Thoái 100% vốn tại AJC, Agribank lúc này thực sự khó khăn?

23/12/2013 07:19
Hoàng Lực
(GDVN) - Lý giải động thái thoái vốn của Agribank khỏi AJC, TS Cao Sỹ Kiêm cho biết: “Agribank lúc này thực sự khó khăn, khả năng quản lý cũng như năng lực của Agribank không đủ để làm nên muốn thoái vốn ra khỏi AJC”.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đang có kế hoạch thoái 100% vốn tại Tổng công ty Vàng Agribank (AJC) ngay trong năm 2013. Thông tin này khiến các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo và người đại diện vốn nhà nước tại AJC lại không đồng tình.

Nhiều câu hỏi được đặt ra lúc này về nguyên nhân khiến Agribank muốn nhanh chóng thoái vốn khỏi AJC, cũng như AJC sẽ đi về đâu sau khi tách khỏi Agribank…?

Agribank thoái vốn AJC sẽ gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Đức Thành)
Agribank thoái vốn AJC sẽ gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Đức Thành)

Tờ Đầu tư dẫn lời một lãnh đạo của AJC cho hay, AJC đã đề xuất với Agribank trong năm 2013 chỉ thoái 25,24% vốn, giữ lại 36% để có đủ tiếng nói giải quyết một số vấn đề. Đến giai đoạn 2, tức sang năm 2015 mới thoái toàn bộ vốn. Song đề xuất này bị lãnh đạo Agribank bác bỏ.

Lo ngại của AJC là việc Agribank thoái vốn khỏi đơn vị này thì việc chi trả số lượng vàng huy động tiết kiệm cho các chi nhanh Agribank đã quá hạn trước đây lên đến 12.921 lượng vàng miếng SJC và AAA sẽ giải quyết ra sao? Kèm theo đó là quyền lợi của người lao động.

Được biết hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến AJC như SeABank, HDBank, TPBank, Tập đoàn Doji, Tập đoàn Mường Thanh… Trong số này Tập đoàn Mường Thanh được cho là có khả năng mua lại AJC nhiều nhất do tập đoàn này có tiềm lực vốn mạnh hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp và ngân hàng kinh doanh vàng, đồng thời cũng đã thành lập Công ty Đầu tư tài chính và Vàng Mường Thanh.

Hiện Agribank cũng như AJC vẫn chưa lên tiếng chính thức về thông tin này, tuy nhiên thời điểm này, nếu Agribank thật sự thoái vốn khỏi AJC sẽ có tác động không nhỏ đến hoạt động của AJC cũng như đến các đối tác và khách hàng.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, Tổng công ty Vàng Agribank được Ngân hàng NN&PTNT thành lập sau đó được cổ phần và nhiều đơn vị góp vốn vào khi đó tỷ lệ cổ phần của Agribank không còn nhiều.

TS Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (ảnh: Hoàng Lực)
TS Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (ảnh: Hoàng Lực)

Lý giải động thái thoái vốn của Agribank khỏi AJC, TS Cao Sỹ Kiêm cho biết: “Agribank lúc này thực sự khó khăn, khả năng quản lý cũng như năng lực của Agribank không đủ để làm nên muốn thoái vốn ra khỏi AJC”.

Việc thoái vốn của Agribank theo TS Cao Sỹ Kiêm nhằm 2 mục đích: Thứ nhất làm nhẹ quản lý kinh tế; Thứ hai tập trung vốn vào ngân hàng, đúng với chủ trương và khả năng quản lý của Agribank khắc phục những tồn tại trong thời gian qua.

“Ngược lại khi AJC đã trở thành công ty tư nhân, công ty cổ phần hoàn toàn tách rời hẳn khỏi Agribank thì rõ ràng AJC sẽ khó khăn hơn, vì trước đây khi thuộc Agribank là một ngân hàng thương mại nên vấn đề tiếp vốn, tiếp lãi rất nhịp nhàng. Tuy nhiên cũng có những mặt thuận lợi là được tự do điều hành tự do kinh doanh không bị bó buộc ở một vài lĩnh vực”, TS Cao Sỹ Kiêm nhận định.

Về cơ hội các nhà đầu tư sau khi Agribank thoái vốn, theo TS Cao Sỹ Kiêm sẽ không dễ cho nhà đầu tư vì kinh doanh vàng mang lại rủi do rất lớn. “Kinh doanh vàng rất khó nói, trừ doanh nghiệp có tiềm lực được xuất nhập khẩu vàng, kinh doanh vàng lợi nhuận lớn nhưng đồng thời rủi ro cũng rất lớn, do vậy rất khó để nói doanh nghiệp đầu tư vào AJC là có lợi hay không”, TS Cao Sỹ Kiêm cho biêt thêm.

Hoàng Lực