LTS: Thông tin thời gian tới, khi công bố khung chương trình tổng thể, chương trình bộ môn, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để đưa nội dung về các cuộc chiến tranh vệ quốc bảo vệ biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa mới gây xôn xao dư luận.
Vậy cảm xúc, suy nghĩ của thầy giáo dạy Lịch sử và học trò về nội dung này như thế nào? Trong bài viết này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chỉ ra điều đó.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trong bài viết: “Bộ Giáo dục sẽ đưa cuộc chiến tranh biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa” cho biết Bộ GD&ĐT khi công bố khung chương trình tổng thể, chương trình bộ môn, Bộ sẽ xem xét để đưa nội dung về các cuộc chiến tranh vệ quốc 1979, chiến tranh bảo vệ biển đảo vào sách giáo khoa mới với dung lượng phù hợp hơn.
Từ ý kiến của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, qua trao đổi, tiếp xúc trực tiếp với nhiều thầy cô giáo, học sinh ở Quảng Ngãi, đặc biệt là học sinh, giáo viên đang sống, học tập và công tác tại đảo Lý Sơn, chúng tôi nhận được nhiều tâm tư, nguyện vọng.
Thầy trò phấn khởi khi chiến tranh biên giới, hải đảo được đưa vào sách giáo khoa (Ảnh: vnexpress.net) |
Thầy Huỳnh Văn Long, Phó Hiệu trưởng, trường THPT Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết:
“Nghe được thông tin này, là người con của đất đảo, từng có Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải kiêu hùng, nhận được chỉ dụ của nhà Vua triều Nguyễn, hàng năm thay nhau lên đường ra đảo Hoàng Sa cai quản, gìn giữ biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của đất nước, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi và tự hào.
Lớp lớp cha ông và cháu con sinh sống trên huyện đảo tiền tiêu này luôn coi đảo Hoàng Sa, Trường Sa là nhà của mình, là chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc.
Nay đưa những nội dung, kiến thức cụ thể về Hoàng Sa, Trường Sa vào trong chương trình, sách giáo khoa môn Lịch sử để giảng dạy, giáo dục một cách đầy đủ, sâu sắc cho học sinh phổ thông, theo tôi là rất cần thiết, không thể trì hoãn lâu hơn nữa.”
Tôi còn nhớ, trong phần Đọc- hiểu của đề thi môn Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, có đề cập đến vấn đề biển đảo mang tính thời sự nóng hổi.
Có những tình tiết lịch sử chỉ thấy dân gian lan truyền(GDVN) - Tại sao nhắc đến chiến tranh chống các vương triều phong kiến Trung Quốc trước đây và cuộc chiến tranh biên giới 1978, 1979 bị xem là “ nhạy cảm”? |
Đó là vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam và có hành động khiêu khích, hung hăng căn phá lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam và công ước quốc tế về Luật biển năm 1982… được giới chuyên môn, thầy cô giáo và thí sinh đánh giá cao.
Tham gia chấm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm đó, tôi và các giám khảo khác rất xúc động trước tình cảm chân thành, nồng nàn về chủ quyền, biển đảo quê hương của mọi thí sinh qua mỗi bài viết.
Nhiều em có mong muốn nếu có điều kiện, sau này sẽ sẵn sàng đóng góp công sức của mình vào việc giữ gìn chủ quyền biển đảo.
Điều đó cho thấy các em học sinh, tuổi trẻ hiện nay không hề lạnh nhạt hoặc thờ ơ với sự kiện, lịch sử dân tộc mà trái lại rất quan tâm và có trách nhiệm qua bộc bày tình cảm của mình.
Em Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh lớp 11, trường THPT Ba Gia (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) bày tỏ: “Em yêu thích học môn Lịch sử từ hồi học cấp hai, vì nó có chứa đựng nhiều kiến thức, bài học hay, bổ ích, ý nghĩa về giá trị con người, cuộc sống, dân tộc, hòa bình…
Sự thật của chiến tranh vệ quốc chống xâm lược cần được đưa vào sách giáo khoa(GDVN) - Chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh chống xâm lược phía Bắc và cuộc chiến bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ từ đất liền tới hải đảo cần được đưa vào sách. |
Bức tranh Lịch sử được tái hiện đầy đủ, chân thực, nhất là sự kiện xảy ra gần đây như chiến tranh biên giới giữa Việt Nam- Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia, nội dung về biển đảo, Hoàng Sa, Trường Sa giúp cho chúng em có cái nhìn sâu chuỗi, toàn diện.
Từ đó, càng thêm yêu quý và trân trọng những giá trị, truyền thống bất khuất, anh hùng, nhân nghĩa… của dân tộc, cha ông qua các thời kỳ lịch sử.”
Thầy Lê Văn Linh, 51 tuổi, giáo viên Lịch sử, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Quảng Ngãi) kiến nghị:
“Sách giáo khoa hiện hành chỉ có nhắc đến vẻn vẹn 11 trang về cuộc chiến tranh biên giới diễn ra ngày 17/2/1979 Trung Quốc đồng loạt tấn công vào 6 tỉnh biên giới Việt Nam.
Giáo viên Sử chúng tôi dạy “không đã thèm”, còn học trò thì khá lơ mơ vì thiếu chi tiết, cụ thể, vì thời lượng hạn hẹp.
Chương trình, sách giáo khoa mới với mấy nội dung trên, người biên soạn cần thiết kế thành 1 – 2 bài riêng, với thời lượng từ 1 đến 2 tiết mới chuyển tải trọn vẹn.
Sự thật Lịch sử không thể né tránh, để con cháu, học sinh ta biết ngọn ngành mới tốt, mới đúng. Không chỉ có vậy, trong các chương trình, hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ tại nhà trường, cần có kế hoạch, hình thức tổ chức phong phú, sinh động, hiệu quả làm sâu sắc thêm những nội dung mới được vào sách giáo khoa”.