Thông tin độc giả phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thực hiện việc in ấn lịch Tết Nguyên đán có những dấu hiệu bất thường, không đúng theo các quy định pháp luật.
Theo Luật Đấu thầu 2013, Nghị định 63 năm 2014 của Chính phủ, Quyết định 08 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đơn vị nhà nước mua sắm tập trung phải tuân theo phương thức tập trung để đảm bảo từng đồng thuế của người dân được chi đúng mục đích và đạt hiệu quả kinh tế.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ định mức cho các đơn vị, chi nhánh tự in lịch Tết Nguyên đán, nhưng lại chỉ đạo theo maket độc quyền của một công ty. Ảnh: Vũ Phương |
Agribank là đơn vị do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, ngân hàng này đều thực hiện in lịch tặng đối tác, khách hàng.
Theo Nghị định 63 thì việc in lịch Tết Nguyên đán hàng năm của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung.
Cụ thể, hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung là hàng hóa, dịch vụ mua sắm với số lượng lớn hoặc chủng loại hàng hóa, dịch vụ được sử dụng phổ biến tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hàng hóa, dịch vụ có yêu cầu tính đồng bộ, hiện đại.
Trong khi đó, Luật Đấu thầu 2013 cũng quy định, mua sắm tập trung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm đối với số lượng nhiều, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư.
Định giá FLC 9 tỷ USD có phải là chiêu trò "thổi giá"? |
Mục đích của việc mua sắm tập trung thông qua đơn vị mua sắm tập trung là nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, thông tin và tài liệu phóng viên có được, thay vì in lịch theo hình thức đấu thầu tập trung để tăng hiệu quả kinh tế, giảm thời gian, chi phí, Agribank lại chọn hình thức phân bổ tiền cho các chi nhánh nhằm tránh đấu thầu tập trung.
Theo thông báo số 4098/NHNo – TTTr về việc tổ chức in và phát hành lịch năm 2014 ký ngày 11/6/2013 do ông Nguyễn Tiến Đông - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lúc đó ký gửi các trưởng văn phòng đại diện, giám đốc các sở giao dịch, chi nhánh loại I, II, Chi nhánh Campuchia.
Thông báo trên nêu rõ nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp thị thông qua việc in và phát hành lịch Agribank năm 2014 đồng thời tạo điều kiện để các đơn vị chủ động thời gian tiếp thị đối tác, khách hàng cuối năm cũng như tiết giảm chi phí chung toàn ngành.
Trong đó, thông báo nêu cụ thể mức chi tối đa bao nhiêu tiền cho việc in lịch của từng chi nhánh. Các mức mỗi chi nhánh được in lịch từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
Tương tự, năm 2016, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra thông báo số 10056/NHNo-TTTr về việc hướng dẫn sử dụng maket và in lịch Xuân Bính Thân năm 2016 của Agribank do bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng giám đốc ký ngày 20/11/2015 gửi các trưởng văn phòng đại diện, giám đốc các chi nhánh loại I, loại II, chi nhánh Campuchia.
Theo đó, mức chi tối đa cho việc in và phát hành lịch Xuân Bính Thân năm 2016 gồm các đơn vị như trụ sở chính 500 triệu đồng, văn phòng đại diện 200 triệu đồng, các chi nhánh từ 50 đến 400 triệu đồng.
Bảng phân bổ định mức chi phí in lịch Block và lịch để bàn xuân Bính Thân 2016 cho 152 chi nhánh của Agribank. Ảnh: Vũ Phương. |
Kèm theo thông báo trên còn có Thư công tác của Ban Tiếp thị và Truyền thông của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi kèm theo thông báo nội dung maket do một công ty thiết kế.
Đi kèm với các thông báo trên phía Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các chi nhánh thực hiện đúng theo maket kèm theo của Ban Thông tin và Truyền thông đưa ra.
Như vậy, các chi nhánh dù được cho phép in lịch Tết Nguyên đán theo số tiền đã phân bổ, tuy nhiên không thể quyết định đơn vị in ấn để đảm bảo giá cả cạnh tranh, bởi ma-két in độc quyền thuộc về một doanh nghiệp do Agribank chỉ định.
Ngày 6/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi công văn tới lãnh đạo Agribank đề nghị trả lời một số nội dung độc giả phản ánh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chưa nhận được phản hồi chính thức từ ngân hàng. Ngày 17/8, Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trực tiếp đến trụ sở chính của Agribank đặt lịch làm việc theo nội dung độc giả phản ánh, tuy nhiên đại diện Ban Tiếp thị và Truyền thông chưa hẹn lịch làm việc cụ thể. |
Những thông tin trên cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường trong việc in ấn lịch Tết Nguyên đán của Agribank, trái với Luật Đấu thầu và các quy định pháp luật.
Rõ ràng với một loạt dấu hiệu bất thường như vậy, cần phải làm rõ tại sao Agribank không thực hiện đấu thầu tập trung để giảm chi phí mà lại chia nhỏ gói thầu, trong khi vẫn gửi kèm theo ma-két chung để các đơn vị, chinh nhánh thực hiện?
Số tiền chi vào việc in lịch Tết Nguyên đán năm 2016 không hề nhỏ, nhìn vào bảng phân bổ định mức cho 152 chi nhánh thì thấy đơn vị thấp nhất được sử dụng 50 triệu đồng, còn chi nhánh cao nhất lên đến 400 triệu đồng. Nếu cộng dồn, Agribank đã chi ra hàng chục tỷ đồng cho in lịch Tết.
Với khối lượng in ấn và số tiền chi phí quá lớn như vậy, việc Agribank không thực hiện đấu thầu tập trung liệu có làm thất thoát hàng tỷ đồng?
Chiều 17/10, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Tăng - nguyên Cục trưởng Cục quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích: “In lịch Tết với số lượng lớn như Agribank thì đấu thầu tập trung sẽ tăng hiệu quả kinh tế.
Các chi nhánh, khu vực chỉ cần thông báo số lượng bao nhiêu cuốn rồi tập trung về một đầu mối in ấn sẽ tăng hiệu quả kinh tế, giảm thời gian, chi phí.
Càng in lịch số lượng lớn chi phí giá thành sản phẩm chắc chắn thấp hơn. Ví dụ, anh mua một cái áo có giá 1 triệu, nhưng mua hai cái còn hơn 900 ngàn đồng chẳng hạn”.
Ông Lê Văn Tăng cũng đặt vấn đề: “Nếu Agribank không có gì đặc thù thì việc in lịch phải đấu thầu tập trung vì quy mô lớn theo luật quy định.
Việc chia nhỏ gói thầu để các đơn vị tự làm sẽ rất mất công, hiệu quả kinh tế thấp, tính không thống nhất. Chủ đầu tư cần đưa ra lý do gì lại không đấu thầu tập trung mà lại chia nhỏ từng gói nhỏ. Việc chia nhỏ như thế sẽ không đạt được mục tiêu đấu thầu”.
Cũng theo ông Tăng, đối với việc mua sắm quy mô lớn sẽ phải thực hiện đấu thầu nhằm tìm ra nhà thầu tốt nhất, giá cả cạnh tranh.
Trong trường hợp chia nhỏ gói thầu sẽ không phải đấu thầu mà được quyền chỉ định thầu, nhưng phải trên nguyên tắc giá cạnh tranh.
Còn việc chỉ có duy nhất một công ty in lịch thì giá thành khó có thể đảm bảo tính cạnh tranh như đấu thầu.
Ông Lê Văn Tăng nhấn mạnh: “Việc đấu thầu tập trung giá sẽ thấp hơn vì giá cạnh tranh giữa các đơn vị tham gia thầu, còn chỉ định thầu thì sao cạnh tranh được. Việc chia nhỏ gói thầu nếu không có lý do đặc biệt là nhằm trốn đấu thầu”.