau con cá, người ta cũng thừa biết tiền nào thì của ấy. 

Có một cách đơn giản Sở có thể chứng minh là công bố danh sách giáo viên "chuẩn Cambridge" và các bằng chứng xác thực từ Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge;

Đồng thời 9 trường công lập Hà Nội khi nào đăng ký thành công trở thành Trường quốc tế Cambridge được Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge thừa nhận, lúc đó hãy nghĩ đến chuyện tuyển sinh.

Cách làm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang phá "luật chơi" làm nên thương hiệu của Chương trình Cambridge.

Còn nếu Sở chỉ sử dụng 3-4 giáo viên bản ngữ "chuẩn Cambridge" (nếu có) để quảng cáo, còn thực tế thì "ta dạy ta", hay vơ bèo vạt tép, miễn là "thầy Tây" là được, thì các trung tâm ngoại ngữ ở Hà Nội không thiếu.

Nhưng chất lượng đầu ra Sở sẽ đảm bảo bằng cách nào?

Tiền cha mẹ học sinh bỏ ra cho con học "song bằng" là tiền thật, thì cam kết của Sở cũng phải có cơ sở, chứ không thể dừng lại ở "niềm tin", "lời hứa".

Nguồn:

[1]http://www.nhandan.org.vn/antuong/item/36962102-giao-luu-truc-tuyen-%E2%80%9Choc-song-bang-tu-lop-6-ban-khoan-va-ky-vong%E2%80%9D.html

[2]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hieu-dung-ve-gia-tri-cua-chuong-trinh-va-bang-cap-quoc-te-20180711100946358.htm

[3]http://thcsnghiatan.caugiay.edu.vn/tin-tuc-su-kien/ke-hoach-thuc-hien-chuong-trinh-song-bang-cambritgde-cua-tru.html

Vũ Thái