Bao giờ áp dụng sách giáo khoa mới thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Giáo dục

03/11/2018 19:08
Đỗ Thơm
(GDVN) - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, việc tổ chức kỳ thi, triển khai sách khoa, chương trình phổ thông mới là trách nhiệm của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 3/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10.

Tại cuộc họp báo, các phóng viên tiếp tục dành sự quan tâm về lộ trình thực hiện sách giáo khoa mới, kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia.

Các phóng viên đặt câu hỏi, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Chính phủ đã thảo luận, xem xét thời điểm áp dụng sách giáo khoa mới và việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia sắp tới. Xin hỏi Bộ trưởng về quyết định của Chính phủ ra sao?.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ. ảnh: Chinhphu.vn
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ. ảnh: Chinhphu.vn

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, về chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới đã có Nghị quyết số 51/2017/QH14.

Theo đó, thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đảm bảo tuần tự trong từng cấp học, chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp đầu cấp của cấp tiểu học, từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học phổ thông.

Chỉ đạo của Chính phủ rất rõ đề nghị Bộ thực hiện đúng Nghị quyết 51 mà Quốc hội đã thông qua.

Về kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, Chính phủ yêu cầu bộ khắc phục những khó khăn, hạn chế, tồn tại của kỳ thi 2018 để thực hiện tốt cho năm 2019.

Về phía Bộ đã trình theo tinh thần là kỳ thi đảm bảo giảm áp lực, giảm khó khăn đối với người học đảm bảo đánh giá đúng độ tin cậy năng lực của học sinh, làm căn cứ để xét tốt nghiệp Trung học phổ thông đối với học sinh và đánh giá năng lực học tập của học sinh sau 12 năm học ở phổ thông.

Cùng với đó, có độ phân hóa nhất định để có cơ sở để xét tuyển đai học, trên tinh thần là tự chủ.

Bởi theo Luật Đại học được tự chủ trong tuyển sinh.

"Chính vì vậy, tại kỳ họp của Quốc hội, Bộ trưởng đã đưa ra 3 nhóm giải pháp khắc phục về vấn đề này", Thứ trưởng Độ cho hay.

Giải pháp thứ nhất là về ngân đề thi để làm sao đề thi phù hợp có sự phân hóa để vừa đánh giá được  năng lực học, vừa có độ phân hóa để có thể lựa chọn được thí sinh tốt vào đại học, cao đẳng.

Như vậy giải pháp đầu tiên là phải làm tốt ngân hàng đề thi

Thứ hai là giải pháp về khắc phục phần mềm để đảm bảo bảo mật trong quá trình chấm thi được tốt hơn

Thứ ba là giải pháp về kỹ thuật trong coi thi, cấm thi đảm bảo an toàn tăng cường để làm sao cho giáo viên chấm thi, nhất là chấm trắc nghiệm không phải giáo viên của tỉnh chấm trực tiếp bài của học sinh trong tỉnh.

Thứ trưởng khẳng định: "Bộ đã xây dựng 3 nhóm giải pháp để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Bên cạnh đó rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các địa phương cùng giúp cho giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ kỳ thi".

Nói thêm về vấn đề trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đây là thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. Ảnh: Chinhphu.vn
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. Ảnh: Chinhphu.vn

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Chính phủ nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo chứ Thủ tướng không kết luận hay quyết định việc này.

“Việc tổ chức kỳ thi, thực hiện lộ trình triển khai sách khoa, chương trình phổ thông mới là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tránh việc đùn đẩy lên Chính phủ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói thêm, về kỳ thi, Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng Nghị quyết 29. Về sách giáo khoa, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng Nghị quyết 51.

Đỗ Thơm