Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin nội dung bạn đọc phản ánh và tìm hiểu cho thấy những dấu hiệu bất thường của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trong việc tổ chức in lịch Tết và sản xuất phim ngắn quảng bá thương hiệu của ngân hàng này.
Tuy nhiên, những dấu hiệu bất thường của Agribank đã được các chuyên gia chỉ rõ, thậm chí có chuyên gia còn thẳng thắn cho rằng có bóng dáng của lợi ích nhóm. Nhưng đến nay Agribank vẫn chọn cách im lặng trước các vấn đề này.
Ngay cả Ngân hàng nhà nước, đơn vị quản lý cấp trên của Agribank cũng không lên tiếng.
Xin lưu ý rằng, Agribank là ngân hàng nhà nước 100% vốn, và nếu có thất thoát, lãng phí thì ngân sách chịu thiệt hại đầu tiên và sau đó là toàn thể nhân dân.
Và đến thời điểm này Agribank vẫn chưa có những phản hồi hay giải thích rõ ràng trước độc giả về việc chọn cách in lịch Tết trong mấy năm qua bị tăng chi hàng chục tỉ đồng mỗi năm.
Ngân hàng này không tổ chức đấu thầu tập trung in lịch Tết và làm phim ngắn quảng bá thương hiệu là có vấn đề.
Đến nay Agribank vẫn khăng khăng cho rằng việc in lịch Tết của ngân hàng này phù hợp với điều kiện thực tế của Agribank dù các chuyên gia đã chỉ rõ những dấu hiệu vi phạm Luật Đấu thầu của ngân hàng này. Ảnh: V.P |
Trước tiên là việc Agribank in lịch Tết, vài năm trở lại đây, Agribank thực hiện việc in ấn lịch Tết Nguyên đán để tặng đối tác, khách hàng nhưng có dấu hiệu không theo các quy định của pháp luật.
Cụ thể, ngân hàng này đã không tổ chức đấu thầu tập trung việc in lịch Tết mà phân bổ để các chi nhánh, văn phòng đại điện, sở giao dịch tự tổ chức in ấn lịch Tết.
Điều này dẫn đến chi phí cho việc in lịch Tết tốn kém thêm nhiều so với trước đây chính ngân hàng này đã tổ chức đấu thầu tập trung in lịch Tết (từ năm 2012 trở về trước).
Tuy nhiên, con số thực tế đã chỉ ra chi phí tăng gấp đôi, nhưng không hiểu vì mục đích, lý do gì mà Agribank lại bỏ phương thức đấu thầu tập trung mà chia nhỏ gói thầu.
Theo đó, Luật Đấu thầu quy định, mua sắm tập trung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm đối với số lượng nhiều, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư.
Luật Đấu thầu cũng chỉ rõ, mục đích của việc mua sắm tập trung thông qua đơn vị mua sắm tập trung là nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.
Chi tiền tỷ in lịch Tết của Agribank có bóng dáng nhóm lợi ích? |
Agribank là đơn vị do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Như vậy, việc mua sắm tập trung của Agribank thuộc đối tượng áp dụng theo Luật Đấu thầu 2013.
Việc tiếp theo đó là Agribank không chỉ in lịch Tết mà việc ngân hàng này tổ chức thực hiện sản xuất phim ngắn nhằm quảng bá thương hiệu cũng có những dấu hiệu bất thường.
Theo tài liệu phóng viên có được, hợp đồng số 3012 giữa Agribank và một Công ty cổ phần truyền thông có giá trị hợp đồng trên 184,8 triệu đồng để làm phim tổng kết hoạt động kinh doanh Agribank năm 2015.
Như vậy, có thể thấy việc in lịch Tết và làm phim của Agribank nằm trong danh mục mua sắm thường xuyên và cần thiết phải thực hiện đấu thầu theo Luật Đấu thầu để đảm bảo hiệu quả kinh tế, góp phần tiết kiệm từng đồng thuế của nhân dân.
Theo quy định hiện hành, ngoài Luật đấu thầu, một số mặt hàng, khi mua sắm có thể áp dụng quy chế mua sắm do doanh nghiệp lập, miễn sao không trái với quy định của Luật đấu thầu.
Đối với hai mặt hàng nêu trên, Agribank có dấu hiệu vi phạm Luật đấu thầu; đồng thời chúng tôi cũng không tìm thấy tên hai mặt hàng này trong quy chế mua sắm của Agribank.
Không biết ngân hàng này dựa vào đâu để chi tiền trăm, tiền tỷ mua sắm từ bên ngoài như vậy?
Xin nhắc lại, để mua sắm hai mặt hàng trên, một là phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu; hai là theo Quy chế mua sắm.
Theo bảng phân bổ định mức của Agirbank in lịch Tết năm 2016 cho thấy tổng số tiền lên đến hơn 30 tỷ đồng. Ảnh: NVCC. |
Không ít chuyên gia pháp lý, chuyên gia lĩnh vực đấu thầu khi được phóng viên tham vấn đều cho rằng, đã là cơ quan, đơn vị do nhà nước nắm giữ 100% vốn thì việc tổ chức thực hiện mua sắm mặt hàng thường xuyên phải tuân thủ nghiêm theo Luật Đấu thầu.
Bất cứ một doanh nghiệp nào hoạt động doanh nghiệp thì tiêu chí hiệu quả kinh tế phải đặt lên hàng đầu, điều khó hiểu ở đây Agribank lại đang đi ngược lại bài toán hiệu quả kinh tế.
Một chuyên gia kinh tế thẳng thắn cho rằng: "Anh là doanh nghiệp vốn nhà nước 100%, tức là hoạt động bằng đồng thuế từ người dân đóng góp. Bởi vậy, làm sao anh phải đặt lợi ích xã hội, tính hiệu quả kinh tế lên trên hết.
Điều đó có nghĩa anh chọn cách làm khoa học, kinh tế nhất, từng đồng bỏ ra phải tính toán để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Nhưng trên cơ sở anh phải tuân thủ pháp luật chứ không phải anh muốn đưa ra quy định, quy chế mua sắm nào cũng được".
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Agribank là ngân hàng của nhà nước thì càng phải tuân thủ Luật Đấu thầu. Trong đó, khuyến khích mua sắm tập trung, nguyên tắc in nhiều giá sẽ rẻ, in ít chi giá sẽ cao.
Nếu đúng như vậy Agribank cần làm rõ vì sao lại chọn in nhỏ lẻ việc in ấn lịch Tết như vậy”.
Ông Đặng Huy Đông cho rằng: “Cũng có thể họ có lý do, in ở một nơi, phí in rẻ đi nhưng tiền vận chuyển lại đắt lên bởi phải chuyển đi khắp cả nước thì chi phí có thể đắt lên, họ giải thích thế cũng là có cái lý. Điều quan trọng ở đây phải làm rõ con số cụ thể, bài toán nào hiệu quả kinh tế hơn thì làm”.
Chi tiền tỉ nhẹ như lông hồng, Agribank đang có mục đích gì? |
Trong khi đó, phóng viên cũng trao đổi qua điện thoại với ông Đặng Văn Tới - Phó Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xin ý kiến về việc Agribank không chọn cách đấu thầu tập trung gây lãng phí, tốn kém.
Về việc này, ông Đặng Văn Tới đã giới thiệu phóng viên liên hệ với vụ Tài Chính – Kế toán của Ngân hàng Nhà nước.
Sau đó, phóng viên gọi vào số máy bàn của bà Vũ Thị Bích Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Kế toán.
Theo đó, bà Vân cho biết: “Chúng tôi chỉ quản lý về vấn đề vốn chủ sở hữu của Agribank, còn việc chi tiêu như thế nào là Bộ Tài chính quản lý. Còn liên quan đến việc đấu thầu thì bên Cục Quản lý đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”.
Trong khi đó, đến thời điểm này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn chưa nhận được câu trả lời rõ ràng từ phía Agribank rằng tại sao lại chọn chia nhỏ gói thầu, tăng chi hàng chục tỷ đồng so với cách làm tập trung, có thể ít tốn kém hơn?. Cũng như câu chuyện ký hợp đồng làm phim mà không đấu thầu.