Sau phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Phạm Công Danh, luật sư của bị cáo này đã đưa ra ý kiến khá lạ về động cơ phạm tội của Phạm Công Danh.
Luật sư này cho rằng: Phạm Công Danh rút trái pháp luật 18.000 tỷ đồng từ ngân hàng, Phạm Công Danh phạm tội vì “mục tiêu tốt đẹp”, nhằm “giải cứu” ngân hàng.
Chứ không phải như tư liệu vụ án trước đó nói rằng: Phạm Công Danh “rắp tâm” chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Xây dựng.
Phạm tội vì “mục tiêu tốt đẹp”?!
Sau phiên xử sơ thẩm, luật sư Phan Trung Hoài (luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Phạm Công Danh) nêu rằng:
“Phạm Công Danh phạm tội trong bối cảnh Ngân hàng Đại Tín khó khăn, hoạt động ngân hàng thời điểm đó đã có sự cạnh tranh không lành mạnh nhằm thu hút tiền gửi thông qua chính sách lãi suất vượt trần.
Phạm Công Danh tại Tòa. |
Phạm Công Danh “thiếu hiểu biết về pháp luật và năng lực quản trị”.
Từ mục đích, mong muốn tốt đẹp ban đầu, bị cáo Phạm Công Danh cùng các đồng phạm đã bị sa lầy trong quá trình “giải cứu” Ngân hàng Đại Tín.
Các hành vi bị quy buộc là sai phạm trong vụ án này đều tập trung cho nhiệm vụ tái cơ cấu VNCB…”
Phạm Công Danh thực sự là “phù thủy ngân hàng”
Dữ liệu vụ án cũng như diễn biến phiên tòa cho thấy, Phạm Công Danh không hề ngây thơ mà phạm tội vì mục đích riêng của mình.
Mục đích ban đầu của Phạm Công Danh là sở hữu Ngân hàng Đại Tín. Để sở hữu Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh đã rút tiền từ chính Ngân hàng Đại Tín để mua cổ phần.
Sau khi sở hữu Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh tiếp tục rút tiền ngân hàng chỉ để trả nợ cho cá nhân mình và cho Tập Đoàn Thiên Thanh.
Phần còn lại Phạm Công Danh chi tiêu cá nhân không rõ địa chỉ,
Về việc chi trả lãi ngoài, Phạm Công Danh, Phan Thành Mai cũng như các bị cáo khác không thể chứng minh được nguồn chi, cách thức chi, quy trình chi, chi cho những khách hàng nào, hệ thống báo cáo như thế nào, những chi nhánh nào chi và đòi chi lãi ngoài …
Phạm Công Danh khai Tập Đoàn Thiên Thanh đã bỏ tiền trả lãi ngoài cho ngân hàng, nhưng tại phiên tòa, phần thẩm vấn của luật sư đã chỉ rõ Tập Đoàn Thiên Thanh không hề có tiền, không có năng lực tài chính.
Theo lời khai của Phạm Công Danh về việc trả lãi ngoài, thì mức lãi suất huy động của Ngân hàng Xây dựng lên đến 58%/năm, 82%/năm, đây là điều hết sức phi lý.
Phạm Công Danh đã chủ động lên kế hoạch rút tiền chính ngân hàng để mua ngân hàng, mua ngân hàng nhằm rút tiền cho các mục đích cá nhân. Để làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phạm Công Danh đã dùng bằng đại học giả.
Như vậy toàn bộ hành vi phạm tội của Phạm Công Danh là có tổ chức, rắp tâm chiếm đoạt tiền của ngân hàng? Các hành vi này là cố ý, không phải do thiếu hiểu biết.
Cần thông tin đúng về vụ án
Sau phiên toàn sơ thẩm, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, đại diện theo ủy quyền của nhóm Trần Ngọc Bích cho biết:
Căn cứ vào bản án sơ thẩm thì Hội đồng xét xử không hề khẳng định việc cạnh tranh không lành mạnh nhằm thu hút tiền gửi thông qua chính sách lãi suất vượt trần của các tổ chức tín dụng.
Theo hồ sơ vụ án, nội dung Bản án hình sự sơ thẩm của TAND TP HCM và diễn biến phiên tòa sơ thẩm, chính Phạm Công Danh không chứng minh được việc có chi lãi suất vượt trần.
Bản án sơ thẩm cũng không thể hiện Hội đồng xét xử nhận định hay cho rằng các hành vi sai phạm của Phạm Công Danh đều vì mục đích tái cơ cấu Ngân hàng Xây Dựng như ý kiến của luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo.
Theo hồ sơ vụ án, Bản án hình sự sơ thẩm, diễn biến phiên tòa xét xử sơ thẩm đều thể hiện toàn bộ tiền rút ra được Phạm Công Danh sử dụng cho mục đích cá nhân như mua cổ phần ngân hàng, trả nợ cho cá nhân Phạm Công Danh, trợ nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh... chứ không liên quan gì đến việc tái cơ cấu Ngân hàng Xây Dựng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo đã có văn bản gửi Liên đoàn luật sư Việt Nam và luật sư Phan Trung Hoài nêu rõ:
“Là luật sư bảo vệ cho bị cáo Phạm Công Danh, luật sư Phan Trung Hoài có quyền đưa ra các nhận định, các lý lẽ, các nhận xét, các quan điểm chủ quan của mình để bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh.
Nhưng khi đưa thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về quyết định, nhận định, phán quyết, đánh giá của Hội đồng xét xử thì thông tin phải chính xác, trung thực và không được đưa các thông tin không đúng sự thật xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.
Được biết, bà Trần Ngọc Bích và các cá nhân có liên quan đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.