(GDVN) - Nằm gần vành đai biên giới với nước bạn Lào và rừng Phù Mát, Lục Dạ là một trong những xã nghèo của huyện Con Cuông (Nghệ An). Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, Đan Lai... Cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn, vẫn tồn tại những quan điểm lạc hậu. Thế mà nơi đây vẫn có những thầy cô không quản ngại khó khăn gian khổ, ngày ngày bám bản để gieo chữ cho trẻ.
{iarelatednews articleid='10610'}
Những học trò tại trường Tiểu học II Lục Dạ |
Trong một lần giao lưu gặp gỡ với các thầy cô giáo trên địa bàn huyện, cô giáo Lê Thị Thoa - phó hiệu trưởng Trường Tiểu học II Lục Dạ đã bày tỏ nỗi niềm chuyện vui buồn dạy học của các thầy cô ở điểm trường lẻ. Không ít câu chuyện về sự nhọc nhằn gieo chữ của thầy cô giáo cắm bản nơi vùng sâu, vùng xa.
Theo lời giới thiệu của cô Thoa thì để vào các trường điểm lẻ chỉ có con đường duy nhất là men theo đường rừng và các khe suối. Ngoài điểm trường chính, trường còn có 4 điểm trường lẻ đóng trên các bản Xằng, bản Mọi, bản Thỉn, bản Yên Hòa thuộc xã Lục Dạ.
Tại mỗi điểm trường có 5 - 6 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5, tất cả là học sinh dân tộc thiểu số và mỗi điểm đó có 6 đến 8 giáo viên giảng dạy.
Sau lần gặp lại cô Thoa, chúng tôi được cô Thoa dẫn đường vào tận nơi tìm hiểu cuộc sống của thầy và trò tại các điểm trường lẻ.
Con đường chưa đầy 8 km, thế nhưng để đến được các điểm trường học phải hơn một tiếng đồng hồ vật lộn đường toàn đất đá sỏi lổm chổm, nơi thì bùn lầy, rồi vượt qua những cây cầu ghép ván đã mục ải.
Tại bản Xằng, bản Mọi, bản Thỉn..., trong gian phòng rộng chưa đầy 12 m2, các thầy cô tâm sự: “Với mong muốn vào đây cũng bởi mục đích giúp các em được học hỏi những kiến thức về xã hội, đời sống, góp phần xóa nạn mù chữ cho thôn bản. Nhiều cô không biết tiếng Thái có cảm giác như lạc vào một thế giới thứ 2, có những lúc muốn bỏ giữa chừng. Thế nhưng khi nhìn thấy các em nơi thôn bản đang rất khát con chữ, chúng em đã vượt qua tất cả”.
Qua tìm hiểu được biết ngoài việc giảng dạy con chữ, các thầy cô cắm bản nhiều hôm phải đến tận nhà để động viên từng em đi học nhằm đảm bảo sĩ số. Vào mùa mưa, nước suối dâng cao, các thầy cô còn tới nhà để đưa đón các em đến lớp. Khó khăn chồng chất, vậy mà trong những ngôi trường chật hẹp, ngày ngày tiếng kẻng vẫn leng keng gọi học sinh đến lớp.
Để đem được những con chữ vào với trẻ em vùng, cao các cô giáo nơi đây phải lặn lội qua nhiều còn khe, con suối |
Những bữa cơm thiếu thốn của những học trò vùng cao Pù Mát |