Sau những thông tin ban đầu về việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi hàng chục tỷ đồng in lịch Tết mà không thực hiện đấu thầu tập trung, có dấu hiệu gây lãng phí, thất thoát, bạn đọc tiếp tục phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về những dấu hiệu bất thường xung quanh việc làm phim quảng bá thương hiệu của ngân hàng này.
Cụ thể, tài liệu phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đang có được cho là hợp đồng số 3012 giữa Agribank và một Công ty cổ phần truyền thông để làm phim tổng kết hoạt động kinh doanh Agribank năm 2015.
Hợp đồng trên do bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank ký.
Theo hợp đồng trên, Agribank ký kết với đối tác sản xuất phim không qua đấu thầu với tên phim được xác định “Dấu ấn Agribank nhìn từ thành công của đề án tái cơ cấu” với thời lượng từ 10-15 phút”, giá trị hợp đồng trên 184,8 triệu đồng.
Như vậy, không chỉ việc in các ấn phẩm lịch Tết vào dịp cuối năm tặng đối tác, khách hàng của Agribank có vấn đề mà việc sản xuất phim của ngân hàng này cũng có dấu hiệu bất thường.
Theo Luật Đấu thầu 2013, Nghị định 63 năm 2014 của Chính phủ, Quyết định 08 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đơn vị nhà nước mua sắm thường xuyên phải tuân theo phương thức đấu thầu tập trung để đảm bảo từng đồng thuế của người dân được chi đúng mục đích, công khai, minh bạch và đạt hiệu quả kinh tế.
Agribank là đơn vị do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, bởi vậy việc Agribank thực hiện việc ký kết sản xuất phim ngắn để quảng bá thương hiệu có giá trị hợp đồng 184,8 triệu đồng là nằm trong danh mục mua sắm thường xuyên và cần thiết phải thực hiện đấu thầu.
Liên tiếp trong thời gian gần đây bạn đọc phản ánh về việc Agribank đang có những dấu hiệu bất thường trong việc in lịch Tết và tổ chức sản xuất phim bỏ qua đấu thầu tập trung. Ảnh: V.P |
Trao đổi với phóng viên chiều 16/11, ông Lê Văn Tăng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Đã là mua sắm thường xuyên thì phải đấu thầu theo Luật Đấu thầu và các quy định pháp luật, Nghị định của Chính phủ. Đã là doanh nghiệp có vốn nhà nước anh phải thực hiện theo Luật Đấu thầu”.
Trong khi đó, Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định, gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm:
Lãnh đạo nào ở Agribank phải chịu trách nhiệm khi tăng chi tiền tỷ in lịch Tết? |
Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công;
Không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công;
Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
Như vậy, rõ ràng việc Agribank chi 184,8 triệu đồng để sản xuất phim với mục đích quảng bá thương hiệu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên và không nằm trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu mà phải đấu thầu tập trung rộng rãi.
Trong Điều 73 Nghị định 63/2014/NĐ-CP cũng quy định rõ về nội dung mua sắm thường xuyên như sau: “Sản phẩm in, tài liệu, biểu mẫu, ấn phẩm, ấn chỉ, tem; văn hóa phẩm, sách, tài liệu, phim ảnh và các sản phẩm, dịch vụ để tuyên truyền, quảng bá và phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ”.
Bạn đọc phản ánh trong thời gian gần đây Agribank bỏ qua đấu thầu tập trung việc in lịch Tết và sản xuất phim quảng bá thương hiệu. Ảnh: NVCC |
Trong khi đó, để làm rõ thông tin độc giả phản ánh, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Trung Dũng - Trưởng phòng Tiếp thị và Truyền thông của Agribank.
Bên cạnh đó, phóng viên cũng liên lạc qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng giám đốc Agribank – người ký hợp đồng gói sản xuất phim trên.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Dũng cho biết, sẽ báo cáo lãnh đạo ngân hàng và sẽ thông tin sau. Ba ngày sau, ông Dũng cũng chưa có phản hồi gì.
Chi tiền tỉ nhẹ như lông hồng, Agribank đang có mục đích gì? |
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phượng, phóng viên nhiều lần liên hệ qua điện thoại, nhưng bà Phượng không bắt máy.
Để làm rõ hơn các nghi vấn nêu trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã tiến hành xin ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, luật kinh tế và nhận được câu trả lời rằng, Agribank là ngân hàng có 100% vốn nhà nước thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.
Như vậy, Agribank mua sắm thường xuyên phải tuân thủ các quy định có liên quan của Luật này, bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Việc Agribank tổ chức sản xuất phim ngắn nhằm quảng bá thương hiệu của ngân hàng sẽ phải tổ chức đấu thầu theo Luật Đấu thầu.
Agribank có thể không đấu thầu, nhưng phải ban hành quy chế mua sắm nội bộ có hạng mục làm phim quảng bá. Nếu không có quy chế, bắt buộc phải thực hiện theo Luật đấu thầu.
Vì vậy, ngân hàng này bỏ qua đấu thầu tập trung cho thấy có nhiều dấu hiệu bất thường cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhằm tránh thất thoát, lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Chưa hết, bạn đọc cũng đặt nghi vấn có hay không khuất tất tại công việc này, và vai trò, trách nhiệm của người ký hợp đồng là gì?