Thầy giáo Võ Nguyên Giáp qua con mắt ông Dương Trung Quốc

01/05/2011 00:05
Nhân kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, GDVN giới thiệu tới bạn đọc bài viết của nhà sử học Dương Trung Quốc về "Ông thầy dạy sử".

Bách khoa toàn thư của Mỹ khi nói về quân hàm của Ông luôn viết rằng: Võ Nguyên Giáp là “Đại tướng 5 sao” để nói đến một phẩm hàm tột đỉnh, mặc dù trên vai Ông luôn luôn là quân hàm mang 4 ngôi sao 5 cánh như nhiều vị đại tướng Việt Nam khác. Giới sử học VN tự hào có một vị Tổng tư lệnh là Chủ tịch Hội nghề nghiệp của mình.

>>Con cố GS.TS Võ Hồng Anh viết về Mẹ
>>6 quyết sách cấp bách của tướng Giáp về Giáo dục VN

Nhân kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, GDVN giới thiệu tới bạn đọc bài viết của nhà sử học Dương Trung Quốc về "Ông thầy dạy sử".

Lúc còn trẻ, tôi được xem bộ phim “Ngôi sao thành Êghe”, trong đó có hình ảnh một nhà chép sử dũng cảm và tận tuỵ đứng giữa bãi chiến trường khốc liệt  để ghi chép lại những gì đang diễn ra. Quân tướng hai bên giáp lá cà chém giết lẫn nhau, nhưng dường như vẫn né mũi gươm đường đạn để nhà chép sử làm bổn phận của mình… Chính hình ảnh ấy gây cho tôi lòng hào hứng dấn thân vào nghề rồi thành cái nghiệp sử học cho đến nay vẫn đeo đuổi.

Và cái hình ảnh người chép sử ấy cho đến nay luôn đến với tôi mỗi khi có dịp gặp “Anh Văn” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tôi chỉ có cơ hội gặp Ông kể từ khi vị Đại tướng của chúng ta  đảm nhận những trách nhiệm dân sự. Ông là Phó Thủ tướng phụ trách công tác Văn hoá và Khoa học Kỹ thuật. Lần đầu  tôi được gần Ông là thời điểm chuẩn bị cho chuyến đi thăm Ấn Độ của một đoàn đại biểu Việt Nam do Đại tướng dẫn đầu. Tôi được cơ quan Viện Sử học phân công  làm công tác tư liệu cho bài diễn văn của Ông.
 

Thầy giáo Võ Nguyên Giáp qua con mắt ông Dương Trung Quốc ảnh 1

Đại trướng Võ Nguyên Giáp

Đối với tôi, đó là một vinh dự lớn vì truớc đó, Ông còn là một hình ảnh ở rất cao cao và quá xa xa… Nhưng khoảng cách đó nhanh chóng thu hẹp chính nhờ sự cúi xuống của một Ông Thầy đối với một học trò nhỏ. Ông cho phép tôi nhập vai để viết thử một bài diễn văn. Rồi Ông có những lời động viên vừa phải. Đương nhiên, tôi chẳng góp được bao nhiêu nhưng lại học được rất nhiều điều ở Ông. Trong chuyến đi Ấn Độ ấy, tôi nhớ Ông có một bài phát biểu rất hay về Bác Hồ...

Kể từ khi tôi tham gia công tác của Hội Sử học VN, tôi càng có nhiều cơ hội gặp Ông  và càng bị Ông cuốn hút không phải chỉ ở một sự nghiệp quá đồ sộ của một nhà cách mạng, một vị Tổng tư lệnh mà còn ở một phẩm cách của một nhà sử học lớn. Ông kể cho tôi một đôi ký ức thời trai trẻ rồi đọc thuộc lòng những vần thơ hừng hực chí khí yêu nước của Phan Bội Châu.

Ông kể lại những kỷ niệm về các nhân vật lịch sử mà ông từng tiếp xúc như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Huy Liệu, ông đọc thuộc từng bài trong sách giáo khoa thư đã nhen nhóm trong lòng Ông những bài học đầu tiên dạy làm người và lòng yêu nước. Rồi những bài học lịch sử trên bục giảng ở trường tư thục Thăng Long…

Ông muốn nói rằng, lịch sử là tri thức tạo nên tư cách của một con người có ý thức về xã hội. Năm 1998, ông cho phép tôi được có mặt trong buổi Ông cùng gia đình tiếp con trai cố Tổng thống Mỹ J.Kennedy. Hôm đó tôi thực sự nhận ra phong cách của một ông thầy dạy sử.

Chậm rãi và mạch lạc, Ông nói với anh bạn trẻ mà tuổi tác cách Ông đúng một nửa thế kỷ về lịch sử mối quan hệ Việt - Mỹ. Ông nói về những mối giao lưu đầu tiên giữa hai xứ sở cách nhau một đại dương, mà vị Tổng thống Mỹ từng là người khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập Mỹ đã say mê các giống lúa ở Đàng Trong của Đại Việt, đến mối quan hệ Việt - Mỹ khi còn là đồng minh chống phát xít Nhật.

Ông chỉ tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ treo trên tường nhà mình mà nói rằng: “Tấm ảnh kia mấy người bạn đồng minh Mỹ chụp cho tôi”…Hàm ý vị Đại tướng đánh bại quân xâm lược Mỹ muốn nói với những người Mỹ trẻ tuổi rằng, quan hệ giữa hai nước không chỉ có những trang sử đen tối của chiến tranh, và trang sử đang được viết tiếp phải là những trang sử tốt đẹp như một thời là Đồng minh cùng chung sức đánh phát xít mà chính ông là “người trong cuộc”.

Anh con trai của cố Tổng thống Kennedy rất cảm động khi nghe vị Đại tướng gợi lại hình ảnh khi cậu ta mới 4 tuổi đã dự đám tang cha của mình bị ám sát, và anh ta nói rằng, những gì nhận được sau chuyến đi thăm VN và đặc biệt là trong buổi gặp Đại tướng sẽ rất có ích cho bước đường sắp tới khi anh ta dự định bắt đầu bước vào chính trường…(Rất tiếc, không lâu sau, anh đã chết trong một tai nạn máy bay).
  
Tôi cũng được quan sát từ khoảng cách rất gần 2 cuộc tiếp kiến giữa Đại tướng với Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara ở Hà Nội (1995 và 1997). Chính ông đã khéo léo bố trí để tôi có mặt trong những cuộc tiếp xúc còn rất hẹp này...Tính thuyết phục của vị Đại tướng Việt Nam đối với một nhân vật mà nước Mỹ từng tôn sùng là một “bộ óc điện tử” chính là trọng lượng của những bằng chứng lịch sử đanh thép và thấm thía. Ông không quên từng chi tiết nhưng luôn đặt mọi lý lẽ của mình khớp với những gì lịch sử đã lên tiếng.
 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Cố Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara. Ảnh AFP

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Cố Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Mc Namara. Ảnh AFP

Khi nói chuyện với chúng tôi, những người làm công tác sử học hay đặc biệt là với giới trẻ, Ông rất hay nhắc đến câu diễn ca mộc mạc của Bác Hồ: "Dân ta phải biết sử ta…”.

Ông kể rằng, đứng trước khả năng phải bắt buộc cầm súng đánh thực dân, Bác Hồ sai người đi tìm cuốn “Việt Nam sử lược” của Lệ thần Trần Trọng Kim, khi đó là cuốn sách duy nhất biên soạn mạch lạc về lịch sử nước nhà để cho trao các vị lãnh đạo cuộc kháng chiến đọc. Không chỉ chí khí của người xưa, mà nhiều bài học về cách đánh và cách thắng của ông cha chúng ta đem lại những tri thức rất bổ ích cho cuộc chiến đấu ở thế kỷ XX.

Chắc chắn, Võ Nguyên Giáp sẽ là người giật giải quán quân về viết hồi ức lịch sử. Khác với nhiều nhà hoạt động cách mạng khác, khi buông dần những công việc chính trường, Ông thực sự giành tâm lực cho việc tổng kết lịch sử và lấy chính trải nghiệm của mình để tìm ra những bài học.

Không kể tới những công trình chính luận đóng góp vào tổng kết sự nghiệp cách mạng mà Ông là một yếu nhân, đặc biệt là tổng kết chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc mà Ông là Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giành rất nhiều công sức để viết hồi ức của mình, điều mà mọi chính khách hiện đại đều làm. Nhưng khác mọi người, Ông viết hồi ức với tất cả các tình tiết riêng tư, kể cả những rung động tình cảm của mình nhưng lại để nói đến cả một dân tộc, một thời đại và một con người mà Ông luôn coi là người Thầy vĩ đại của mình: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Viết lịch sử hay hồi ức Ông đều luôn đặt lên hàng đầu tính trung thực. Ông có cả một “bộ tham mưu” là những người hoạt động khoa học và thực tiễn trong và ngoài quân đội sẵn sàng tham gia góp ý kiến, sưu tập tư liệu cho Ông. Một tinh thần tập thể cao cộng với một trí tuệ lớn lại luôn cầu thị của Ông làm cho các tác phẩm ký tên Ông trở thành những công trình hoàn chỉnh và có phong cách không trộn lẫn.

Viết sử, Ông luôn luôn lấy sự đoàn kết là mục tiêu như chính trong thực tiễn cách mang. Tôi không quên một kỷ niêm: những chương đầu của cuốn sách “Tổng hành dinh…” được Ông cho phép đăng trên Tạp chí Xưa Nay của Hội Sử học VN (1995) trước khi sách công bố 5 năm.

Ở chương kết thúc, Ông điểm không thiếu một ai đã tham gia vào sự kiện lớn của lịch sử. Ông rất hài lòng khi chúng tôi chọn một tấm ảnh minh hoạ là lúc Tổng Tư lệnh chia tay Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng lên đường vào chiến trường. Hình ảnh hai vị tướng thân mật đứng bên một cây đào đang nở hoa làm Ông rất hài lòng.

Sau này khi sách in, Ông cũng tìm đúng tấm ảnh ấy dường như muốn nói lên một điều gì đó…Tấm ảnh Ông và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ngồi trước tấm bản đồ trải rộng dưới đất trong căn phòng nhà mình để cùng nhau trao đổi ý kiến cũng được Ông tâm đắc dùng trong sách...

“Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”,”Chiến đấu giữa vòng vây”. “Điểm hẹn Điện Biên”… cho đến “Tổng hành dinh trong Mùa Xuân đại thắng” là gần trọn vẹn cả đời Ông. Từ Điện Biên (1954) đến Đại thắng Mùa Xuân (1975) còn một khoảng trống mà Ông sẽ phải lấp đầy.

Cộng với những tác phẩm mang tính tổng kết về Chiến thắng Điện Biên Phủ và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tác gia kiệt xuất đã để lại một di sản thực sự là đồ sộ về thế kỷ XX hào hùng đầy thử thách. Nếu nói Ông là một  trong những nhà sử học lớn nhất của thế kỷ XX là hoàn toàn xác đáng. Và với những trước tác của mình, Ông hoàn toàn xứng đáng nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh cả trên lĩnh vực sử học, văn học hay lý luận quân sự (nhưng đang tiếc lại chưa thành hiện thực ?).

Người nước ngoài khi đánh giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường so sánh Ông với những nhân vật lớn trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là lịch sử chiến tranh. Họ có sự tinh tế mà ít khi ta chú ý tới, ví như Bách khoa toàn thư của Mỹ khi nói về quân hàm của Ông luôn viết rằng Võ Nguyên Giáp là “Đại tướng 5 sao” để nói đến một phẩm hàm tột đỉnh, mặc dù trên vai Ông luôn luôn là quân hàm mang 4 ngôi sao 5 cánh như nhiều vị đại tuớng Việt Nam khác. Giới sử học VN tự hào có một vị Tổng tư lệnh là Chủ tịch Hội nghề nghiệp của mình.

Dương Trung Quốc (Bài đăng trên Bee.net..vn)

>>Con cố GS.TS Võ Hồng Anh viết về Mẹ
>>6 quyết sách cấp bách của tướng Giáp về Giáo dục VN