Ngày 21/12, tại buổi họp báo cuối năm 2016, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm môi trường của “thành phố đáng sống”.
Nỗi lo ô nhiễm
Trong đó, vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi của hai nhà máy thép Dana Ý (thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) và Dana Úc (thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang).
Mới đây, bức xúc trước tình trạng ô nhiễm nặng, hàng trăm người dân sinh sống trong vùng đã kéo đến bao vây nhà máy, yêu cầu ngừng xả thải.
Chủ tịch và Bí thư thành phố Đà Nẵng trả lời những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm thời gian qua tại buổi họp báo. Ảnh: AN |
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, đoàn kiểm tra của thành phố đã đến hiện trường kiểm tra.
Qua đó, yêu cầu hai nhà máy này ngừng ngay việc sản xuất để khắc phục việc xả thải. Khi nào giải quyết xong vấn đề ô nhiễm thì mới cho hoạt động trở lại. Về giải pháp lâu dài thì ông Nam nói sẽ cho di dời hai nhà máy đến một địa điểm khác.
Ông Nguyễn Xuân Anh: Cứ để chúng tôi làm, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm! |
Không đánh đổi môi trường lấy ngân sách, việc làm
Liên quan đến vấn đề môi trường của thành phố, ông Thơ khẳng định sẽ không đánh đổi môi trường để lấy ngân sách, việc làm.
Lãnh đạo Đà Nẵng cũng thừa nhận hai nhà máy thép đang gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc di dời chúng rất khó khăn và tốn kém.
Trước đây, khu vực này rất ít dân cư nên cho quy hoạch, xây dựng hai nhà máy thép ở đây. Nhưng một phần do chúng tôi làm (quản lý) yếu nên để người dân xây dựng nhà cửa lên đông đúc, ông Thơ nói.
Tuy nhiên, ông Thơ cũng dẫn ra một thực tế là nếu cả hai nhà máy này ngừng hoạt động thì cũng là “một vấn đề lớn” đối với Đà Nẵng. Vì hiện có hàng ngàn công nhân đang lao động tại các cơ sở này.
Trước mắt, thành phố sẽ di dời, giải tỏa các hộ dân ra khỏi khu vực ô nhiễm.
Quan thiếu “gió tươi”, dân thừa ô nhiễm |
“Với một nhà máy có trình độ công nghệ như vậy thì rất phập phù, có thể xảy ra sự cố này kia, rồi cũng sẽ gây rắc rối.
Cho nên cần nghiên cứu lộ trình để di dời. Quảng Nam đưa nhà máy thép từ Điện Ngọc lên tận trên núi còn sinh chuyện, huống chi chỗ này thì di dời đi đâu.
Chúng ta phải chia sẽ với thành phố sự khó khăn của nó, cũng như sự khó khăn của nhà đầu tư” ông Thơ cho biết.
Ngoài ra, ông Thơ cũng dẫn ra một điểm khác thường là khi tiến hành xây dựng tường rào cách âm hay trồng cây bao quanh nhà máy để ngăn ô nhiễm nhưng một số hộ dân cũng không cho.
“Mặc dù ô nhiễm như vậy nhưng vẫn có nhiều nhà trái phép mọc lên. Thậm chí có những ngôi nhà to 3-4 tầng nhưng xây dựng tạm bợ ngay sát khu vực nhà máy”.
Ông Thơ đặt vấn đề phải chăng ở đây có chuyện xây dựng để đón đền bù, giải tỏa. Do đó, ông đề nghị chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý rốt ráo, “chuyện gì ra chuyện đó”.