Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh vào tháng 8/2017, Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám tổ chức dạy thêm trá hình núp dưới danh nghĩa câu lạc bộ hoạt động hè.
Chỉ tính riêng bảng chi thu nhập cho giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường vào tháng 8/2017 đã lên đến 573 triệu đồng. Đáng nói, bảng thu nhập thêm này gây bất công và bức xúc cho không ít giáo viên vì như hiệu trưởng, hiệu phó, thủ quỹ, kế toán dù không đứng lớp nhưng nhận mức thu nhập từ 24 – 26 triệu đồng.
Mức thu nhập của những người này cao gấp nhiều lần so với giáo viên đứng lớp. Đáng nói, bảng chi này hoàn toàn không công khai theo quy định mà giáo viên chỉ vô tình xem được.
Ăn chặn, bớt xén tại trường Hoàng Hoa Thám, có liêm sỉ đã không làm thế |
Hè năm nay thay vì thành lập các câu lạc bộ hoạt động hè, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ, thể dục thể thao, thực hành kỹ năng sống cho học sinh theo kế hoạch số 1882/KH-SGDĐT của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám tiếp tục tổ chức các lớp ôn tập văn hóa cho học sinh vừa vào lớp 1 đến lớp 5.
Cụ thể lịch học các khối phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nắm được cũng như một số giáo viên nhà trường phản ánh, từ đầu tháng 8, nhà trường chỉ tổ chức các buổi ôn tập văn hóa cho học sinh cả 2 buổi vào các ngày thứ 2, thứ 3, thứ 4 trong tuần.
Như khối lớp 3, lịch ôn tập văn hóa dày đặc cả ngày. Cụ thể thứ 2, sáng tiết đầu ôn tập Toán, tiết 2 Tin, tiết 3 thư viện, tiết 4 ôn tập Toán. Vào buổi chiều, tiết 5 âm nhạc, còn tiết 6 và tiết 7 ôn tập tiếng Việt.
Còn thứ 3, thứ 4 lịch học 2 buổi cũng tương tự như vậy, chủ yếu học sinh ôn tập Toán và tiếng Việt. Nhà trường không có một câu lạc bộ, hoạt động vui chơi giải trí nào để phục vụ các em dịp nghỉ hè.
Được biết, việc tổ chức ôn tập hè của Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám có 27 lớp, trong đó có 1.300 học sinh tham gia ôn tập văn hóa hè do trường tổ chức.
Theo đó, có hai hình thức tham gia hoạt động hè tháng 8/2018 cho học sinh gồm hoạt động hè và ăn bán trú sẽ đóng 946 ngàn đồng/học sinh.
Còn tham gia hoạt động hè không ăn bán trú sẽ đóng 490 ngàn đồng/học sinh.
Thay vì tổ chức các câu lạc bộ dạy kĩ năng sống cho học sinh như bơi lội cũng như các hoạt động vui chơi giải trí, Trường Hoàng Hoa Thám lại chỉ ôn tập văn hóa cho học sinh. Ảnh: Vũ Phương |
Trong khi đó, nội dung kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ yếu khuyến kích học sinh tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, lựa chọn chơi các trò chơi dân gian, tổ chức lớp dạy bơi, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước …
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức ôn tập văn hoá cho học sinh chỉ được triển khai sau ngày tựu trường 01/08/2018 trên cơ sở tự nguyện, không được ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.
Bên cạnh đó, không tổ chức dạy trước chương trình; ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2018 – 2019.
Cũng liên quan đến hoạt động ôn tập văn hóa trong hè cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu Hiệu trưởng các nhà trường, Giám đốc các trung tâm giáo dục dạy nghề- giáo dục thường xuyên lập kế hoạch ôn tập văn hóa trong dịp hè cho những học sinh có nguyện vọng được phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức. Quan tâm đến đối tượng học sinh yếu, kém.
Như vậy, từ kế hoạch như công văn của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho thấy việc Ban giám hiệu Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám chỉ tập trung ôn tập văn hóa vào dịp hè là không phù hợp và trái với tinh thần chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Lịch học dày đặc, nặng về ôn tập văn hóa của Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám khiến không ít phụ huynh "choáng" vì thời gian này vẫn là nghỉ hè các con cần tham gia những câu lạc bộ thiên về giải trí, vui chơi, kỹ năng sống. Ảnh: NVCC. |
Bảng thu nhập từ tháng hè (8/2017) của hiệu trưởng, hiệu phó, thủ quỹ, kế toán từ 24-26 triệu đồng gấp nhiều lần so với giáo viên đứng lớp. Ảnh: NVCC. |
Đáng chú ý, trong văn bản số 89/CV-PGD về việc tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm gửi các trường tiểu học, trung học cơ sở của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình do ông Nguyễn Đắc Hùng ký ngày 30/5/2018 cũng nêu rõ: “Quán triệt không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.
Khác với Hà Nội, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hè năm 2018 có chủ đề “Thiếu nhi thành phố vui hè an toàn, bổ ích”, với các hoạt động trải dài từ ngày 1/6 đến ngày 12/8/2018.
Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các trường không được tổ chức dạy học, ôn tập văn hóa cho học sinh trong dịp hè.
Thay vào đó, các trường cần tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, ngoại khóa, trải nghiệm trên tinh thần đồng thuận của phụ huynh học sinh.
Giáo viên gửi bằng chứng Trường Hoàng Hoa Thám tổ chức dạy thêm trá hình |
Trở lại việc tổ chức lịch ôn tập văn hóa dày đặc của Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám dịp hè khi so sánh với một trường tiểu học trên địa bàn thì kết quả cho thấy sự khác nhau rất lớn.
Nhiều trường trên địa bàn quận Ba Đình hay Cầu Giấy đều thành lập các câu lạc bộ như Nhạc, Mỹ thuật, nấu ăn, tin học, thể dục, tiếng anh, chữ đẹp… nhưng riêng Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám lại chỉ tổ chức ôn tập văn hóa cho học sinh.
Việc trường chỉ tổ chức ôn tập văn hóa cho học sinh khiến không ít phụ huynh bức xúc, nhưng không dám kêu dù rất muốn con mình thời gian nghỉ hè được học kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn như môn bơi lội, tránh tai nạn... Nhưng cũng có phụ huynh có tâm lý con được ôn tập văn hóa sẽ học tốt khi lên lớp vì bệnh thành tích.
Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng phản ánh liên tiếp nhiều bài viết phản ánh của nhiều giáo viên về những búc xúc trước việc nhiều năm liền họ bị ăn chặn, bớt xén tiền dạy 2 buổi, tiền dạy thêm giờ, nhưng không được giải quyết.
Ai cùng với Hiệu trưởng trường Hoàng Hoa Thám bớt tiền lên lớp của thày cô? |
Ủy ban nhân dân quận Ba Đình đã lập đoàn thanh tra trước những phản ánh của một số giáo viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám từ ngày 10/7-10/ 8. Tuy nhiên, đến nay đã hơn một tuần trôi qua nhưng Thanh tra quận Ba Đình vẫn chưa đưa ra kết luận về việc này.
Theo một số giáo viên phản ánh, gần 10 năm họ được “ban phát” tiền dạy 2 buổi/ngày bằng một công thức do nhà trường tự nghĩ ra nhằm bớt xén, ăn chặn tiền mồ hôi công sức của giáo viên.
Đáng nói, có giáo viên bị lãnh đạo nhà trường o ép phải nghỉ dạy vì bất công và hơn hết là môi trường giáo dục của một trường chuẩn giữa Thủ đô, nhưng người đứng đầu nhà trường là hiệu trưởng lại có cách hành xử rất khó hiểu.