LTS: Chia sẻ với độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản (3/2/1930 - 3/2/2016), PGS.TS Lương Gia Ban - Chủ nhiệm Khoa Lý luận Chính trị và đại cương (ĐH Phương Đông) bày tỏ, 86 năm qua Đảng luôn gắn bó chặt chẽ với nhân dân, được nhân dân tin tưởng giao phó trọng trách lãnh đạo đất nước. Vì vậy, Đảng phải luôn nỗ lực, cố gắng làm tất cả vì quyền lợi của nhân dân.
PV: Nhìn lại lịch sử giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng suốt 86 năm qua, theo ông đâu là lý do nhân dân luôn tin vào sự lãnh đạo của Đảng, dù phải trải qua rất nhiều thăng trầm, nhiều biến cố?
PGS.TS Lương Gia Ban: Tôi là từng là một người lính chiến đấu tại Thượng Lào. Trải qua nhiều năm tháng khó khăn, chẳng riêng gì tôi mà nhân dân cả nước lúc bấy giờ đều thấy rằng có Đảng Cộng sản là một diễm phúc cho dân tộc Việt Nam.
Bác Hồ là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta ngay từ những phút đầu cho tới khi Bác mất. Và các đảng viên cộng sản đều thấy rất tự hào có một người lãnh đạo như Bác.
Một trong những thành công lớn nhất đó là Đảng ra đời trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng do xác định đúng đắn đường lối cách mạng, tất cả vì quyền lợi của nhân dân, vì thế mà suốt 86 năm qua, trải qua biết bao thăng trầm, nhân dân vẫn một lòng tin Đảng.
Nhà thơ Tố Hữu đã viết rằng: “Đảng ta sinh ở trên đời/ Một hòn máu đỏ nên người hôm nay/ Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây xương sắt da đồng/ Đảng ta muôn vạn công nông/ Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin…”.
Con đường đi của Đảng ta rất đúng, phù hợp với sự tiến bộ của nhân loại. Chúng ta biết rằng, nhân loại đã trải qua 5 hình thái kinh tế xã hội, từ cộng sản nguyên thủy, đến chiếm hữu nô lệ, đến phong kiến, chủ nghĩa tư bản, và bây giờ đang ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội.
Mặc dù rất nhiều khó khăn, nhưng đi lên chủ nghĩa xã hội là xu thế tất yếu của lịch sử. Ai cũng mong muốn có một thời đại mới đẹp hơn, vì con người hơn, ở đó có tính nhân văn cao hơn. Đảng ta đang từng bước đi theo chiều hướng đó.
Tuy vậy, chúng ta cũng phải hiểu rằng, không phải cái gì muốn cũng làm được ngay. Trong quá khứ, giai cấp tư sản chiến đấu với giai cấp phong kiến và nền nông nghiệp lạc hậu cũng phải mất tới 300 năm trời, 4 lần thập tử nhất sinh.
PGS.TS Lương Gia Ban chia sẻ, mọi chế độ đều sụp đổ nếu không còn vì dân. ảnh: Ngọc Quang. |
- Đảng làm tất cả vì quyền lợi của dân và mong muốn đi lên chủ nghĩa xã hội cũng vì điều ấy. Nhấn mạnh điều đó để thấy rằng, bất cứ chế độ nào cũng không thể tồn tại nếu không còn vì dân, thưa ông?
PGS.TS Lương Gia Ban: Bác Hồ nói rằng, lịch sử Đảng là một “pho sử bằng vàng”. Nó được thể hiện bằng biết bao nhiêu sự hy sinh của các chiến sĩ cách mạng, một lòng một dạ với tổ quốc, để chúng ta có được hòa bình như ngày hôm nay.
Thời gian là lực lượng, là chiến lược, là ông thầy chỉ cho chúng ta lối đi, cho nên không thể vội vàng. Chúng ta biết là chưa có nước nào trên thế giới xây dựng thành công mô hình chủ nghĩa xã hội. Sự sụp đổ ở Đông Âu trước đây được đánh giá chỉ là sự sụp đổ của những mô hình cụ thể, còn những mô hình khác vẫn đang được xây dựng.
Mùa xuân có Đảng Đảng ở lòng người, Đảng trong dân Đảng mới thanh cao gấp bội phân Đại hội XII bao phấn khởi Lòng dân ý Đảng đẹp muôn xuân 86 năm Việt Nam có Đảng Có Bác Hồ mở lối thanh thang ASean cộng đồng thành lập Khối kết đoàn lịch sử sang trang. PGS.TS Lương Gia Ban |
Đối với Việt Nam, chúng ta vẫn đang nỗ lực hướng tới điều tốt đẹp ấy, đó là một xã hội dân chủ - công bằng – văn minh. Chúng ta cũng biết rằng, chẳng có điều gì lại đúng ngay từ ban đầu, thế nên điều quan trọng là chúng ta phải giữ vững lập trường quan điểm, tiến chậm nhưng phải chắc, làm chưa tốt thì phải sửa để tốt hơn.
Cách mạng tháng mười Nga vĩ đại do V.I.Lê-Nin lãnh đạo đã trọc thủng 1/6 trái đất đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng cho tới ngày hôm nay vẫn chưa đầy 100 năm. Đến năm 2017 toàn thế giới mới kỷ niệm 100 năm Cách mạng Nga vĩ đại. 100 năm chúng bắt đầu vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong khi đó, chủ nghĩa tư bản đã xây dựng trên trái đất này 700 năm rồi, cho nên chúng ta nhìn thấy có sự chênh lệch là điều dễ hiệu. Thế nhưng chúng ta không thể nóng vội, mà phải kiên định theo những gì Đảng đã vạch ra, tất cả vì quyền lợi của nhân dân. Và điều quan trọng là người dân phải thấu hiểu điều đó, để cùng đồng lòng, chung sức, cùng với Đảng ta hướng đến mục tiêu tốt đẹp ấy.
Lâu nay, chúng ta vẫn nói rằng “lòng dân, ý Đảng”. Nhìn lại lịch sử nhân loại, ở bất kỳ đất nước nào cũng vậy, sự sụp đổ của chế độ cũng là bởi không còn vì dân.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trung thành với nhân dân |
Tôi rất mừng vì trải qua 86 xây dựng và trưởng thành như ngày hôm nay, Đảng ta luôn quan tâm rèn luyện cán bộ, chọn người kế cận phù hợp để lãnh đạo đất nước.
Hiện nay, chúng ta đang học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi mong các lãnh đạo phải học được tư tưởng của Người, phong cách của Người, đạo đức của Người… để giữ được lòng dân.
Thời đại nào cũng thế, quốc gia nào cũng thế, đều phải lấy dân làm gốc. Quan hệ với dân phải “như máu với thịt”, không thể khác được.
Tôi cũng mong rằng, các lãnh đạo luôn phải ghi nhớ, có dân thì mới có chức vụ của mình. Vì vậy phải trọng dân, hiểu dân, nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin. Trên thực tế, có những cán bộ đã làm được như vậy, nhưng cũng có những cán bộ chưa làm được. Đó là vì trình độ, hiểu biết, do quá trình rèn luyện, rồi có thực tế hay không, có học tập lý luận không? Nếu chỉ có thực tế mà không có lý luận thì như Bác Hồ đã nói chẳng khác nào “nhắm vào mà đi”.
Thấu hiểu vai trò quan trọng của cán bộ nên ở Đại hội XII vừa rồi, Đảng đã dành rất nhiều thời gian cho công tác nhân sự, bởi tất cả đều do con người. Chọn người sai là sai hết tất cả.
Thời gian trước kỳ Đại hội Đảng XII, Đảng đã tổ chức được 6 lớp cán bộ nguồn cao cấp, vừa đưa về địa phương trải qua thực tiễn, lại vừa có các bài thi để đánh giá nhận thức của cán bộ kết hợp với lý luận và thực tiễn như thế nào? Trên cơ sở đó mới giới thiệu cán bộ ưu tú cho Đảng. Đại hội lần này chúng ta thành công hơn các đại hội khác là ở chỗ đó, và được cả những người dân bình thường tin tưởng.
- Thưa ông, liệu rằng các bài đánh giá ấy có đủ để chọn được cán bộ tốt hay không, khi mà thực tế xưa nay một lãnh đạo từ cấp thấp được bổ nhiệm lên cấp cao đều có quy trình rất chặt chẽ, nhưng vẫn xảy ra chuyện “suy thoái tư tưởng, thoái hóa biết chất”?
PGS.TS Lương Gia Ban: Bác Hồ đã dạy rằng phải tu dưỡng rèn luyện suốt đời. Đến một lúc nào đó, con người ta dễ thỏa mãn với những điều mình đã đạt được, trong khi cuộc sống thì luôn đòi hỏi cao, vì vậy nếu dừng lại thì sẽ “thoái hóa, biến chất”.
Sinh thời, Bác Hồ đã dạy rằng, lãnh đạo phải kiểm tra giám sát. Lãnh đạo mà không kiểm tra, không giám sát thì coi như không lãnh đạo.
Và nói xa hơn, chúng ta buông lỏng sự kiểm tra, giám sát thì cũng có nghĩa là buông lỏng sự quản lý, lãnh đạo.
Cán bộ đã tốt thì luôn cần phải rèn dũa, uốn nắn để họ không bị xa vào những cám dỗ trong đời sống, làm sai mong muốn của Đảng với nhân dân.
Theo tôi, kỷ luật mỗi một cán bộ Đảng viên thì là sự thất bại của tổ chức đó chứ không phải thành công. Dù vậy, Đảng ta không lo ngại điều ấy, mà sẵn sàng đưa ra khỏi khỏi bộ máy quản lý những cán bộ tiêu cực, để giữ vững niềm tin trong nhân dân.
Nhưng điều quan trọng hơn, Đảng phải rèn luyện được cán bộ, phải thật chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát để họ làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, để mỗi hành động đều thực sự vì nhân dân. Người dân họ tinh lắm, cán bộ làm việc có thực tâm hay không, họ biết ngay và đánh giá ngay, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin như bây giờ, chẳng có chuyện gì dấu được.
Dẫu sao với sự chú trọng về công tác nhân sự tại Đại hội XII vừa qua, tôi tin rằng Đảng sẽ lãnh đạo nhân dân có được những bước đột phát mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!