Hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng dự thảo 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 và đang lấy ý kiến các nhà trường.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú – Đống Đa (Hà Nội) nhìn nhận rằng:
Nhiều năm nay, việc chỉ thi 2 môn Toán và Văn trong kỳ tuyển sinh vào 10 đã dẫn tới tình trạng học sinh trung học cơ sở bước lên trung học phổ thông bị rỗng nhiều kiến thức ở các bộ môn (ngoài Toán, Văn), gây khó khăn trong công tác giảng dạy và định hướng nghề nghiệp.
Điều này được thể hiện ngay tại trường Phan Huy Chú – Đống Đa đó là khi có kết quả tuyển sinh, Nhà trường cho học sinh đăng ký 2 ban (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội) tùy thuộc vào năng lực, đam mê, lựa chọn của từng thí sinh.
Tuy nhiên, có một thực tế là, nhiều học sinh không biết thiên hướng của bản thân là gì nên không biết đăng ký vào ban nào.
Trong khi mục tiêu của bậc học trung học phổ thông là phát huy tối đa năng lực cá nhân, có định hướng cụ thể để các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
Chính vì điều này nên khi tiến hành phân ban xong, đối với những môn (không phải Toán, Văn), Nhà trường phải chỉ đạo thầy cô bộ môn có những chuyên đề bổ sung kiến thức cho học sinh và khi phản ánh lại, một số thầy cô cho biết, học sinh bị hổng, rỗng kiến thức rất nhiều.
Do đó, các thầy cô vừa phải dạy chương trình bậc trung học phổ thông lại vừa phải kết hợp ôn lại kiến thức của bậc trung học cơ sở nên giai đoạn đầu khi vào học lớp 10 cả thầy cô và học trò đều rất vất vả.
Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú – Đống Đa (Hà Nội) khi góp ý về phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 của Hà Nội cho rằng, thi 4 môn là phù hợp nhất! (Ảnh: Thùy Linh) |
Từ những đánh giá này, thầy Nhâm khẳng định: “Khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra 2 phương án thi vào lớp 10 với số lượng bài thi tăng lên là một động thái rất tích cực, tránh tình trạng học sinh lớp 9 chỉ tập trung học Toán và Văn, bỏ bê các môn khác.
Tuy nhiên phương án nào là phù hợp nhất là do quan điểm của từng người”.
Theo quan điểm của thầy Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú thì phương án thi thứ nhất gồm 4 môn thi (3 môn bắt buộc, 1 môn tự chọn) là phù hợp nhất.
Vị này cho hay, Toán và Văn là hai môn cơ bản, còn Ngoại ngữ là công cụ cần thiết không chỉ phục vụ việc học, thi mà còn là xu thế hội nhập.
Còn thêm 1 môn thuộc 1 trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Bài thi này do Sở Giáo dục và Đào tạo công bố vào cuối tháng 3 như vậy sẽ giúp các em học sinh không thể bỏ bê, không chú tâm môn học nào trong quá trình học.
Trước đó, như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng dự thảo 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 và đang lấy ý kiến các nhà trường.
Phương án 1: Thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư thuộc 1 trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Bài thi thứ tư do Sở Giáo dục và Đào tạo công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút/bài, đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/bài.
Phương án 2: Giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.
Phương án 3: Tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân); hoặc tổ hợp 2 (gồm 4 môn Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học).
Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút/bài; đối với bài thi tổ hợp là 90 phút/bài.
Với phương án này, thực chất học sinh sẽ thi 6 môn và việc quyết định tổ chức bài thi tổ hợp nào cũng sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo hình thức bốc thăm và công bố vào cuối tháng 3.