Ngày 27/12, Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị quán triệt triển khai đề án thực hiện chương trình “thành phố 4 an” với sự tham gia của hầu hết lãnh đạo chủ chốt cấp thành phố, quận, huyện.
Mục tiêu của đề án này là xây dựng thành phố có: an ninh trật tự tốt, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt chương trình 4 an. Ảnh: AN |
Ông Trần Thanh Vân, Trưởng ban nội chính thành ủy cho biết, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thời gian qua diễn biến phức tạp.
Các loại tội phạm gia tăng đáng báo động. Trong đó, số vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến giết người, cướp của tăng cao.
Ông Nguyễn Xuân Anh: Cứ để chúng tôi làm, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm! |
Tội phạm trộm cắp, cướp giật vẫn chưa được khống chế.
Ông Vân cho rằng, trên địa bàn có hai loại tệ nạn chính là ma túy và cờ bạc.
Hai loại này là mầm móng gây phát sinh các loại tội phạm khác như: giết người, cướp, đòi nợ thuê...
“Tính về số lượng án ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên thì Đà Nẵng đứng vị trí cao (chỉ sau Đắk Lắk, Khánh Hoà) và đứng vị trí 25 trên toàn quốc.
Một vị trí cao không ai muốn. Nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp thì 10 năm nữa thành phố này sẽ không còn an bình” ông Vân nói.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh, thành phố thể hiện quyết tâm cao nhất trong việc thực hiện chủ trương “4 an”.
Do đó, tất cả lãnh đạo thành phố phải thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
"Chủ trương này rất lớn nên 7 chủ tịch quận, huyện đã ký kết tổ chức thực hiện. Tôi đề nghị các đồng chí phải đặt sinh mệnh chính trị vào chữ ký này.
Các cấp phải bắt tay thực hiện quyết liệt, không để trên hô hào quán triệt ký kết nhưng dưới làm lơ mơ... Ký kết rồi phải làm, bút sa là gà chết, không phải ký cho vui” ông Xuân Anh yêu cầu.
Bí thư Đà Nẵng cũng đề nghị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy phải thường xuyên theo dõi việc thực hiện chủ trương nói trên tại các địa bàn.
Theo đó, những lãnh đạo (Bí thư và Chủ tịch) nào làm tốt thì sẽ được xem xét, đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ cao hơn.
Còn những vị nào làm chưa tốt sẽ bị xem xét thay thế, điều chuyển. Ngay với những đồng chí cuối nhiệm kỳ, sắp nghỉ hưu thì cũng phải làm với quyết tâm cao. Dù nghỉ hưu rồi nhưng phải làm để để lại tiếng – ông Xuân Anh nói thêm.
“Mình không chỉ làm cho mình, mà còn cho con cháu sau này. Ví dụ ma túy, gia đình có con cái vướng phải rất khổ.
Làm lãnh đạo có to đến mấy, tiền của nhiều bao nhiêu mà con cái nghiện ngập thì coi như thất bại” ông Xuân Anh chia sẻ.
Trong quá trình thực hiện, ông Xuân Anh đề nghị mỗi địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm tinh hình của địa phương mình.
Các cấp ngành cần ưu tiên nguồn lực, cân đối kinh phí thực hiện đề án.