Tài sản của ông Phạm Sỹ Quý đang thách thức quyết tâm chống tham nhũng của Đảng

31/10/2017 06:00
XUÂN QUANG
(GDVN) - Nếu không có điều gì mờ ám, thì sao ông Phạm Sỹ Quý kê khai thiếu 7.905 m2 đất ở; hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp do vợ đứng tên?

Không kiểm tra nguồn gốc tài sản ông Quý là thiếu sót 

Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây khẳng định rằng, ông Phạm Sỹ Quý - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái có nhiều vi phạm trong việc kê khai tài sản, vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng.

Theo đó, năm 2016 ông Phạm Sỹ Quý kê khai thiếu 7.905 m2 đất ở; hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp do vợ đứng tên; không kê khai 1 căn nhà diện tích xây dựng 600 m2;

Không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỷ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng.

Khu dinh thự của ông Phạm Sỹ Quý. Ảnh của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Khu dinh thự của ông Phạm Sỹ Quý. Ảnh của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Ông Phạm Sỹ Quý kê khai tổng thu nhập trong năm 2016 quy đổi thành tiền Việt Nam tăng 1 tỷ đồng và đang sở hữu nhiều đất đai, trang trại, chung cư cao cấp ở Hà Nội và một ô tô Camry.

Cụ thể, gia đình ông Quý đang sở hữu nhà thứ nhất tại Tổ 51 phường Minh Tân (công trình cấp 3) có diện tích xây dựng 600 m2 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Nhà thứ hai tại khu chung cư Mandarin Garden (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rộng trên 130 m2 với giá trị tại thời điểm xây dựng là 2,5 tỷ đồng và đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Ngoài ra, gia đình ông Quý có nhà tạm diện tích xây dựng 150m2, giá trị 200 triệu đồng; sở hữu mảnh đất 1.000m2 trị giá 500 triệu đồng; trang trại diện tích 2 ha giá trị 1 tỷ đồng và đang sử dụng một ô tô Camry.

Tài sản của ông Phạm Sỹ Quý đang thách thức quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ảnh 2

Có dấu hiệu hình sự trong vụ việc ông Phạm Sỹ Quý

Ông Phạm Sỹ Quý kê khai, tổng thu nhập trong năm 2016 quy đổi thành tiền Việt Nam tăng 1 tỷ đồng và đây là thu nhập các nguồn từ trang trại được nhận thừa kế từ bố mẹ năm 2016.

Trước đó, năm 2014, qua đối chiếu với bản kê khai tài sản thu nhập của ông Quý, đoàn thanh tra phát hiện ông này đã không kê khai 1.200 m2 đất ở; 59.500 m2 đất nông nghiệp do vợ đứng tên; không kê khai vay ngân hàng 3,8 tỷ đồng.

Năm 2015, qua thanh tra, đối chiếu với bản kê khai tài sản thu nhập của ông Quý ghi ngày 26/12/2015, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, ông Quý đã không kê khai 13.111 m2 đất ở, 41.500 m2 đất nông nghiệp do bà Huệ đứng tên. Ngoài ra, ông cũng không kê khai khoản 6,3 tỷ đồng vay ngân hàng và tiền vay bố vợ là 1,9 tỷ đồng.

Từ những số liệu trên có thể thấy, rất nhiều tài sản của vợ chồng ông Quý được hình thành sau năm 2012 (thời điểm bổ sung quy định về công khai bản kê khai tài sản thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản), không được vợ chồng ông Quý kê khai theo đúng quy định.

Theo Điều 46b Luật Phòng chống tham nhũng năm 2012, người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm không chỉ đối với tài sản của bản thân mình mà còn đối với tài sản của vợ, con chưa thành niên.

Phần “tăng thêm” phải giải trình chỉ là phần “tăng thêm” so với kỳ kê khai trước đó.

Khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý thì coi là một trong những cơ sở để tiến hành xác minh tài sản.

Như vậy, chiếu theo luật này, vợ chồng ông Quý phải có trách nhiệm giải trình nguồn gốc số tài sản tăng thêm, trong đó có cả phần tài sản kê khai thiếu (hàng chục nghìn m2 đất) trong nhiều năm.

Thậm chí theo luật này, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể truy vấn, xác minh nguồn gốc khối tài sản của hàng nghìn m2 đất, nhà kê khai thiếu của vợ chồng ông Quý, theo quy định về công khai bản kê khai tài sản thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Bởi lẽ, hàng chục nghìn m2 đất, nhà kê khai thiếu nói trên (có thể hiểu là tài sản tăng thêm nhưng không được kê khai) không những không được giải trình rõ ràng mà có thể được coi là tài sản tăng thêm có dấu hiệu không minh bạch.

Đặt câu hỏi ngược lại, nếu không có điều gì mờ ám, thì sao ông Phạm Sỹ Quý kê khai thiếu 7.905 m2 đất ở; hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp do vợ đứng tên?

Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề nguồn gốc tài sản của vợ chồng ông Phạm Sỹ Quý đang sở hữu và phần tài sản tăng thêm (có cả tài sản kê khai thiếu) chưa được làm rõ trong kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Hay nói cách khác, cơ quan có thẩm quyền mới chỉ đề cập tới việc ông Quý vi phạm trong việc kê khai tài sản chứ chưa hề thực hiện truy vấn, kiểm tra nguồn gốc tài sản của vợ chồng cán bộ này theo luật định. 

Tổ chức quản lý cán bộ thiếu trách nhiệm

Nhận định về việc cơ quan thẩm quyền xử lý vi phạm đối với ông Phạm Sỹ Quý, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc cho thôi chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên đối với ông Phạm Sỹ Quý là điều hợp lý.

"Nếu cơ quan có thẩm quyền đưa ra hình thức kỷ luật cảnh cáo về mặt chính quyền đối với cán bộ, thì đi kèm với đó là việc cho thôi chức vụ đối với người vi phạm.

Trong trường hợp này, ông Quý từ chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển sang Phó Chánh văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh (tương đương Phó Giám đốc cấp Sở) là hình thức hạ chức vụ cán bộ thì đúng hơn chứ không phải cách chức.

Trường hợp cán bộ vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự thì phải truy tố", ông Phúc nói rõ.

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh Hoàng Lực.
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh Hoàng Lực.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, những vi phạm của ông Quý nói trên, trong đó có việc kê khai tài sản có trách nhiệm của tổ chức quản lý cán bộ.

"Ngày xưa khi cha ông ta tiến cử người làm quan, nếu người được tiến cử có vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ thì người tiến cử vẫn bị kỷ luật và chịu trách nhiệm.

Tôi cho rằng, những vi phạm của cán bộ trong vụ việc này có trách nhiệm của cấp quản lý trong việc kiểm tra, giám sát tài sản cán bộ từ khi họ có tài sản cho tới khi khối tài sản có sự biến động (tăng).

Việc quản lý cán bộ chưa tốt dẫn tới việc nhiều người có dấu hiệu vi phạm cách đây khá lâu nhưng tới nay mới được phát hiện. Đó còn là sự thiếu trách nhiệm của tổ chức đối với cán bộ do mình quản lý.

Tài sản của ông Phạm Sỹ Quý đang thách thức quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ảnh 4

Một lần nữa, chúc mừng ông Phạm Sỹ Quý

Trường hợp nếu tài sản cán bộ có được có dấu hiệu tham nhũng, ăn cắp, bớt xén ngân quỹ thì cơ quan điều tra cần vào cuộc làm rõ", ông Phúc nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị, cơ quan có thẩm quyền cần nâng cao trách nhiệm của cấp quản lý trong việc kiểm tra, phát hiện kịp thời dấu hiệu vi phạm của cán bộ để tránh gây thất thoát về tài sản do tham nhũng.

"Không thể để tiền mất, tật mang. Tiền mất, người cũng mất thì làm được gì? Nó không đúng với mục đích trong việc phòng chống tham nhũng trong đó có việc giáo dục, răn đe cán bộ vi phạm và thu hồi tài sản do tham nhũng", ông Phúc cho hay.

XUÂN QUANG