Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Tổng Bí thư: "Phê và tự phê phải như rửa mặt hàng ngày"

16/10/2012 20:30
Minh Anh
(GDVN) -Ngày 16/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã có buổi tiếp xúc cử tri tại điểm bầu cử số 1 Hà Nội (quận Ba Đình và Tây Hồ). Tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chia sẻ về kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.
Tham nhũng chưa được đầy lùi là do thiếu kiên quyết

Đặt thẳng vào vấn đề mà nhân dân cả nước đang hết sức quan tâm, ông Phan Đức Thắng (phường Quán Thánh, Ba Đình) nhìn nhận: “Người dân cũng như đảng viên rất quan tâm triển khai thực hiện NQTƯ 4. Cử tri mong mỏi Đảng và Nhà nước cần nghiêm túc thực hiện tốt NQTƯ 4 vì đây là vấn đề tồn vong của chế độ”. Ông Thắng cũng cho rằng, kết quả Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XI (Hội nghị TƯ 6) đã bước đầu công khai một số vấn đề.

Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết, mong được đẩy mạnh giải quyết trong thời gian tới. “Cử tri mong mỏi QH làm tốt hơn chức năng giám sát”- ông Thắng đề nghị. Ông Thắng cũng kiến nghị, đối với việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm các chức vụ do QH bầu và phê chuẩn cần tần suất nhiều hơn và mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể đối với các chức vụ là thành viên Chính phủ và các tỉnh, thành cần định kỳ 2 năm/lần, chưa kể trường hợp bất thường và cần sớm thực hiện.   

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri


Đi vào mối quan tâm của nhân dân đối với cán bộ, công chức hiện này, ông Phan Đức Thuyên (phường Kim Mã, Ba Đình) bày tỏ: “Tôi thấy buồn vì một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên từ trung ương đến địa phương đã suy thoái về đạo đức, lối sống xa rời lý tưởng cách mạng.

Bằng các thủ đoạn tinh vi, bộ phận không nhỏ này đã tham nhũng tiền của nhà nước, của nhân dân, gây thất thoát nghiêm trọng. Từ đó làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, cản trở tới sự nghiệp cách mạng của Đảng của dân tộc, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Tiếp tục làm “nóng” hội trường, ông Thuyên đặt câu hỏi: "Tại sao bao năm qua TƯ đã có nghị quyết về đấu tranh phòng chống tham nhũng nhưng tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi?

Tồn tại này là do chúng ta chưa có quyết tâm chính trị cao.

Chưa xử lý kịp thời, kiên quyết những kẻ vi phạm đó hoặc có xử lý với hình thức giơ cao đánh khẽ, không công khai nên không đủ sức răn đe và ít tác dụng. Mặt khác, chưa có cơ chế đầy đủ, cụ thể để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của các tổ chức chính trị xã, hội để tạo thành sức mạnh tổng hợp đấu tranh với tội phạm tham nhũng. Muốn sự nghiệp đổi mới của Đảng giành thắng lợi to lớn hơn, trước tiên Đảng, Nhà nước cần đẩy mạnh phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân” – ông Thuyên kiến nghị.

Phê và tự phê chưa phải đã kết thúc

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, bài học đau xót từ sự khó khăn của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã phát sinh ra nhiều chuyện do vậy cần phát huy, làm tốt hơn nữa vai trò làm chủ, phân cấp phân quyền. Tuy nhiên, đã phân cấp rồi mà không quản lý cũng không được vì thế vừa rồi phải thành lập lại Ban kinh tế để tăng cường giám sát.

“Làm sao đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng làm sao phát huy được vai trò của nhân dân, của nhà nước để không không mâu thuẫn nhau và hoàn toàn hỗ trợ cho nhau” – Tổng Bí thư nhìn nhận. Theo Tổng Bí thư, hoạt động giám sát ở tầm cao nhất đừng đi làm thay phần việc cấp dưới làm vì giám sát có MTTQ, có HĐND…

Đương nhiên phải giám sát những vụ việc điển hình như quản lý đất đai, DNNN, giám sát trực tiếp thông qua chất vấn và trả lời chất vấn. Tổng Bí thư cũng cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm cũng là một hình thức giám sát. Tuy nhiên giám sát thông qua lấy phiếu tín nhiệm cũng có tác dụng phụ. “Cán bộ tròn vo mình để được tín nhiệm cao, đi vận động, tranh thủ người khác. Vậy phải làm thế nào cho kín kẽ để lấy phiếu tín nhiệm khách quan. Chúng ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm”- ông Trọng chia sẻ.

Đặc biệt theo Tổng Bí thư, NQTƯ 4 mới ra đời chưa được 1 năm và mới triển khai được mấy tháng. Và mới đây đã có kết quả bước đầu về công tác phê bình và tự phê bình.

“Công tác này gồm 3 nhóm vấn đề chưa thể giải quyết một lần là xong ngay được mà còn phải tiếp tục làm quá trình dài. Báo cáo kết quả kiểm điểm phải được Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua nếu không đạt phải làm lại. Làm kỹ nhiều vòng báo cáo ra Trung ương bỏ phiếu xem đạt yêu cầu chưa.

Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử, TƯ chất vấn và nghe trả lời chất vấn các vấn đề cụ thể như Vinashin, Vinaline. Rồi đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Chính trị xin nhận kỷ luật trước TƯ. Kiểm điểm có nghiêm túc không, phải nói là làm rất nghiêm túc nhưng nói đạt chưa thì chưa đạt và phải làm tiếp. Làm phát sinh lại phải rút kinh nghiệm làm tốt hơn. Công tác này phải làm như rửa mặt hàng ngày. Mong người dân giám sát, góp ý kiến cho Đảng, QH thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình” – Tổng Bí thư chia sẻ.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã bày tỏ sự lo lắng và vô cùng bức xúc trước hệ thống giáo dục và đào tạo của nước nhà hiện nay như nạn học thêm dạy thêm, nội dung chương trình đến phương pháp giảng dạy, công tác quản lý, đào tạo giáo viên…đều có bất cập; lớp học đa số 50-60 học sinh/lớp dạy… GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn (phường Cống Vị, Ba Vì) bức xúc: “Tôi có 48 năm công tác trong ngành giáo dục nhưng chưa thấy khi nào nền giáo dục của chúng ta hỗn loạn như hiện nay, đây là điều rất buồn. 

Trước những lo lắng này, Tổng Bí thư cho biết, GD-ĐT là vấn đề rất  lớn, hệ trọng của đất nước, ảnh hưởng tới 23 triệu học sinh và mọi gia đình nên tại hội nghị lần này, Ban chấp hành TƯ thấy chưa đủ “độ chín” nên chưa thể ban hành ngay nghị quyết vì “sai một ly là đi một dặm” nên cần bạc kỹ và tiếp tục nghiên cứu. 
Minh Anh