Môn Sử trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là môn tự chọn. Dù như vậy, môn Sử luôn là môn các học sinh luôn cảm thấy khó khăn, vất vả khi học, do các bài học quá nhiều thông tin, dữ liệu khó nhớ.
Thống kê sơ bộ tại nhiều trường trung học phổ thông tại TP.Hồ Chí Minh, con số thí sinh chọn môn Sử để dự thi luôn chiếm một số lượng vô cùng nhỏ trên tổng số thí sinh dự thi, thậm chí có nhiều trường còn không có thí sinh nào đăng ký dự thi môn Sử.
Sau nhiều năm ôn thi trung học phổ thông, là một giáo viên có hàng chục năm kinh nghiệm đứng lớp, giảng dạy môn Sử cho học sinh, thầy Nguyễn Hữu Đạt (tổ trưởng tổ Sử - trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh) đã nêu những bí quyết làm bài thi Sử đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới.
Theo thầy Đạt, để làm tốt mỗi câu hỏi trong đề thi môn Sử, học sinh cần phải nắm vững các đặc trưng của đề thi Sử, biết cách học và nhớ bài, biết vận dụng bài học vào các câu trả lời của đề thi.
Thông thường, đề thi môn Sử tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hay có từ 3 – 4 câu hỏi, liên quan đến rất nhiều phần của chương trình học, nhiều nhất vẫn là chương trình lớp 12.
Các câu hỏi của đề thi luôn thể hiện tính phân hóa theo từng mức độ khác nhau, từ nhận biết, đọc hiểu, vận dụng và yêu cầu vận dụng cao. Ngày nay, đề thi cũng thường hay cho các câu hỏi ở dạng mở, chú ý nhiều hơn đến việc đánh giá năng lực học sinh, có liên hệ với thực tiễn cuộc sống hàng ngày.
Học sinh TP.HCM trong giờ học môn Lịch Sử ở lớp học (ảnh minh họa: Lao Động) |
Với tất cả những đặc trưng của đề thi như vậy, học sinh bình thường có thể làm bài ở mức độ 6 – 7 điểm. Các câu hỏi khó trong đề thi luôn chiếm từ 30 – 40%.
Muốn học tốt môn Sử, học sinh cần phải nắm vững các kiến thức cơ bản, thuộc các sự kiện được nêu trong bài học. Với một lượng kiến thức khá nhiều, việc học và nhớ bài luôn là một thử thách không nhỏ cho các học sinh.
Qua kinh nghiệm từ thực tế giảng dạy của mình, cũng như từ quá trình học tập của các học sinh học tốt môn Sử, thầy Đạt khuyên các học sinh muốn học và làm bài thi tốt môn Sử cần nắm vững tổng thể chương trình trước, từ những chủ đề chính của bài học mới đi vào các thông tin chi tiết.
Để thuộc được bài, học sinh cần áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, có thể là làm đề cương, ghi chép đi, ghi chép lại nhiều lần, kiểm tra kiến thức của nhau thông qua học nhóm…
Việc học như vậy phải được tiến hành thường xuyên, lặp đi lặp lại. Các kiến thức của môn Sử nếu không được thường xuyên nhắc đi, nhắc lại thì học sinh sẽ quên hết.
Học sinh cần phải biết vận dụng bài học vào từng câu hỏi của đề thi. Để tránh lạc đề, học sinh cần bố trí thời gian đọc, phân tích các câu hỏi của đề, lập dàn ý trước khi viết câu trả lời của đề. Học sinh cần làm câu hỏi dễ trước, nhưng cũng phải chú ý dành thời gian nhất định cho các câu hỏi có nhiều điểm.
Dù thế, thầy Đạt cũng nhấn mạnh, học sinh cần phải biết cân đối thời gian làm bài, phân phối đều thời gian cho các câu hỏi. Khi viết câu trả lời, cần đi thẳng vào vấn đề mà câu hỏi đặt ra, cần tránh tối đa việc viết lan man, dài dòng.
Khi làm xong hết bài thi, học sinh cần phải biết đọc qua, kiểm tra các câu trả lời của bài thi một lần cuối, để biết chắc chắn rằng, các sự kiện, con số, thời gian nêu trong bài thi của mình là chính xác.