Trò chuyện với sinh viên tại chương trình “Chào tân sinh viên 2017” tổ chức ngày 24/9, các chuyên gia giáo dục đã chia sẻ về những chủ đề học, sống và chơi như thế nào khi trở thành sinh viên.
Theo ông Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNiX cho rằng, việc học phải gắn liền với hành và cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của bản thân.
Ông Nam thổ lộ bản thân có chút buồn khi nghĩ những học sinh giỏi cứ đổ xô đi học ngành y hay các trường hot... trong khi xã hội còn rất nhiều lĩnh vực có nhu cầu thực sự và rất cần những người rất giỏi.
“Chúng tôi có một ít thành công chẳng qua là chúng tôi là những người chịu học, học bất cứ cái gì mà cuộc sống yêu cầu. Trường đời chính là trường đại học lớn nhất của mình”, ông Nam chia sẻ.
Nói đến đây, ông Nam kể một câu chuyện của chính mình với mong muốn gửi gắm lời khuyên tới các bạn tân sinh viên.
Ông Nguyễn Thành Nam (bên phải)- Hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNiX cho rằng, việc học phải gắn liền với hành và cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của bản thân. (Ảnh: Hà Linh) |
Ông Nam kể: “Khi ở tuổi của các em, tôi nghĩ học mãi sẽ chán vô cùng, có gì hay đâu. Tuy nhiên, trong quá trình đi học, tôi nhận ra rằng, còn quá nhiều thứ mà bản thân chưa biết.
Bài học đầu tiên vào đại học của chúng tôi là mỗi em phải tự trồng và thu hoạch 25kg rau. Khoá đó, chúng tôi là những học sinh xuất sắc nhất mà khi đi trồng rau... rất lúng túng. Chúng tôi quyết định trồng bí đỏ.
Và đó là quyết định hết sức sai lầm vì không thể trồng loại cây đó trên đồi.
Các nhóm có kinh nghiệm đã chọn trồng rau ngải cứu, lấy được cả thân và rễ, cân lên lại rất nặng. Đó chính là bài học sâu sắc giúp tôi nhận ra rằng, thực chất còn rất nhiều điều mình không biết.
Rồi sau khi tốt nghiệp 8 năm chuyên ngành toán tại nước ngoài về nước, nhiệm vụ đầu tiên tôi nhận được là đi bán nước.
Và tôi tiếp tục loay hoay không biết làm cách nào và lại phải đầu tư nghiên cứu. Và từ đó, tôi nghiệm ra rằng, chữ học phải gắn liền với hành và phải xuất phát từ nhu cầu thực tế”.
Nói đến đây, ông Nguyễn Thành Nam cho rằng các bạn trẻ không nên đặt nặng chuyện thành công khi còn trên ghế giảng đường. Tuy nhiên, ở môi trường đại học có rất nhiều cái hay, không nên bỏ phí.
“Thứ nhất là kết bạn. Ở đại học là quãng thời gian tốt nhất để xây dựng cộng đồng bạn bè. Bạn ở đây có thể là cả các thầy cô chứ không chỉ gói gọn nghĩa bạn bè cùng khoa, cùng lớp.
Thậm chí, các em có thể kết bạn được với đại diện của các công ty khi họ vào trường. Đó chính là các mối quan hệ.
Hiện giờ, sinh viên rất ít để ý đến việc xây dựng các mối quan hệ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường mà em thường chờ tới khi tốt nghiệp xong, nhưng như vậy là hơi muộn.
Thứ hai là cần có tiếng Anh và công nghệ thông tin. Cũng nên xem vị thế của công nghệ thông tin như một thứ ngoại ngữ, chứ không phải là một ngành nghề. Đó là chưa kể, mạng internet còn là một kho tư liệu vô cùng to lớn", ông Nam nói.
Trong khi đó, ông Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng để quãng thời gian đại học hiệu quả, thì việc đầu tiên các sinh viên phải xác định mục tiêu là cái đích phải đến và cái đam mê mà mình cần phải có. Đặc biệt là cần phải có tinh thần tự giác.
Bởi lẽ, kiến thức học được ở trường mới chỉ là nền tảng, và việc tự học và học tập suốt đời mới là điều quan trọng để sinh viên trưởng thành sau này.
Ông Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng để quãng thời gian đại học hiệu quả, thì việc đầu tiên các sinh viên phải xác định mục tiêu là cái đích phải đến và cái đam mê mà mình cần phải có. (Ảnh: Thùy Linh) |
Ông Tớp chia sẻ, trên thực tế, nhiều sinh viên vào được các trường đại học mơ ước với chất lượng đầu vào rất tốt, nhưng sau đó số bị đào thải cũng không ít bởi rất nhiều lý do.
“Môi trường đại học yêu cầu chúng ta phải tự chủ, tự giác trong học tập. Nếu không chủ động lập kế hoạch thì dễ bị lao dốc, đặc biệt với các em có tâm lý "nghỉ ngơi", cho phép mình lơ là sau 12 năm phổ thông”.
Chính sinh viên phải tự vượt qua bản thân mình bởi không có ai giám sát, khác hẳn sự sát sao của thầy cô và cả bố mẹ nữa khi ở nhà”, ông Tớp nói.
Ngoài ra, cũng theo vị này, sinh viên cần phải xác định hướng đi tương lai của mình, bởi nếu học xong mà không có việc làm thì rất đáng buồn. Ông Tớp cho rằng các trường đại học cũng phải có trách nhiệm trong chuyện này.
Cùng đó, ông Tớp chỉ ra những ngộ nhận, thói quen sai lầm của hầu hết sinh viên hiện nay, trong đó nhấn mạnh đến căn bệnh lười và thụ động khi tiếp nhận kiến thức.
Cả hai chuyên gia giáo dục này đồng quan điểm rằng, học sinh thế hệ mới cần biết xác định kỹ năng học tập tự định hướng. Đây chính là chìa khoá quyết định kết quả học đại học.
Khi học đại học, sinh viên chính là người lập kế hoạch học tập và lựa chọn môn học, tham gia hoạt động ngoại khoá và chủ động trau dồi kĩ năng cần thiết cho công việc sau này.