Trách nhiệm của Hiệu trưởng đến đâu?
Vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2) ra lệnh tát học sinh 231 cái vì nói tục, khiến em này nhập viện đã bị Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) khởi tố điều tra.
Vụ việc Hiệu trưởng phát phiếu điều tra vụ học sinh bị tát 230 cái vào mặt là việc làm sai trái, phải bị kiểm điểm nghiêm khắc. Ảnh: NP |
Theo như phản ánh thì quy định của cô Thủy đã được áp dụng một thời gian. Bởi ngoài em N. thì nhiều học sinh khác cũng đã bị tát vào má nhưng chưa đến nỗi nhập viện.
Ở trong trường, có quy định “quái gở” như vậy, tại sao Phạm Thị Lệ Anh – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Duy Ninh (Quảng Ninh), với trách nhiệm là người đứng đầu, quản lý lại không phát hiện ra?
Bà này trả lời báo chí là quy định trên do cô Thủy tự đặt ra, còn nhà trường không rõ? Vậy bà đang thực hiện công tác quản lý, giám sát nhà trường như nào?
Đã vậy, khi sự việc bị vỡ lỡ, báo chí vào cuộc phanh phui sự thật thì bà Hiệu trưởng lại xin báo chí đừng đăng tin vì “nhà trường sắp được đạt chuẩn quốc gia”?.
Đáng lý ra, khi nhận được thông tin như vậy thì bà Hiệu trưởng phải khẩn trưởng kiểm tra, xác minh và đến thăm hỏi gia đình học sinh đang nhập viện và có giải pháp giúp học sinh của mình yên tâm tới trường chứ không phải là cách làm bưng bít thông tin.
Phải chăng, trong suy nghĩ của bà Anh thì việc nhà trường đạt chuẩn quốc gia còn quan trọng hơn việc tìm ra sự thật để giáo dục học sinh và sửa chữa sai lầm của giáo viên.
Đặt giả thiết, sự việc không bị phát hiện thì sẽ còn bao nhiêu học sinh phải gánh chịu cái quy định “quái gở” của cô Thủy. Sẽ còn bao nhiêu học sinh bị đánh đến sưng má, nhập viện cấp cứu?
Phụ huynh gửi con đến trường, ngoài việc mong muốn con cái học được những tri thức của nhân loại thì họ cũng muốn con mình học những điều hay, lẽ phải, học cách đối nhân xử thế…
Nhưng ở lớp 6.2 ngày hôm ấy, học sinh đã học được những gì? Đó là sự đối xử bạo lực, tàn nhẫn của cô giáo chủ nhiệm khi quay lưng đi để học sinh bị tát đến nhập viện, là sự bưng bít thông tin vì thành tích nhà trường của cô Hiệu trưởng.
Một tập thể giáo viên và quản lý như thế thì môi trường học tập, rèn luyện của học sinh sẽ ra sao?
Nạn nhân trong vụ việc không chỉ của em HLN. mà chính 23 em học sinh lớp 6/2 cũng phải gánh những áp lực, bị ép buộc phải dùng bạo lực đối với bạn mình.
Nỗi ám ảnh đó chỉ có thể mờ đi khi các em có được một môi trường giáo dục lành mạnh, đầy tính nhân văn.
Cái tát thứ 232
Vậy mà, khi dư luận chưa kịp thôi bức xúc, khi những tổn thương của các em học sinh chưa kịp nguôi thì vị Hiệu trưởng của ngôi trường này lại phát phiếu khảo sát và nội dung không khác gì “hỏi cung”.
Đáng lẽ bà Hiệu trưởng nên ổn định tinh thần của học trò, chờ đợi kết luận đúng sai của cơ quan công an thì bà đã giáng thêm một cái tát nữa vào nền giáo dục, đó là cái tát thứ 232.
Chưa bàn đến động cơ, mục đích của bà Anh khi phát phiếu điều tra là “gỡ tội” hay “đổ tội” của cho cô Thủy nhưng chỉ bằng việc gợi lại vụ việc đầy tính bạo lực cho những học trò mới 12-13 tuổi đã đủ thấy năng lực giáo dục của cô tới đâu.
Nhiều học sinh chắc vẫn chưa thể quên hình ảnh em HLN. phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng hai vá sưng vù, không ăn uống gì được, tâm lý bị sang chấn. Vậy tại sao phải bắt những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư đó phải nhớ lại?
Khi đọc những câu hỏi như: Khi tát bạn N., cô Thủy ra lệnh hay tự ý?, Cô Thủy có phải là người cuối cùng tát bạn N. không?, Cô Thủy đứng cùng chiều hay ngược chiều bạn N.?...chắc nhiều phụ huynh sẽ không khỏi bức xúc. Bởi các em chưa đủ tuổi để trả lời những “câu hỏi cung” đó.
Thêm nữa, phiếu khảo sát này lại yêu cầu các em học sinh phải ghi rõ họ tên của mình. Thử hỏi, có học sinh nào cảm thấy thoải mái khi viết ra những điều ấy.
Dù bà Hiệu trưởng có giải thích đó là phiếu khảo sát chứ không phải là phiếu điều tra thì đó cũng chỉ là ngụy biện.
Bởi đáng lẽ khi sự việc xảy ra, nhà trường phải biết cách hối lỗi, cầu thị để sửa sai chứ không phải tìm cách đùn đẩy trách nhiệm, vô cảm như vậy.
Các em đến trường là để học. Xin hãy để các em có một môi trường lành mạnh để học tập. Đừng sử dụng giờ học của các em để làm các vấn đề ngoài phạm vi “giáo dục” và cũng đừng để tâm hồn của các em bị nhiễm thói phản giáo dục.
Về xử lý trách nhiệm thì Phòng giáo dục đã yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc về việc làm sai trái, không đúng thẩm quyền của nhà trường trong sự việc trên.
Nhưng có lẽ, điều dư luận mong chờ nhất vẫn là sự xử lý nghiêm khắc đối với người đứng đầu nhà trường, chứ không phải chỉ là "nghiêm túc kiểm điểm".