Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng nói: “có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ…, bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được. Từ Trung ương đến cơ sở đều lúng túng chỗ này”.
Vấn đề ông Trương Tấn Sang nêu ra giờ đây đã được Đảng chỉ ra cho nhân dân thấy “chỗ nằm” của “bộ phận không nhỏ” thông qua Công văn số 1579-CV/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng gửi các ban, bộ, cơ quan, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xử lý vụ việc liên quan đến nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Hậu Giang, Trịnh Xuân Thanh.
Mục thứ nhất Công văn số 1579-CV/VPTW ghi rõ:
“Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ có sự tham gia của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm như nêu tại Thông báo kết luận số 89-TB/UBKTTW, ngày 11/7/2016 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương…”.
Nhận diện nhóm lợi ích "bán nước, hại dân”(GDVN) - Những kẻ đang làm cho đất nước “đội sổ”, khiến lòng dân không yên có phải là những kẻ "bán nước, hại dân"? |
Điều này có nghĩa là Tổng Bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham gia, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan về “các khuyết điểm, vi phạm” chứ không phải là xác minh có vi phạm hay không.
Người dân hy vọng việc xử lý sẽ đúng người, đúng tội chứ không phải là “nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc” như thường thấy hay miễn truy cứu vì “nhân thân tốt” như trường hợp nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội Phí Thái Bình.
Sự quyết liệt của Tổng Bí thư chính là điều mà người dân mong đợi từ lâu, có thể nói đây là biểu hiện rõ nét của “ý Đảng – lòng dân”.
Đảng làm đúng thì toàn dân ủng hộ, dân sẵn sàng bảo vệ Đảng khi chủ trương và hành động của Đảng – thông qua người đứng đầu – phục vụ mục đích duy nhất là quyền lợi quốc gia, dân tộc.
Chống tham nhũng bằng nguyên lý pha loãng (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn). |
Quyết tâm sửa chữa sai lầm, yếu kém, khôi phục niềm tin của dân tuy khó và cần có thời gian song quan trọng là bắt đầu khi nào và tiếp tục như thế nào.
Người dân không chỉ ngồi chờ hành động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà sẵn sàng sát cánh cùng Tổng Bí thư và các vị lãnh đạo chiến đấu chống “giặc nội xâm”.
Một khi đã là cuộc chiến thì không thể không có hy sinh, nhất là hy sinh uy tín và lợi ích của một thiểu số (cơ quan-cá nhân) vì lợi ích chung của cả dân tộc.
Có lẽ chính vì thế mà trong Công văn 1579-CV/VPTW, một số đảng viên và cơ quan lãnh đạo của Đảng được nêu đích danh:
“Ban Tổ chức Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2010 – 2015; Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng…”. [1]
Những “địa chỉ” nêu trong Công văn 1579-CV/VPTW cho thấy, nếu đây không phải là “căn cứ địa” thì chí ít cũng là “phòng trọ” của “bộ phận không nhỏ”.
Việc Tổng Bí thư phải yêu cầu các cơ quan nêu trên kiểm điểm cho thấy những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc cho nhân dân, làm giảm niềm tin của dân với Đảng đã hiện diện tại những nơi vốn được xem cơ quan trọng yếu của Đảng.
Có phải đây là nguyên nhân khiến cuộc chiến chống tham nhũng bao nhiêu năm qua luôn “ổn định”, bộ phận không nhỏ quan chức vẫn tiếp tục “ăn không chừa một thứ gì, bán không chừa một cái gì” và “Đảng hỏi mãi, dân hỏi mãi” nhưng vẫn không tìm thấy bộ phận này?
Báo điện tử Đài truyền hình Việt Nam Vtv.vn ngày 24/7/2016 nêu câu hỏi “Có hay không “Lợi ích nhóm” qua vụ Trịnh Xuân Thanh?”.
Bài báo có đoạn: “Dư luận tin rằng, phải có nhóm những người nhiều quyền lực thì mới đưa ông Thanh từ doanh nhân bình thường lên đến Vụ trưởng, rồi Phó Chủ tịch tỉnh và chỉ chút nữa là đại biểu Quốc hội”.
Là Đài truyền hình quốc gia nên cách đặt vấn đề thận trọng của Vtv.vn có thể hiểu được.
Tuy nhiên, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải lần thứ hai ra chỉ thị liên quan đến vụ việc thì không nhất thiết phải nêu câu hỏi mà có thể thẳng thắn đặt vấn đề “Nhóm lợi ích nào đứng sau vụ Trịnh Xuân Thanh”?
Nhận diện “nhóm lợi ích” tuy khó nhưng hoàn toàn có thể làm được khi có sự thống nhất cao độ giữa ý Đảng và lòng Dân. Chỉ một trong hai yếu tố đó thiếu hoặc yếu, thất bại là điều khó tránh khỏi.
Để nhận diện “nhóm lợi ích” quan trọng công khai, minh bạch, dựa vào dân, dựa vào truyền thông, dựa vào những người làm báo chân chính.
Sau sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, phải làm rõ có "chạy danh hiệu" không?(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng: “Với vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh có liên quan đến chức trách, nhiệm vụ của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nghỉ hưu". |
Bởi lẽ dù Tổng Bí thư có quyết tâm cao độ đến mấy thì năm 2016 này, gần triệu quan chức kê khai tài sản, vẫn chưa thấy ai không trung thực?
Không có ai “khai gian” vì thông tin kê khai chỉ để trong ngăn kéo, thanh tra không đủ sức xác minh, còn thông tin trên báo chí thì lại được xem xét theo tinh thần “không vội”?
Ngoài chuyện làm ăn thua lỗ tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC), Trịnh Xuân Thanh còn liên quan đến chuyện chạy chức, chạy quyền, “chạy” huân chương, “chạy” danh hiệu anh hùng cho PVC, “chạy” vào Quốc hội. Thế nên ngoài các “địa chỉ” đã được Trung ương nêu, cũng cần xem xét thêm Hội đồng bầu cử Hậu Giang trong đó có vai trò của Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
Thông tin cho biết trường hợp luân chuyển của Trịnh Xuân Thanh không liên quan đến Ban Tổ chức Trung ương, vì vậy Ban này không về địa phương công bố quyết định luân chuyển.
Người chạy đã biết, nơi chạy cũng đã biết, vấn đề là tìm ra Trịnh Xuân Thanh chạy tới ai, chạy bằng cái gì?
Báo Dantri.com.vn đưa thông tin: “Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra quyết định Giám sát Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và ông Nguyễn Duy Thăng - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ”.
Bài báo còn cho biết thêm:
“Bộ Nội vụ lấy phiếu giới thiệu Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng vào tháng 9/2015 trước Đại hội Đảng vừa qua cũng bị trục trặc. Cụ thể, số người tham dự chỉ có 128 nhưng số phiếu thu về lại lên đến 148. Việc này diễn ra ở Bộ Nội vụ – cơ quan chuyên quản lý Nhà nước về tổ chức – là điều không bình thường”. [2
Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý Nhà nước về tổ chức – nhân sự, một khi Ban cán sự Đảng của Bộ này được đưa vào tầm ngắm thì không loại trừ khả năng ngoài ông Nguyễn Duy Thăng còn có các nhân vật lãnh đạo khác của bộ này tạm thời chưa lộ diện.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với báo chí đã có đánh giá về công tác bổ nhiệm nhân sự như sau: “có khi đúng quy trình nhưng không đúng tiêu chuẩn”.
Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội khiến dư luận nhớ tới việc bổ nhiệm con nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh vào chức Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư khi người này mới 30 tuổi.
Hàng loạt bài báo, ý kiến của các nhân sĩ, trí thức, các cán bộ về hưu lên tiếng cho rằng con trai ông Lê Phước Thanh thiếu các tiêu chuẩn làm Giám đốc Sở theo quy định của Bộ Nội vụ.
Thế nhưng ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quảng Nam chẳng ngại ngần tuyên bố: “Nhiều cán bộ ở tỉnh được bổ nhiệm không phải xem xét tiêu chuẩn do Bộ Nội vụ quy định”. [3]
Trợ giúp ý kiến cho lãnh đạo Quảng Nam, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ khẳng định: “Trường hợp bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo, đoàn công tác nhận thấy tỉnh Quảng Nam đã làm đúng quy trình bổ nhiệm nhân sự”.
Biện minh cho việc ông Lê Phước Hoài Bảo chưa phải là chuyên viên chính theo tiêu chuẩn Giám đốc sở, ông Trần Anh Tuấn lập luận: “Ông Bảo có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tương đương chuyên viên chính”? [4]
Việc ông Thứ trưởng Bộ Nội vụ bỏ qua những quy định do chính Bộ này ban hành chỉ bằng một giải thích, rằng đương sự có “trình độ tương đương chuyên viên chính” cho thấy các văn bản pháp quy đã được ông Thứ trưởng này nhào nặn tùy tiện như thế nào?
Phải chăng đây chính là một trong các lý do khiến Chủ tịch Quốc hội phải nói “đúng quy trình nhưng không đúng tiêu chuẩn”?
Với vụ Trịnh Xuân Thanh, báo cáo giải trình của Bộ Nội vụ cũng do ông Trần Anh Tuấn ký được báo chí nhận xét là: “Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng thiếu nghiêm túc”. [5]
Có lẽ cũng nên nói rõ kẻo dư luận hiểu lầm, rằng ông Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn báo cáo Thủ tướng thiếu nghiêm túc chứ không phải là ông Bộ Nội vụ nhiệm kỳ mới.
Sự thiếu nghiêm túc thể hiện ở chỗ ngày 13/5/2015 Hội đồng Nhân dân tỉnh Hậu Giang mới bầu ông Thanh làm Phó Chủ tịch tỉnh. Vì sao chỉ trong ngày hôm đó hai cơ quan là Ủy ban Nhân tỉnh Hậu Giang và Bộ Nội vụ đã hoàn thành nhanh chóng đến khó tin tờ trình gửi Thủ tướng về việc phê chuẩn ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh. [5]
Phải chăng Hậu Giang đã chuẩn bị sẵn máy bay để đưa công văn ra Hà Nội hay tất cả đã được thống nhất từ trước, chỉ cần một cú nhấc máy từ Hậu Giang là tờ trình của Bộ Nội vụ được gửi Thủ tướng chẳng cần văn bản ký tên đóng dấu của chính quyền địa phương?
Liên ngành tư pháp là gì mà quyền lực khiếp thế?(GDVN) - Liệu có ai đó đang cố tình hiểu sai tinh thần Nghị quyết “phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước” trong việc thành lập nên “Liên ngành tư pháp"? |
Dẫn chứng về hai vị Thứ trưởng liệu đã đủ để kết luận một số quan chức Bộ Nội vụ giữ vai trò như là “đầu mối” cho không ít sự kiện liên quan đến chức, đến quyền của cán bộ (xuống các địa phương vai trò này thuộc Sở Nội vụ).
Liệu Bộ Nội vụ có phải là “trạm trung chuyển” mà các nhóm cần phải gặp gỡ?
Hoạt động của một số lãnh đạo tại Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp… đã khiến đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương phải thốt lên: "Nhiều người kịp nhận ra rằng bộ máy nhà nước có vấn đề”. [6]
Người viết cho rằng bộ máy Nhà nước dù còn cần hoàn thiện song không phải là vấn đề chính, cái chính là những con người trong bộ máy đó.
Để chống lại nạn mua quan bán chức, nạn “con ông cháu cha”, để nhận diện “nhóm lợi ích”, chỉ cần tìm ngay trong các cơ quan mà Tổng Bí thư đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét. Muốn xây dựng một xã hội trong sạch thì trước hết Đảng phải trong sạch.
“Nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm của Tổng Bí thư?(GDVN) - Tạo ra một tiền lệ phải chăng là cách mà các “nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư? |
Những kẻ tham gia “nhóm lợi ích” đã và đang áp dụng chiến lược “được làm vua, thua chạy làng”.
Trong 26 năm (1990-2015) theo số liệu của Tổ chức di dân quốc tế – IOM (International Organization for Migration) đã có 2.558.678 người Việt di cư ra nước ngoài sinh sống, trong số đó có bao nhiêu người thuộc “nhóm không nhỏ”?
Để tiêu diệt giặc nội xâm, để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, dẫu là thời bình cũng cần sự xả thân của người lãnh đạo.
Trong lịch sử, những tấm gương “thắng không cần làm vua, thua dân lập đền thờ” như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, nhà giáo Chu Văn An,… thời nào cũng có.
Vì dân, vì nước dẫu có “thua” cũng vẫn là hào kiệt, cũng vẫn được dân lập đền thờ.
Tuy nhiên nếu biết dựa vào dân, được dân hậu thuẫn thì phần thắng chắc sẽ hơn hẳn phần thua, đó chính là bài học rút ra từ lịch sử.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/tin-trung-uong/201607/tong-bi-thu-chi-dao-cong-viec-sau-ket-luan-ve-ong-trinh-xuan-thanh-300986/
[2]http://dantri.com.vn/su-kien/quy-trinh-bau-ong-trinh-xuan-thanh-bo-noi-vu-co-trach-nhiem-gi-20160725091101171.htm
[3]http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/quang-nam-bo-nhiem-giam-doc-so-30-tuoi-tinh-chua-thay-sai-20151003114137378.htm
[4]http://nld.com.vn/thời-sự-trong-nước/bộ-nội-vụ-quảng-nam-bổ-nhiệm-giám-đốc-sở-30-tuổi-đúng-quy-trình-20151005211413194.htm
[5]http://dantri.com.vn/xa-hoi/quy-trinh-bau-ong-trinh-xuan-thanh-lam-voi-toc-do-sieu-thanh-20160727110859964.htm
[6]http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Dai-bieu-Nguyen-Sy-Cuong-neu-thu-pham-gay-ra-cac-van-de-buc-xuc-trong-xa-hoi-post169658.gd