LTS: Trước quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc thu chi tiền đứng lớp cho giáo viên, và đặc biệt là sau vụ việc 10 năm qua, giáo viên trường Hoàng Hoa Thám bị ăn chặn tiền đứng lớp, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đọc bài “Giữa thủ đô, 10 năm qua, giáo viên trường Hoàng Hoa Thám bị ăn chặn tiền đứng lớp” và bài “Hiệu trưởng trường Hoàng Hoa Thám nói không ăn, cũng không làm một mình” của tác giả Vũ Phương đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, là người trong nghề nhưng tôi và một số đồng nghiệp thật sự “sốc” và không tin những chuyện vô lý ấy lại là sự thật, lại xảy ra suốt chục năm trời ngay giữa đất thủ đô.
Câu hỏi làm không ít người trăn trở “vì sao giáo viên đã nhiều lần phản ánh với hiệu trưởng và gửi đơn kiến nghị lên trên nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng?
Liệu có đúng như lời bộc bạch của hiệu trưởng trường này “…không ăn, không làm một mình”.
Vậy ai đã cùng ăn, cùng làm với những việc khuất tất trên?
Phòng Giáo dục quận Ba Đình, lãnh đạo quận này có biết không? Có "làm" cùng bà Hiệu trưởng không?
Cổng Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Vũ Phương. |
Điều vô lý tồn tại trong trường suốt chục năm
- Giáo viên dạy vượt số tiết quy định (cụ thể giáo viên tiểu học dạy đủ 23 tiết/tuần, giáo viên chủ nhiệm chỉ dạy 20 tiết/tuần) nhưng không được nhận chế độ dạy thêm giờ theo các quy định hiện hành.
Trong khi số tiết vượt khá lớn (thời khóa biểu của giáo viên chủ nhiệm lên đến 36 tiết/tuần đối với lớp 1, 2, 3 và 37 tiết với lớp 4, 5).
- Hiệu trưởng xếp một số chức danh Tổng phụ trách, nhân viên thư viện, thủ quỹ nhà trường vào nhóm hưởng chế độ giống như giáo viên đứng lớp.
- Có giáo viên chủ nhiệm nghỉ hàng năm trời, nhưng vẫn có lương và nhận phụ cấp đứng lớp.
- Giáo viên đứng lớp được hưởng 60% tổng số tiền thu được (đã là quá ít so với công sức của họ bỏ ra) nhưng nhà trường vẫn không cho nhận đúng mà lại áp dụng một công thức loằng ngoằng để tính, nên số tiền thực nhận một tiết học so với số tiền quy định chênh lệch nhau khá lớn.
Phải chăng giống như hiệu trưởng nói “không ăn, không làm một mình?”
Bài viết này chỉ bàn về việc thu và chi tiền đứng lớp cho giáo viên trước quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Giữa Thủ đô, 10 năm qua, giáo viên trường Hoàng Hoa Thám bị ăn chặn tiền lên lớp |
Ngày 15/1/2007 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra quyết định số 296/SGD và ĐT-KHTC hướng dẫn nội dung chi học phí 2 buổi/ngày đã nêu rõ:
Kinh phí thu được từ học 2 buổi/ngày được chi cho những nội dung sau:
1- Chi cho giáo viên tham gia giảng dạy 2 buổi/ngày 60%.
2- Chi bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ và phúc lợi tập thể 20%.
3- Chi mua sắm văn phòng phẩm, đồ dùng dạy học, vật rẻ tiền mau hỏng, điện nước, vệ sinh, cơ sở vật chất 17%.
4- Phục vụ công tác chỉ đạo, thanh kiểm tra 3%, trong đó, nộp Phòng Giáo dục 2%, nộp Sở Giáo dục 1%.
Nhìn vào bảng phân bố chi trên, đã thấy nhiều sự vô lý, bất minh trong chính quy định ấy.
Giáo viên trực tiếp giảng dạy trên lớp, họ đã phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” từ khâu soạn bài, giảng dạy, tổ chức lớp học, kèm học sinh yếu bồi dưỡng học sinh giỏi… để làm sao nâng cao chất lượng học tập cho tất cả học sinh.
Nhưng thu nhập hàng tháng thầy cô nhận được từ khoản tiền khổng lồ phụ huynh nộp cho trường chỉ được vài triệu đồng là nhiều.
Trong khi Ban giám hiệu nói là chỉ đạo chuyên môn nhưng phần lớn cũng chỉ “ngồi chơi xơi nước” nhưng số tiền hàng tháng nhận được gần 27 triệu đồng/người (theo bảng trả lương của trường Hoàng Hoa Thám có 4 người nhận được mức gần 27 triệu đồng/tháng).
Nhiều giáo viên trường này đã nêu thắc mắc “Tổng phụ trách, nhân viên thư viện, thủ quỹ nhà trường vì sao được đưa vào nhóm hưởng chế độ 60% giống như giáo viên đứng lớp?”.
Dù Ban giám hiệu không trả lời nhưng ai cũng hiểu “đưa nhóm này vào hưởng chung với giáo viên thì 40% kinh phí còn lại chia cho những đối tượng khác sẽ nhiều hơn”.
Hiệu trưởng trường Hoàng Hoa Thám nói không ăn, cũng không làm một mình |
Việc “Chi mua sắm văn phòng phẩm, đồ dùng dạy học, vật rẻ tiền mau hỏng, điện nước, vệ sinh, cơ sở vật chất 17%” là quá lớn.
Bởi. trong thực tế giảng dạy, chúng tôi biết ngoài bồi dưỡng cho người làm vệ sinh hay chi điện nước thì những khoản khác gần như các trường đều không phải chi thêm.
Quy định mỗi trường hàng tháng phải trích 3% cho công tác chỉ đạo, thanh kiểm tra 3%. Trong đó, nộp Phòng Giáo dục 2%, nộp Sở Giáo dục 1% là điều hết sức vô lý.
Một trường 3%, hàng chục trường như thế trong cùng một địa bàn thì cán bộ Sở, Phòng giáo dục hàng tháng chỉ ngồi thôi cũng đút túi một khoản tiền không hề nhỏ.
Công thức thu chi nào là hợp lý?
Khác với cách làm việc của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ngay tỉnh Bình thuận nơi chúng tôi giảng dạy, từ nhiều năm nay thu tiền học buổi hai của phụ huynh chỉ từ 30-50 ngàn đồng/tháng (trong khi Hà Nội mức thu 100 ngàn đồng).
Quy định chi cho giáo viên trực tiếp đứng lớp là 85%, Ban giám hiệu 5% trong đó (hiệu trưởng 2%, hiệu phó 3%), 5% chi cho quản lý quỹ (hiệu trưởng và kế toán), 5% còn lại chi khác (trong đó có chi bồi dưỡng cho thư viện, thiết bị, phục vụ khoảng 100 ngàn đồng/tháng).
Dù thu phụ huynh với mức 50 ngàn đồng/tháng nhưng do phần trăm trích cho giáo viên cao, bởi thế một tiết dạy thầy cô cũng được trả hơn 60 ngàn đồng.
Tham khảo một số đồng nghiệp ở địa phương khác có nơi thu thêm từ phụ huynh là 150 ngàn đồng, nơi thu 200 ngàn/tháng.
Dù cao như thế họ vẫn trích từ 80-85% chi cho giáo viên, 15-20% còn lại chi khác nhưng chưa có địa phương nào chi cho Sở, Phòng Giáo dục như Hà Nội.
Chẳng biết khi xây dựng bảng thu chi, những người lãnh đạo nơi đây họ nghĩ gì mà thầy cô là người hàng ngày đang phải “còng lưng còng cổ” giảng dạy cả tháng lại chỉ nhận một số tiền chưa bằng số tiền lẻ mà Ban giám hiệu nhà trường nhận được?
Làm vậy, giáo viên sao có thể dồn hết tâm sức vào giảng dạy?
Có đồng nghiệp đã bức xúc nói rằng “thà mình dạy từ thiện lòng sẽ thấy thanh thản hơn. Còn kiểu làm việc “Cốc mò cò xơi” như thế thì bất mãn vô cùng.
Tiền thu buổi hai là tiền đóng góp từ phụ huynh nên gần như không có sự chỉ đạo từ Bộ Giáo dục về việc thu chi nguồn kinh phí này.
Việc mỗi địa phương tự ý ra một quy định thu, chi theo ý thích cũng đang làm phụ huynh một số nơi phải đóng khoản tiền tiền cao.
Còn giáo viên lại có sự so sánh hơn thua giữa nơi này nơi khác làm ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng dạy và học.
Đã đến lúc cần đến một sự chỉ đạo chung thống nhất từ Bộ Giáo dục về mức thu, chi đang có phần bát nháo ở nhiều địa phương hiện nay.