Vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ

26/10/2015 11:12
Việt Đông
(GDVN) - Vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết nhiều lần trả lại hồ sơ để điều tra, nay Văn phòng Chính phủ đề nghị VKSNDTC thông báo kết quả để báo cáo Thủ tướng Chính phủ

Liên quan đến vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết mà Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã truy tố, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 8678/VPCP-V.I đề ngày 22/10/2015 gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với nội dung:

Văn phòng Chính phủ nhận được Văn bản số 64/GDVN-HC ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, địa chỉ: tầng 6, N05, Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phản ánh về vụ án bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Thành phố Hồ Chí Minh) bị truy tố, bắt tạm giam trên 650 ngày, có dấu hiệu oán sai.

Thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Văn phòng Chính phủ kính chuyển phản ánh trên đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và đề nghị thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Công văn của Văn phòng Chính phủ gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Công văn của Văn phòng Chính phủ gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, sau rất nhiều lần trả lại hồ sơ, mới đây, ngày 7/10, Tòa án nhân dân TP.HCM lại thông báo tiếp tục trả hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh để "làm rõ căn cứ truy tố" bà Tuyết.

Để không mất thời gian của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành Kiểm sát đồng thời không làm oan công dân, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM làm rõ các câu hỏi trong vụ án:

Câu hỏi thứ nhất: Vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" có bị hại không?

Cơ quan Cảnh sát điều tra quyết định khởi tố vụ án dựa trên đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết "giả chữ ký, con dấu chiếm đoạt hơn 12 tỷ đồng" của Yee Lip Chee, Tổng Giám đốc và Wong Kong Hee, Chủ tịch Công ty L&M Việt Nam.

Từ việc xác định Yee Lip Chee, Wong Kong Hee đều là nguyên đơn dân sự - bị hại trong vụ án và bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết có hành vi "làm giả con dấu, chữ ký chiếm đoạt tiền của Công ty L&M Việt Nam" thì Cơ quan Cơ quan điều tra mới tiến hành các trình tự tố tụng, Viện kiểm sát mới phê chuẩn các quyết định.

Vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ ảnh 2
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM (người đang đứng) là người trực tiếp chỉ đạo vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết. Ảnh: Cổng thông tin Viện KSND TP.HCM

Tuy nhiên, phân tích từ hồ sơ vụ án được công khai trước tòa cho thấy, Yee Lip Chee và Wong Kong Hee đều không phải là "bị hại" mà thực ra chỉ là "nhân viên làm thuê".

Nếu căn cứ vào các bằng chứng và lời khai trước Hội đồng xét xử trong phiên sơ thẩm ngày 29/5/2015, Wong Kong Hee - Yee Lip Chee không chỉ dừng lại ở đối tượng "người liên quan" mà phải là "đối tượng cầm đầu - bị cáo" trong vụ án - trong trường hợp có một vụ án chiếm đoạt tài sản xảy ra.

Cụ thể, trong phiên tòa ngày 29/5/2015, khi Kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu hỏi Yee Lip Chee: “Ông có mối quan hệ như thế nào với Chủ tịch hội đồng Công ty L&M Singapore?”, Yee Lip Chee thừa nhận: “Tôi chỉ là nhân viên làm thuê”.

Các hợp đồng lao động có thời hạn của Yee lip Chee ký với Công ty L&M Việt Nam cũng chứng minh lời khai của ông này là đúng.

Như vậy, tài liệu và bản thân Yee Lip Chee đã thừa nhận không phải là “bị hại – nguyên đơn” trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nói về trường hợp ông Wong Kong Hee - từng có thời gian là đại diện pháp luật của Công ty L&M Việt Nam - người được xác định là có ký cùng Yee Lip Chee 03 phiếu chuyển tiền tổng giá trị gần 1,5 tỷ đồng, Công ty L&M Singapore xác định: "Ông Wong được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty L&M Việt Nam từ ngày 20/4/2010. Đến ngày 31/3/2014, ông Wong nghỉ việc và thôi vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên…".

Hợp đồng lao động của Wong Kong Hee cũng tương tự như Yee Lip Chee, cùng ký có thời hạn với những điều khoản rõ ràng.

Như vậy, ông Wong cũng không phải là “chủ sở hữu - bị hại” trong vụ án này.

Tại một văn bản trả lời cơ quan điều tra của Công ty L&M Foundation Specialist Singapor (Công ty L&M Singapore) cho biết: “Công ty TNHH L&M Foundation Specialist Việt Nam (Công ty L&M Việt Nam) được thành lập ngày 27/8/2008 và là công ty hoàn toàn thuộc sở hữu của Công ty L&M Singapore (đăng ký thành lập tại Singapore)”.

Công ty L&M Singapore tiếp tục khẳng định trong văn bản gần đây nhất ghi rõ: “Công ty L&M Singapore sẽ đợi đến khi có phán quyết của Tòa án nhân dân TP.HCM đối với Nguyễn Thị Bạch Tuyết về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền đối với 25 phiếu yêu cầu chuyền tiền (cùng với 26 yêu cầu chuyền tiền với chữ ký giả mạo) trước khi có quyết định bồi thường của ông Yee Lip Chee và ông Wong Kong Hee”.

Tại Cáo trạng số 393 ngày 05/9/2014 của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận ý kiến của Công ty L&M Singapore: "...khoản tiền thanh toán không đúng quy định tổng cộng là 12,747 tỷ đồng. Công ty đã xử lý các khoản thanh toán này như là khoản tổn thất trên báo cáo tài chính với sự phê duyệt của Công ty mẹ, trong đó có 6,628 tỷ đồng là phát sinh trong năm tài chính năm 2012…”.

Cũng tại phiên xử sơ thẩm ngày 29/5/2015, khi chủ tọa phiên tòa – Thẩm phán Lê Kim Loan  hỏi ông Yen Chee Long – đại diện hợp pháp cho Công ty L&M Singapore: “Ông Yee Lip Chee có góp vốn vào Công ty L&M Việt Nam hay không?”, ông Yen Chee Long trả lời: “Không góp vốn vào Công ty L&M Việt Nam”;

“Thực tế hiện nay, Công ty L&M Singapore có yêu cầu gì không?” – Chủ tọa hỏi về mặt hình sự. Ông Yen tiếp tục khẳng định: “Chưa có yêu cầu gì”.

Chủ tọa hỏi về mặt dân sự: “Ông cho biết tại phiên tòa hôm nay, ông có yêu cầu gì về phần dân sự?”, ông Yen trả lời: “Như tôi đã trình bày, Công ty mẹ ở Singapore sẽ quyết định phần bồi thường của ông Yee sau khi tòa tuyên án nên tôi không có yêu cầu bồi thường gì”.

Từ đó, có thể thấy rằng cả ông Wong Kong Hee và Yee Lip Chee đều không phải là “bị hại” trong vụ án này. Mà bị hại là Công ty L&M Singapore.

Câu hỏi 2: Trách nhiệm của Yee Lip Chee và Wong Kong Hee trong trường hợp có vụ án?

Trong các lần khai trước cơ quan điều tra và trước Tòa, Yee Lip Chee đều thừa nhận có ký vào 21 lệnh chuyển tiền và ký vào Bản cam kết ngày 05/1/2010.

Giám định hình sự tại Công an thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Công an đều cho kết quả, 25 phiếu chuyển tiền và 01 bản cam kết là do chính Yee Lip Chee ký, đóng dấu thật của Công ty, Wong Kong Hee trực tiếp ký vào 03 lệnh chuyển tiền.

Các phiếu chuyển tiền còn lại (26 phiếu) do nhiều lý do như tài liệu đưa đi giám định là tài liệu photo; tài liệu mờ nhòe ... không giám định được.

Một số tài liệu được Cơ quan giám định kết luận "không cùng một người ký"....

Không có tài liệu nào trong số 51 tài liệu Cơ quan điều tra gửi đi giám định được kết luận là "tài liệu giả"!

Vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ ảnh 3
Yee Lip Chee thừa nhận ký 21 lệnh chuyển tiền và 1 bản cam kết, Bộ Công an giám định 25 chữ ký và bản cam kết là do chính Yee Lip Chee ký.

Như vậy rõ ràng có đầy đủ bằng chứng để khẳng định Yee Lip Chee, Wong Kong Hee chỉ đạo rút tiền từ Công ty để phục vụ vào mục đích khác, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết là nhân viên nên thực hiện theo yêu cầu bằng văn bản của lãnh đạo Công ty (Bản cam kết ngày 05/1/2010), việc làm này của bà Tuyết là đúng pháp luật.

Trong trường hợp Công ty L&M Sinhgapore có đơn trình báo việc thất thoát tài sản đến Cơ quan điều tra thì Cơ quan điều tra xem xét khởi tố vụ án hình sự, làm rõ quyền, trách nhiệm của Chủ tịch Wong Kong Hee; Tổng giám đốc Yee Lip Chee (thông qua các điều khoản của hợp đồng lao động).

Trong trường hợp hai ông này phải chịu trách nhiệm về hành vi làm thất thoát tài sản của Công ty L&M Singapore thì Cơ quan điều tra tiến hành xem xét khởi tố đối với hai ông này và các đối tượng liên quan.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì điều này không xảy ra vì chủ sở hữu tài sản chưa làm các đơn trình báo này.

Câu hỏi 3: Ai đã làm giả chữ ký, tài liệu và bằng thủ đoạn nào?

Phần kết luận của cáo trạng Cáo trạng số 393/CTr-VKS-P1 của Viện KSND TP. Hồ Chí Minh ghi rõ: Bằng thủ đoạn gian dối, dùng dấu chữ ký trên chứng từ lệnh chuyển tiền bằng bản fax và scan, từ ngày 01/02/2010 đến ngày 31/03/2012, Nguyễn Thị Bạch Tuyết với vị trí Kế toán trưởng của Công ty L&M Việt Nam  đã 51 lần fax và scan lệnh chuyển tiền của Công ty L&M Việt Nam từ 2 Ngân hàng OCBC và Ngân hàng UOB vào tài khoản số 086.10.00082.002 của Công ty Đại Hồng Tùng do Tuyết là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản để chiếm đoạt hơn 12 tỷ đồng của Công ty L&M Việt Nam…

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra và xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/5/2015 đã khẳng định chắc chắn rằng Yee Lip Chee trực tiếp ký vào 25 lệnh chuyển tiền, Wong Kong Hee trực tiếp ký 3 lệnh chuyển tiền. Đồng thời, Yee Lip Chee cũng đã khai nhận chữ ký, dấu chữ, dấu Công ty tại Bản cam kết ngày 05/01/2010 đều là thật.

Không có tài liệu nào chứng minh bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết  "Bằng thủ đoạn gian dối, dùng dấu chữ ký trên chứng từ lệnh chuyển tiền.." trong vụ án.

Cũng không có tài liệu nào trong vụ án chứng minh "dấu chữ ký" là có thật trong vụ án, không có biên bản nào thu giữ "dấu chữ ký" cũng như "dấu chữ ký" này thuộc về ai? .....

Câu hỏi 4: Tài liệu làm giả được dùng để buộc tội.

Trong cáo trạng truy tố, chứng cứ quan trọng nhất được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đưa vào vụ án để buộc tội bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết  "có hành vi gian dối" là “Sổ Cái” (hay còn gọi là sổ Kế toán Công ty).

Tuy nhiên, sổ cái này lại không có chữ ký của bà Tuyết ở các trang. Trong lời khai với Cơ quan CSĐT cũng như trước Tòa, bà Tuyết một mực khẳng định tài liệu này được làm giả, vì bà không hề ký vào bất cứ trang nào của sổ.

Vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ ảnh 4
Kiểm sát viên giữ quyền công tố trong vụ án, bà Hà Thị Bích Thu đã có những dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/5/2015, Luật sư Trần Hải Đức, Trưởng Văn phòng Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh hỏi Yee Lip Chee: "Khi rời khỏi cương vị, bà Tuyết có làm nhiệm vụ bàn giao lại tài liệu cho Công ty không?".

Yee trả lời: “Có nhưng tôi cho rằng không hoàn toàn”. Luật sư hỏi tiếp: “Trong hồ sơ tài liệu vụ án có văn bản về sổ cái tài chính Công ty. Công ty có nộp cho cơ quan điều tra không?”

“Cơ quan điều tra có yêu cầu nộp sổ cái, chúng tôi đã nộp”, Yee trả lời.

Luật sư Đức tiếp tục truy: “Nếu sổ cái được lập trong thời kỳ bị cáo còn làm việc, tại sao không có chữ ký của bị cáo trong sổ cái tài chính của Công ty?”.

Sau khi được Luật sư cho xem các trang của sổ cái, Yee trả lời một cách thiếu trách nhiệm: “Tôi không biết”.

Phần Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội hỏi bị cáo Tuyết: “Biên bản bàn giao ngày 27/6/2012 và hồ sơ được lưu giữ tại hồ sơ vụ án có đầy đủ chữ ký của ông Yee, ông Yen Chee Loong và bà Ngô Ngọc Dung cùng bị cáo, trong này có thiếu sổ cái không? Trong sổ cái có chữ ký của bị cáo không?"

Bị cáo Tuyết trả lời Hội đồng xét xử: “Trong biên bản ngày 27/6 đã giao nhận đầy đủ”.

Luật sư Tiến tiếp tục hỏi: “Tại cơ quan điều tra, bị cáo có yêu cầu được cung cấp sổ cái có chữ ký của bà và các tài liệu mà cơ quan điều tra xem xét, đến giờ bà đã được đáp ứng chưa?”

 “Các ngày 17/6/2014, 10/2/2015, sau khi bị cáo nhận bản kết luận điều tra, bị cáo đã làm khiếu nại nhưng đến giờ chưa nhận được trả lời. Trong khiếu nại, bị cáo có yêu cầu giao sổ chính và tài liệu liên quan cho bị cáo xem thì đến giờ vẫn chưa có”, bà Tuyết cho HĐXX biết.

Khi Luật sư Tiến hỏi: “Tại BL 1596 đến BL 1672 là sổ cái mà L&M Việt Nam cung cấp cho cơ quan điều tra, đây có phải là sổ cái của bà không?”.

Sau khi được luật sư cho xem sổ cái, bị cáo Tuyết bức xúc cho biết: “Thưa hội đồng xét xử, sổ cái này không phải do bị cáo lập vì trên tất cả các sổ cái bị cáo đều phải ký vào chữ ký giáp lai và ký vào trang cuối cùng, ở đây không có”.

Tuy là một tài liệu quan trọng trong vụ án nhưng “sổ cái” tại Công ty L&M Việt Nam lại không hề có chữ ký của kế toán trưởng. Trong quá trình trả lời điều tra viên và Hội đồng xét xử, bà Tuyết một mực khẳng định “sổ cái” mà Cơ quan điều tra đưa vào vụ án là tài liệu giả mạo, được ai đó cố tình lập nên để buộc tội vô căn cứ cho bà.

Còn rất nhiều căn cứ nữa mà Viện KSND TP. Hồ Chí Minh đã bỏ qua trong quá trình tố tụng khiến vụ án đã đi chệch theo một hướng khác.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Việt Đông