Ngày 28/12, tại hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2017, toàn ngành đã triển khai trên 7.500 cuộc thanh tra hành chính và trên 237.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Theo đó, công tác thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 67.700 tỷ đồng, gần 17.600 ha đất, kiến nghị thu hồi trên 43.300 tỷ đồng, trên 4.900 ha đất;
Ban hành 148.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2.924 tỷ đồng;
Kiến nghị xử lý hành chính gần 2.100 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng.
Đã quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 856 tỷ đồng (đạt 63%), 4.126 ha đất, xử lý 971 tập thể, trên 4.200 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 16 vụ, 29 đối tượng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (ảnh quochoi.vn). |
Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng: “Năm 2017, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp trên 415.300 lượt công dân với 310.600 vụ việc; có trên 5.600 đoàn đông người;
Xử lý trên 178.500 đơn đủ điều kiện; giải quyết trên 25.500 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt 84.2%).
Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 173 tỷ đồng, 36 ha đất; trả lại quyền lợi cho trên 2.400 người, kiến nghị xử lý hành chính 333 người.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết 533 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp theo Kế hoạch 2100;
Có 451 vụ việc đủ điều kiện ban hành thông báo chấm dứt thụ lý (đạt 85%). Hiện có 15 địa phương báo cáo không còn vụ việc phức tạp, tồn đọng”.
Theo báo cáo, trong công tác phòng, chống tham nhũng năm qua, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch tại trên 5.600 cơ quan, tổ chức, phát hiện 88 đơn vị vi phạm;
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại lần đầu tiên dự họp Chính phủ |
Tiến hành trên 2.500 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 111 vụ việc vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 34,6 tỷ đồng.
Năm 2017 số người đã kê khai tài sản, thu nhập và công khai đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai.
Có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập.
Theo ông Lê Minh Khái, Thanh tra Chính phủ đã xử lý 20 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tự kiểm tra nội bộ đã phát hiện 87 vụ có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Ông Lê Minh Khái cũng thừa nhận: “Việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, số vụ việc phát hiện còn ít so với thực tế vi phạm. Việc tham mưu thanh tra đột xuất các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng còn ít”.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, phương hướng nhiệm vụ trong năm 2018, công tác thanh tra sẽ hoạt động thanh tra bám sát, đáp ứng được các yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của các cấp, các ngành.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, sẽ hướng dẫn, đôn đốc, giúp các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
Tăng cường phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, chú trọng xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm để xẩy ra tham nhũng.
Thu hồi triệt để tài sản tham nhũng được phát hiện qua hoạt động của ngành Thanh tra.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (ảnh chinhphu.vn). |
Cũng liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tại hội nghị lần này Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo cho rằng: “Dân ở nhiều địa phương kéo về Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh rất nhiều.
Ở địa phương, chúng ta không chịu đối thoại với dân, bỏ mặc dân. Chủ tịch huyện, chủ tịch xã có đối thoại với dân không?
Tất cả những việc khiếu nại này chủ yếu là đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, chúng ta không làm, cứ đẩy lên Trung ương.
Chúng ta phó mặc cho người dân đi khiếu nại. Chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, huyện, tỉnh phải bố trí cán bộ làm việc này”.
Theo Thủ tướng, “Năm 2018 sẽ thực hiện chủ trương, ở nơi nào dân kéo lên Hà Nội thì mời Chủ tịch Tỉnh lên nhận dân về giải quyết việc này”.
Vấn đề chống tham nhũng, Thủ tướng cho biết: “Các đồng chí nói là tham nhũng ở đâu chứ địa phương tôi không có, trong khi nguồn lực, vốn liếng đầu tư, đất đai nằm ở địa phương các đồng chí.
Vấn đề chống tham nhũng nằm ở địa phương các đồng chí, thanh tra chỉ làm một phần nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước.
Công an, các ngành làm nhiệm vụ này nhưng chính các đồng chí nhận thức thì mới làm ra đến nơi đến chốn”.