Vỡ trận giáo viên, Hiệu phó đi rửa bát, Hiệu trưởng đi chăm trẻ

16/11/2017 08:41
XUÂN QUANG
(GDVN) - Đây là thực trạng chung của hầu hết các trường Mầm non trên địa bàn huyện Yên Định, Thanh Hóa.

Hiệu phó đi rửa bát, Hiệu trưởng phải chăm trẻ 

11 giờ 30 phút một ngày giữa kỳ 1 năm học 2017-2018, khi lũ trẻ đã no nê sau giờ ăn trưa, giáo viên Trường Mầm non Yên Lâm, Yên Định mới có khoảng thời gian ngắn ngủi để... xả hơi.

Mấy cô giáo tuổi trạc đôi mươi tụm năm, tụm bảy, ăn vội bát cơm chỉ với mấy cọng rau muống luộc, bát sung muối và đĩa muối lạc, tỏ vẻ ngạc nhiên trước sự xuất hiện của các vị khách lạ.

Bữa ăn nghèo nàn chỉ với đĩa rau muống, bát sung muối và đĩa muối lạc của giáo viên trường Mầm Non Yên Lâm. Ảnh: Thiên Minh
Bữa ăn nghèo nàn chỉ với đĩa rau muống, bát sung muối và đĩa muối lạc của giáo viên trường Mầm Non Yên Lâm. Ảnh: Thiên Minh

"Các cô ăn uống như vậy thì lấy sức đâu mà chăm các cháu?" - tôi hỏi. "Bọn em ăn thế này quen rồi, công việc vẫn đều đều đấy thôi" - một giáo viên mầm non trong nhóm nhanh nhảu đáp.

Phía sau khu nhà bếp, cô Trịnh Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng nhà trường đang tranh thủ rửa nốt đống chén, bát sau giờ ăn bán trú.

"Chị em giáo viên vất vả cả buổi sáng rồi, cho nên mình tranh thủ giờ nghỉ trưa phụ giúp, để các cô có thời gian nghỉ ngơi", cô Hiền nói rồi khom người bê rổ bát vừa rửa, đặt lên kệ ngay ngắn cho ráo nước. 

Lúc này, cô Đào Thị Hiền - Hiệu trưởng nhà trường cũng vừa kết thúc giờ lên lớp, nhanh chân sải bước về phòng hiệu bộ, sau khi lũ trẻ đã say giấc.

Cô Trịnh Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng nhà trường đang tranh thủ rửa nốt đống chén bát sau giờ ăn bán trú. Ảnh: Xuân Quang.
Cô Trịnh Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng nhà trường đang tranh thủ rửa nốt đống chén bát sau giờ ăn bán trú. Ảnh: Xuân Quang.

Dù đã có lịch hẹn từ trước, nhưng mãi quá trưa chúng tôi mới gặp được Ban Giám hiệu nhà trường vì lãnh đạo còn bận... phụ nhà bếp và chăm trẻ.

"Các anh thông cảm, 2 năm nay nhà trường thiếu giáo viên nên cả Hiệu trưởng, Hiệu phó phải kiêm nhiệm luôn công việc của nhà bếp và cô nuôi dạy trẻ.

Bây giờ học sinh đông, giáo viên lại ít, cho nên chúng tôi không làm không được. Rồi làm lâu cũng thành quen", Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Lâm ngại ngùng như tỏ ý thanh minh về sự trậm trễ của mình.

Cô Hiền cho biết, việc Hiệu phó phải đi rửa bát, Hiệu trưởng phải chăm trẻ là do tình thế do bất đắc dĩ:

Vỡ trận giáo viên, Hiệu phó đi rửa bát, Hiệu trưởng đi chăm trẻ  ảnh 3

Nếu không tận mắt thấy, chúng ta vĩnh viễn chỉ biết một nửa sự thật

"Năm học 2017 - 2018, nhà trường có 460 học sinh, trong đó mẫu giáo có 386 cháu chia làm 11 lớp; nhà trẻ 74 cháu chia làm 3 nhóm.

Nếu theo quy định tại công văn số: 3185/QĐ-UBND, áp dụng mức bình quân học sinh/lớp học đối với khu vực vùng núi thấp, nhà trường phải bố trí được 21 nhóm, lớp (trong đó 15 lớp mẫu giáo và cần 30 giáo viên; 6 nhóm trẻ cần 6 giáo viên). 

Nhưng do điều kiện thiếu giáo viên (tổng số giáo viên 18 người), cơ sở vật chất hạn chế, nên trường buộc phải dồn từ 21 nhóm, lớp lại thành 14 nhóm, lớp, trong đó 11 lớp mẫu giáo, 3 nhóm nhà trẻ.

Điều này dẫn tới việc quá tải cho giáo viên và quá tải học sinh/lớp.

Do đó nếu Hiệu trưởng, Hiệu phó không kiêm nhiệm thêm công việc của giáo viên thì rất khó để tập thể hoàn thành nhiệm vụ.

Ví dụ, mỗi lớp mẫu giáo tại trường có 36 cháu/lớp (quy định là 25 cháu/lớp đối với trường vùng núi thấp Yên Lâm) nhưng chỉ có 1,3 giáo viên, thì giáo viên chăm được cháu này thì không chăm được cháu kia.

Do đó chất lượng khó mà đáp ứng yêu cầu, chưa kể việc phòng học chật chội, ảnh hưởng đến sức khỏe cả cô lẫn trò”, cô Hiền nói, và cho biết việc Hiệu trưởng phải đứng lớp vì các trường không được tuyển mới giáo viên.

Một lớp học bán trú tại Trường Mầm non Yên Lâm có khoảng 50 học sinh bán trú và 2 giáo viên. Ảnh: Xuân Quang.
Một lớp học bán trú tại Trường Mầm non Yên Lâm có khoảng 50 học sinh bán trú và 2 giáo viên. Ảnh: Xuân Quang.

Tương tự, Trường Mầm non Quý Lộc, có 663 học sinh (số học sinh bán trú là 560, không bán trú là 103 học sinh), nhưng chỉ có 26 giáo viên/21 lớp.

Trên thực tế, nếu theo quy định, nhà trường phải bố trí được 22 nhóm, lớp, tuy nhiên, do thiếu giáo viên, nhà trường phải dồn còn 21 nhóm, lớp với số học sinh bình quân là 32 trẻ/nhóm, lớp.

Tính trung bình, mỗi nhóm, lớp bình quân 32 trẻ nhưng chỉ có khoảng 1,1 giáo viên/1 lớp có bán trú. 

Như vậy, nếu theo quy định, nhà trường còn thiếu 14 giáo viên cho cả nhóm nhà trẻ và mẫu giáo.

Cô Lê Thị Lam, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tình trạng này đã diễn ra 2 năm, sau khi huyện Yên Định ngưng hợp đồng với 639 giáo viên và nhân viên hành chính theo chủ trương của tỉnh Thanh Hóa.

"Việc nhà trường thiếu giáo viên đứng lớp là thách thức không nhỏ trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.

Tính ra mỗi giáo viên phải làm việc bằng hai người mới đáp ứng được nhu cầu công việc", cô Lam cho biết.

Hiệu trưởng trường Mầm non Quý Lộc cho biết thêm, năm ngoái, nhà trường đã phải dừng tổ chức ăn bán trú cho học sinh vì thiếu giáo viên.

Tuy nhiên, việc làm này đã vấp phải sự phản đối của phụ huynh, nên nhà trường phải cố gắng khắc phục khó khăn, tổ chức lại các lớp bán trú cho trẻ.

Ngoài Qúy Lộc, Yên Lâm, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở hầu hết các cơ sở giáo dục Mầm non tại huyện Yên Định. Các Trường Mầm non Yên Tâm, Định Tăng, Yên Thịnh, Yên Trung... cũng trở thành điểm nóng về nhân sự giáo dục mầm non trên địa bàn huyện.

"Con khóc, mẹ chưa cho bú"

Lãnh đạo huyện Yên Định và các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn đều tỏ ra lo lắng trước tình trạng quá tải trong trường học, đặc biệt là việc thiếu giáo viên mầm non trầm trọng tại hầu hết các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Từ thực tế trên, ngày 21/10/2016, huyện Yên Định có tờ trình số 173/TTr-UBND về việc xin bổ sung giáo viên, nhân viên còn thiếu năm học 2016-2017.

Ngày 19/12/2016 (tức là sau gần 2 tháng), Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa có công văn số 14583/UBND-VX về việc giải quyết kiến nghị trên của huyện Yên Định.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho phép huyện Yên Định thực hiện hợp đồng đối với 56 giáo viên mầm non ngoài biên chế theo quyết định 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ công văn này, Ủy ban nhân dân huyện Yên Định có trách nhiệm xây dựng tiêu chí vị trí việc làm, theo đúng quy định đảm bảo về điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức... khi thực hiện tuyển dụng.

Ông Lưu Vũ Lâm - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Định. Ảnh đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Ông Lưu Vũ Lâm - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Định. Ảnh đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, đến ngày 23/8/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa bất ngờ ra quyết định số 3134/QĐ-UBND về việc giao số lượng hợp đồng giáo viên mầm non theo quyết định 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ; lao động hợp đồng tiếng Anh các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố năm 2017.

Vỡ trận giáo viên, Hiệu phó đi rửa bát, Hiệu trưởng đi chăm trẻ  ảnh 6

Giáo Thứ ngày xưa, giáo Thứ ngày nay

Theo quyết định này, Ủy ban nhân dân huyện Yên Định được giao 43 lao động hợp đồng làm giáo viên mầm non thay vì 56 như công văn số 14583/UBND-VX trước đó.

Thực hiện theo quyết định 3134, Ủy ban nhân dân huyện Yên Định đã thực hiện việc xét tuyển hợp đồng lao động giáo viên mầm non và đề nghị cấp có thẩm quyền duyệt kết quả trúng tuyển đối với 43 giáo viên mầm non năm học 2017-2018.

Tuy nhiên, đã gần 1 tháng trôi qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có văn bản chấp thuận với đề nghị nêu trên của Ủy ban nhân dân huyện Yên Định.

Trong khi thực tế tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện vẫn chịu cảnh quá tải vì thiếu giáo viên đứng lớp, thừa học sinh do dồn lớp.

Như vậy, sau 2 năm từ khi huyện này ngưng hợp đồng với 639 giáo viên, nhân viên hành chính, các trường mầm non trên địa bàn, huyện Yên Định vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền đáp ứng nhu cầu về mặt nhân sự, mặc dù đã nhiều lần gửi kiến nghị.

Hôm 13/11, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lưu Vũ Lâm - Chủ tịch huyện Yên Định cho biết: "Thực tế trên gây không ít khó khăn để các trường đảm bảo hoạt động và giáo dục, chăm sóc trẻ.

Chúng tôi đã gửi văn bản kiến nghị tỉnh giải quyết khó khăn do việc thiếu giáo viên, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

Nếu tình trạng trên kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục của huyện nhà", ông Lâm nói.

XUÂN QUANG