LTS: Dù cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam nhưng do khác nhau về đặc điểm khí hậu, văn hóa và con người nên hai miền Bắc - Nam cũng có những sự khác biệt về phong tục tập quán, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán, tác giả Khánh Văn đã có bài viết chia sẻ về những điều đặc biệt này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nhiều năm xa quê, mỗi khi Tết về tôi không nguôi nhớ về mùa xuân xứ Bắc của mình.
Nhưng, có lẽ không khí Tết miền Nam và tính cách của con người nơi đây khiến cho những người xa quê như chúng tôi vơi đi nỗi nhớ cái Tết nơi quê nhà để hòa vào cái Tết của người bản địa.
Dù cùng một đất nước nhưng Tết phương Nam có chút khác biệt với Tết quê hương của tôi ở xứ Bắc nhưng dù ở đâu thì mọi người vẫn thể hiện được niềm vui, phấn chấn khi mùa xuân đến.
Những cành mai khoe sắc rực rỡ trong tiết trời ngày tết phương nam (Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn). |
Người Việt mình là vậy, ngày Tết thì ai cũng dành cho nhau những tình thân ái, sự trân trọng và chúc phúc cho nhau.
Nếu như Tết miền Bắc là hình ảnh biểu tượng của những cành đào khoe sắc được bày bán khắp các phố phường hay chốn thôn quê.
Ngày tết dù có trồng đào hay không thì trong nhà gần như mọi gia đình đều chuẩn bị một cành đào để đón xuân. Tiết trời Tết miền Bắc thường hay lành lạnh hoặc có những làn mưa xuân nhè nhẹ lất phất bay.
Ngày Tết, mọi người coi trọng bữa cơm gia đình và thường đến nhà nhau chúc Tết như là một quy định bắt buộc đối với những người thân thích.
Chiều 30 Tết gần như ai cũng muốn về nhà mình để làm mâm cơm cúng Tết và quây quần bên nhau sum họp để chuẩn bị đón giao thừa.
Những đồ ăn, thức uống có phần cầu kì hơn như chuẩn bị gói bánh chưng, nồi thịt đông, rau cỏ, miến dong, dầu đèn, hương trầm…Những mâm cỗ của miền Bắc cũng thường cầu kì với rất nhiều những món ăn và được trình bày bắt mắt.
Ngày Tết, khi có khách khứa, bạn bè thường hay phải ngồi vào mâm cỗ của các gia chủ bởi ai cũng muốn như vậy.
Ngược lại, Tết miền Nam có nhiều nét rất riêng.
Khoảng gần đến Tết nhiều gia đình chuẩn bị trồng hoa vạn thọ (hoa cúc), giữa tháng Chạp là các gia đình bắt đầu nhặt hết lá trên cây mai để hoa nở vào đúng dịp Tết. Vì thế, ngày Tết là những chậu mai vàng khoe sắc giữa cái nắng hanh hao một cách rực rỡ.
Tiết trời ấm áp và gần như không có mưa vào thời điểm này.
Ngày Tết, quán xá vẫn mở bán bình thường và khách đến với quán thì càng đông hơn. Đêm giao thừa, các quán nhậu vẫn đông đúc, các quán cà phê vẫn tấp nập người vào ra.
Sáng mồng 1 Tết đã đông người đi lại ngoài đường và tụ tập thành từng tốp nhỏ chơi bài, chơi tứ sắc rôm rả hay vào các quán xá ven đường nhâm nhi ly cà phê sáng.
Nếu ngoài Bắc coi trọng những mâm cỗ cao đầy thì những đồ ăn ngày Tết của người Nam bộ thường giản đơn hơn rất nhiều.
Anh em, bạn bè đến với nhau thường quây quần bên nồi lẩu nhỏ với cá mắm, rau cỏ trong vườn nhà cùng tô thịt kho nước dừa dân dã, bát canh khổ qua…rất gọn nhẹ và giản đơn.
Nếu như ở ngoài Bắc coi trọng nồi bánh chưng với lá dong, lạt giang, gạo, đậu, thịt một cách cầu kì thì miền Nam làm bánh tét rất đa dạng các vị nhân mặn, ngọt, chuối và gói bằng lá chuối và lạt chuối luôn.
Những đòn bánh tét không có bánh vuông như bánh chưng mà là những đòn bánh ống nhỏ nên nồi bánh tét cũng được nấu nhanh hơn bánh chưng rất nhiều
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết đặc trưng miền Bắc, Trung, Nam |
Mâm ngũ quả của miền Nam cũng khác hoàn toàn với miền Bắc, người miền Nam thường đặt ngay chính giữa bàn thờ tổ tiên là đôi dưa hấu rất lớn cùng mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, mà theo cách hiểu và phát âm của người Nam bộ là "cầu vừa đủ xài" để mong muốn cả năm thuận hòa, no đủ.
Thêm vào mâm ngũ quả là rất nhiều nước ngọt, bia được chưng lên bàn thờ trông rất bắt mắt.
Đặc biệt, trên bàn thờ luôn hiện hữu bộ đèn lư đồng được chùi rửa sạch sẽ thật mới, thật bóng và trang trọng để thắp nhang cho tổ tiên trong những ngày Tết.
Các món ăn chủ đạo trong ngày Tết của người Nam bộ thường là thịt kho tàu, thịt hầm, mướp đắng (khổ qua) được rút hết ruột và nhồi thịt heo băm nát vào rồi hầm đến nhừ.
Hoặc, ăn cháo gà và thịt xé phay hay cháo cá lóc nguyên con ăn cùng rau ghém thái mỏng được trộn từ bắp chuối, rau thơm và một số hương vị rất đặc trưng. Vì thế, cách ăn uống ngày Tết rất nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng ngon miệng.
Nhiều năm rồi đón Tết ở phương Nam, đa phần những người từ miền Bắc vào đây lập nghiệp cũng dần hòa chung với các Tết của người Nam bộ.
Dù không cầu kì nhưng những cái Tết phương Nam cũng thật ấm cúng và đậm đà bản sắc, tính cách của người Nam bộ.
Những tính cách nhân hậu, chất phác ấy đã giúp cho chúng tôi- những người đang xa quê vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của mình.