LTS: Nhiều phụ huynh học sinh trái tuyến tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) “tự nguyện” đóng góp tiền để nhà trường xây dựng cơ sở vật chất.
Trong khi công văn số 2794 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành ngày 30/6/2017 quy định không thu các khoản thu ngoài học phí nhưng các trường lại căn cứ công văn 6890 ban hành ngày 18/10/2010 cũng của Bộ Giáo dục về việc “hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo” để thu.
Nhiều luồng ý kiến cho rằng, việc lấy cớ tự nguyện để thu một khoản tiền lên đến vài triệu đồng của phụ huynh trái tuyến là “lách luật”.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có loạt bài phản ánh về tình trạng này.
Thu tiền trải qua ba bước
Liên quan đến việc thu tiền “ủng hộ” xây dựng nhà trường đầu năm, ông Đoàn Quý - Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Lợi (thành phố Huế) cho biết, việc thu tiền này đã được nhà trường chủ trương từ ba năm nay, sau khi có đề án gửi lên và được sự cho phép của thành phố.
Biên bản họp phụ huynh đầu năm của một lớp 1 thống nhất việc “ủng hộ” tiền xây dựng cho nhà trường (ảnh: TL) |
Ông Quý cũng cho hay, việc thu tiền trải qua các bước cụ thể, có sự đồng ý từ phía phụ huynh học sinh. Theo đó, việc thu tiền chỉ được triển khai sau khi nhà trường cùng với phụ huynh trải qua ba bước.
Theo đó, vào đầu năm học mới, nhà trường cùng với phụ huynh sẽ có một cuộc họp để bàn về kế hoạch của năm học mới. Tại đây, nhà trường cũng thông qua chủ trương, đưa ra kế hoạch thu tiền “ủng hộ” từ phụ huynh.
Phụ huynh trái tuyến phải đóng hàng triệu tiền "tự nguyện xây dựng trường" |
Tại cuộc họp này 100% phụ huynh nhất trí đồng ý về việc chủ trương xã hội hóa trong việc xây dựng trường.
Trong biên bản cuộc họp phụ huynh đầu năm vào ngày 25/6 nêu rõ “toàn thể phụ huynh lớp 1 nhất trí đóng góp tự nguyện kinh phí xây dựng dãy nhà C ở đường Trần Cao Vân”.
Sau cuộc họp phụ huynh đầu năm và có sự nhất trí, nhà trường đã làm tờ trình gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng tài chính, Ủy ban nhân dân thành phố Huế.
Thời gian sau, thành phố có công văn cho trường thu tiền vận động.
Công văn số 2579 do ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế ký ngày 24/7/2017 nêu, thống nhất cho trường Lê Lợi xã hội hóa để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất.
Trong quá trình thực hiện, yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố chỉ đạo các trường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh nghiêm túc thực hiện nghiêm túc quy định của nhà nước.
Cũng theo công văn này việc thu tiền”ủng hộ” được thực hiện tinh thần dựa trên thông tư 29/2012- TT-BGD&ĐT về việc quy định tài trợ cho các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Cùng với đó là công văn số 6890/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn sử dụng, quản lý các khoản đóng góp tự nguyện xây dựng cơ sở vật chất.
Sau đó, giáo viên chủ nhiệm từng lớp sẽ họp phụ huynh theo lớp để tiếp tục thảo luận về việc “ủng hộ” tiền. Hoàn thiện ba bước này trường mới thu tiền từ phụ huynh.
Chỉ có danh sách đóng tiền, chưa có biên lai
Theo ông Quý việc thu tiền “ủng hộ” không chỉ có thu ở học sinh ngoại tuyến mà còn thu ở nội tuyến.
“Trường hợp gia đình chính sách, hộ nghèo hay có hai con song sinh cùng học tại trường sẽ không vận động”, ông Quý thông tin. Theo nội dung trong một bản danh sách thu tiền “ủng hộ” mà một giáo viên cung cấp thể hiện họ tên phụ huynh và số tiền đóng.
Nếu trường thu các khoản ngoài học phí, phụ huynh hãy "giơ" công văn này |
Tuy nhiên khi được hỏi việc đóng tiền đã có biên lai hay chưa thì nhà trường cho biết chỉ mới có danh sách đóng số tiền “ủng hộ” chứ chưa có biên lai.
Theo giải thích của thầy Quý, sở dĩ chưa có biên lai bởi vì trường vẫn đang thu tiền “ủng hộ” nên chưa có danh sách cụ thể.
Ông Lâm Thủy – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế cho biết, việc “tự nguyện” ủng hộ để xây dựng trường học không chỉ có ở hai trường đã phản ánh mà còn có ở nhiều trường khác trên địa bàn thành phố.
Ông Thủy cho hay, mặc dù các trường khác vẫn có thu nhưng không nhiều như hai trường tiểu học Vĩnh Ninh và Lê Lợi.
Chính vì hai trường này nằm vị trí trung tâm lại là trường lớn nên đã có đề án xin với Phòng Giáo dục và Đào tạo để thu tiền “ủng hộ” từ phụ huynh học sinh và đã được Chủ tịch thành phố phê duyệt.
Tại trường tiểu học Lê Lợi đã được Chủ tịch thành phố phê duyệt cho huy động hàng năm với kinh phí theo hình thức tự nguyện để xây dựng trường.
Tại trường Vĩnh Ninh trung bình thu của mỗi học sinh 5 triệu tiền “ủng hộ” để làm phòng học đảm bảo 100% học sinh bán trú.
(Còn nữa)