Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Vũ Thu Hương bày tỏ sự bức xúc tột cùng với vụ việc xảy ra tại trường Trung học cơ sở Phù Ủng – huyện Ân Thi – tỉnh Hưng Yên. Từ vụ việc này, các bậc phụ huynh cần phải làm nhiều việc để giúp con tương lai không thành nạn nhân tương tự trường hợp em Y., để con có thể tự phòng tránh và ứng phó với nạn bắt nạt, bạo lực học đường.
Từ kinh nghiêm của bản thân và dưới góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Vũ Thu Hương đã chỉ ra 7 việc phải làm để trẻ phòng tránh và ứng phó với bạo lực.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương chỉ ra cụ thể 7 việc cha mẹ cần làm cho trẻ từ nhỏ đến phòng tránh và ứng phó với bạo lực. Ảnh: Tiến sĩ Vũ Thu Hương cung cấp |
Thứ nhất là chọc cho con tức. Nghe phương pháp này có vẻ rất trái tai nhưng cần phải làm thế. Nếu con chúng ta hiền, phải chọc cho nó tức lên để nó bùng phát cơn điên khi quá sức chịu đựng.
Chỉ khi con nhìn thấy con bùng lên và mọi sự trêu chọc chấm dứt, con mới hiểu phải làm gì khi bị bắt nạt.
Thứ hai là không bao giờ bạo lực với con. Với những người chẳng bao giờ đánh ai thì việc này quá dễ.
Tuy nhiên, nếu các bố mẹ là người đã từng cáu lên mà đánh ai đó thì cần phải tìm cách xử lý tính cách của mình trước.
Bạo lực với con, trẻ chịu quen rồi, ra đời trẻ bị ăn đòn thì cũng chấp nhận chịu đựng. Đến lúc ấy, trẻ khổ sở đủ đường, các bố mẹ có phải là đã tiếp tay cho kẻ bắt nạt con mình không?
Thứ ba là phạt nghiêm túc nếu con có tính hay trêu chọc, làm phiền người khác. Nói chung, ngoài việc hiền quá ra, nếu con hay trêu bạn, hay thích làm phiền người khác thì con cũng sẽ rất dễ bị bạn bè đánh.
Vì thế, các bậc cha mẹ phải xử lý nghiêm các trường hợp con hay trêu chọc và đánh bạn. Phạt thật lực và phạt thứ mà con sẽ thấy tiếc nuối lắm (ví dụ: cả nhà ăn kem mà con nhịn, cả nhà chơi món gì đó mà con ngồi nhìn...) Khi đó con sẽ dần rút kinh nghiệm và bớt trêu chọc làm phiền người khác.
Thứ 4 là làm bạn với con để biết mọi việc. Khi cha mẹ luôn là bạn bè, con sẽ tự khắc nói ra mọi chuyện của mình. Nếu cha mẹ luôn xa cách, con sẽ chẳng bao giờ chia sẻ.
Luôn nói với con bằng luật nhưng lúc thường ngày thì trêu đùa và chia sẻ mọi thứ trên trời dưới bể với con, các con sẽ coi bố mẹ là bạn. Tôn trọng con, chia sẻ mọi điều hay dở với con, chúng sẽ thật sự tin tưởng bố mẹ.
Thứ năm là không để con cô độc. Nếu biết con mình khó kết bạn, các bố mẹ phải tạo ra cách để con tự kết bạn ở lớp, ở trường. Con ở lớp mà chỉ lủi thủi một mình thì rõ là dễ rơi vào tâm điểm của nhóm thích bắt nạt. Vì thế, phải dạy con kết bạn.
Cách hay nhất là mua cho con độ hơn 10 gói kẹo. Mỗi ngày cho con 1 gói và bảo con phát tặng các bạn bè con thích. Hỏi con về những bạn con đã phát kẹo: mẹ bạn tên gì, nhà bạn có chó/mèo không...? để con buộc phải giao tiếp với bạn.
Sau 10 ngày, đứa trẻ liên tục có kẹo đó sẽ có hẳn một nhóm bạn chơi chung. Khi đó, bắt nạt nó chẳng dễ tí nào.
Thứ 6 là khi con bị tẩy chay hay bị bắt nạt hãy cổ vũ con tự xử lý. Thường thì khi con bị tẩy chay hoặc bắt nạt, các bố mẹ nóng máu lên thường sẽ lao đến trường để xử hộ con hoặc mách thầy cô giáo.
Nếu vậy, con sẽ bị trả thù. Việc mình cần làm là bình tĩnh cùng con tìm cách đối phó.
Bố mẹ đừng xui con làm cái này cái kia mà hãy bảo con tự nghĩ cách xử lý. Nếu cần khuyên, chỉ cần nói: ngày xưa bố/mẹ bị ...., bố/mẹ đã làm.... và kết quả là.... Đứa trẻ sẽ tham khảo lời khuyên đó và xử lý một cách tự tin vì nghĩ rằng mình đã tự tìm ra cách chứ không cần ai giúp. Điều này sẽ khiến con mạnh mẽ hơn.
Thứ 7 là dạy con ứng phó khi bị bạo hành. Các bố mẹ hãy đặt ra các tình huống khác nhau như túm tóc, đá vào lưng, giật áo.... và bảo con nghĩ cách ứng phó.
Tối nào cũng làm việc này thì con sẽ tự hình thành được thói quen tự vệ hết sức bản năng. Đến lúc đó, động vào con chẳng dễ tí nào.
"Trong xã hội, có những người bạn đáng yêu thì cũng có những đứa trẻ bất trị, tàn ác. Tìm cách giáo dục con là cách hay nhất để con sống tốt", Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhấn mạnh.