Trao đổi với báo chí chiều 10/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - ông Nguyễn Bắc Son khẳng định như vậy khi có thắc mắc vì sao đề án quy hoạch báo chí tới nay chưa công bố.
Thưa Bộ trưởng, dư luận đang rất quan tâm tới vấn đề quy hoạch báo chí. Bộ trưởng có thể thông tin cụ thể công tác này đã thực hiện đến đâu?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Đây là việc bình thường, là nhiệm vụ cần thiết và là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước cụ thể của Chính phủ.
Nhưng vì quy hoạch báo chí là nhiệm vụ rất phức tạp, nhạy cảm trong tình hình hiện nay, chính vì vậy quy hoạch này nhận được sự chỉ đạo rất chặt chẽ của Đảng, Nhà nước.
Chưa có đề án quy hoạch nào mà Bộ Chính trị cho ý kiến đến 3 lần, thậm chí còn trình ra Hội nghị Trung ương 10.
Bộ Chính trị đã khẳng định, đây là vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm có ảnh hưởng đến nhiều tổ chức, cá nhân, xã hội.
Vì vậy với tinh thần quy hoạch để báo chí ngày càng phát triển hơn, ngày càng chất lượng tốt hơn, định hướng của Bộ chính trị ghi rõ, trong quy hoạch phải khẳng định làm sao cho báo chí tốt hơn, không có báo tư nhân, không được tư nhân núp bóng; không cần nhiều, nhưng cần chất lượng.
Khi quy hoạch được phê duyệt chắc chắn Chính phủ sẽ phổ biến quán triệt, thông tin rộng rãi đến mọi người dân, trước hết là đến cơ quan báo chí.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, không để tư nhân núp bóng báo chí. ảnh: Ngọc Quang. |
Việc quy hoạch có thực sự giúp cho các cơ quan báo chí hoạt động tốt hơn không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Báo chí ngày càng phát triển, mạnh lên, chất lượng hơn, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 cũng là làm cho báo chí phát triển.
Báo chí luôn là lực lượng rất quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Có thể nói, ở bất cứ hoàn cảnh nào trong lúc khó khăn thời chiến cũng như thời bình lúc nào báo chí cũng có vai trò quan trọng.
Không nhất thiết có quy hoạch chúng ta mới sắp xếp báo chí mà bình thường vẫn sắp xếp, thậm chí có các cơ quan báo chí có khi vi phạm phải đình chỉ, có báo bị thu hồi ấn phẩm phụ. Đấy là cái việc bình thường.
Nhưng nếu có quy hoạch chúng ta làm một cách đồng loạt hơn, góp phần làm cho báo chí ngày càng chất lượng hơn.
Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay chưa ban hành quy hoạch, nhưng nhận thấy đang tồn tại một Đài truyền hình kỹ thuật số VTC trong doanh nghiệp, mà mà doanh nghiệp đó lại thuộc Bộ thông tin và Truyền thông thì bất hợp lý.
Vì vậy, dù chưa có quy hoạch gì nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông thấy rằng phải đưa ra khỏi doanh nghiệp. Báo chí không nằm trong doanh nghiệp được. VTC là đài lớn tách ra khỏi quy hoạch là hợp lý.
Vừa qua, Bộ đã chủ động đưa đài truyền hình kỹ thuật số VTC ra khỏi Tổng công ty VTC, trở thành một đài độc lập trực thuộc Bộ.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí thì không lý gì lại có một đài riêng thế này. Đài này là đài toàn quốc chứ không riêng của ngành, nên Bộ chủ động đề nghị Chính phủ chuyển sang một cơ quan nào đó.
Hiện nay, Đài tiếng nói Việt Nam được giao nhiệm vụ thực hiện Kênh truyền hình Quốc hội. Thế thì việc gì chúng ta có một đài rồi lại thành lập thêm một đài nữa? Trong đài tiếng nói lại có thêm một đài truyền hình thì có nên không?
Kênh truyền hình Quốc hội là yêu cầu nhiệm vụ cần thiết. Kênh này sẽ do đài VTC đảm nhiệm thì nhà nước khỏi phải đầu tư một cơ sở vật chất. Bộ Thông tin Truyền thông thấy như vậy nên chủ động đề nghị với Chính phủ.
Bộ trưởng lý giải thế nào khi có thông tin Chính phủ quy hoạch báo chí phải trình Bộ Chính trị và làm theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nên tới giờ vẫn chưa thể công bố?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Không có chuyện ấy! Bộ Chính trị không phê duyệt quy hoạch báo chí mà chỉ cho ý kiến định hướng tư tưởng, còn phê duyệt là Thủ tướng Chính phủ. Bao giờ Thủ tướng phê duyệt thì mới triển khai. Hiện nay, Bộ đã trình rồi. Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!