LTS: Vai trò của Hiệu trưởng là vô cùng quan trọng trong nhà trường. Để công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục ở nước ta hiệu quả, cần phải xác định về tiêu chuẩn của một Hiệu trưởng.
Thầy giáo Trần Trí Dũng chỉ ra một số nội dung xây dựng hình ảnh người Hiệu trưởng tốt, từ đó đóng góp một góc nhìn cho công cuộc đổi mới.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả bài viết!
Thực tế cho thấy, để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo thì việc đổi mới công tác quản lý được coi là khâu đột phá, có tính then chốt và quyết định sự thành bại.
Vì thế, ngành giáo dục cần thực hiện đổi mới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đổi mới về công tác quản lý giáo dục nói chung, cùng với đó là xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ quản lý nói riêng.
Công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước ta chính thức được Đảng ta khởi xướng và đề ra đường lối ghi nhận trong Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 trong đó đã chỉ rõ:
“Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.
Một Hiệu trưởng tốt sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho hoạt động giáo dục tại nhà trường. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn) |
Như thế, nếu như một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới là nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý giáo dục thì tại các cơ sở giáo dục, Hiệu trưởng là hạt nhân của quá trình đổi mới đó.
Việc đổi mới gắn với vai trò của người Hiệu trưởng là cần xây dựng một người Hiệu trưởng tốt, luôn kích hoạt cho cơ sở giáo dục của mình phát triển và luôn đảm bảo hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục.
Vì thế, bài viết này xin được đề cập về nội dung xây dựng hình ảnh người Hiệu trưởng tốt trong hoạt động giáo dục, từ đó đóng góp một góc nhìn cho công cuộc đổi mới.
Ở nhà trường phổ thông, Hiệu trưởng có vai trò quan trọng nhất trong quá trình thiết lập những định hướng, tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản lý và thúc đẩy các hoạt động khác tạo sự thành công cho trường học.
Vậy, thế nào là một Hiệu trưởng tốt?
Trước hết, một người Hiệu trưởng tốt phải có xuất phát điểm là một giáo viên giỏi.
Theo đó, một người giáo viên giỏi được đánh giá trên cơ sở của ba tiêu chí.
Một là, đó phải là một giáo viên giỏi về chuyên môn, kiến thức, vững vàng trong nghiệp vụ.
Người giáo viên giỏi phải nắm vững kiến thức và nghiệp vụ giảng dạy cả về chiều rộng và chiều sâu.
Người giáo viên giỏi phải luôn hiểu rõ những vấn dề mà mình dạy cho học sinh, hiểu học sinh của mình, biết học sinh mong muốn gì để từ đó có nội dung và phương pháp giảng dạy thích hợp.
Hai là, một người giáo viên giỏi phải là một giáo viên dạy giỏi. Theo đó, người giáo viên dạy giỏi phải có phương pháp giảng dạy thích hợp, linh hoạt và hiệu quả đối với nhiều đối tượng học sinh khác nhau.
Trong quá trình giảng dạy không áp đặt nhận thức mà luôn có sự khơi gợi nhằm phát triển tư duy của học sinh, để học sinh biết biến kiến thức của thầy thành kiến thức của mình trên nền tảng kiến thức nói chung.
Người giáo viên dạy giỏi phải luôn có sự đào sâu trong suy nghĩ để tìm ra những phương án giảng dạy tích cực, luôn giải quyết tốt các tình huống sư phạm phát sinh trong qúa trình giảng dạy.
Ba là, một người giáo viên giỏi phải có kết quả giảng dạy tốt, có hiệu quả đối với học sinh. Theo đó, học sinh học giáo viên giỏi phải luôn hiểu bài, có kết quả học tập tốt.
Trong giáo dục có một câu nói: “Không có thầy giỏi thì không có trò giỏi”.
Do đó, hiệu quả học tập của học sinh là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá một giáo viên giỏi.
Từ đó, có thể nói gọn lại, một giáo viên giỏi phải luôn vững vàng về năng lực chuyên môn và có hiệu quả cao trong việc giảng dạy đối với học sinh.
Thứ hai, một Hiệu trưởng tốt phải là một nhà lãnh đạo. Theo đó, yêu cầu của nhà lãnh đạo trong vai trò là một Hiệu trưởng là phải có một tầm nhìn luôn cao hơn những người đồng nghiệp của mình ít nhất một “cái đầu”.
Nhà lãnh đạo phải luôn có cách nhìn thích hợp để hoạch định kế hoạch hợp lý cho nhà trường hoạt động, từ đó đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn.
Người Hiệu trưởng phải luôn hiểu những người cấp dưới của mình mong muốn gì, đánh giá đúng khả năng và năng lực chuyên môn của họ để từ đó có những chỉ đạo thích hợp.
Điều đó cũng có nghĩa là nhà lãnh đạo phải luôn hiểu đúng về con người, từ đó biết dùng người để tổ chức con người và công việc cho thích hợp.
Thứ ba, Hiệu trưởng phải là một nhà quản lý. Do giáo dục là một loại hình lao động đặc thù nên nhà quản lý với vai trò là một Hiệu trưởng phải đảm đương hai nhiệm vụ.
Một là, quản lý về mặt chuyên môn, hai là quản lý về mặt nhân sự - con người. Để quản lý về mặt chuyên môn, Hiệu trưởng phải có khả năng bao quát các vấn đề về kỹ thuật và nghiệp vụ sư phạm trong quá trình giảng dạy.
Bao quát kiến thức để từ đó định hướng và định lượng, phân bổ nội dung giảng dạy ở từng bộ môn cho thích hợp, trên cơ sở chương trình giáo dục và học tập chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để quản lý về mặt nhân sự - con người, người Hiệu trưởng phải đặt ra chuẩn mực chung cho hoạt động của cơ sở, đánh giá đúng khả năng và vai trò của từng giáo viên tại cơ sở để sắp xếp công việc hợp lý.
Danh xưng, chứng chỉ, bằng cấp trong hệ thống giáo dục nước ta |
Từ đó, giải quyết tốt các tình huống phát sinh trong quá trình hoạt động.
Tuy nhiên, vai trò của Hiệu trưởng ở đây không chỉ là nhà quản lý đơn thuần mà trước hết họ còn phải là nhà giáo dục, vận dụng thành thạo cả khoa học quản lý lẫn khoa học giáo dục.
Do đó, Hiệu trưởng không chỉ là đóng vai trò thủ lĩnh dẫn dắt hội đồng sư phạm mỗi nhà trường mà còn là người biết truyền lửa, khích lệ đội ngũ các giáo viên để mỗi nhà giáo trong mỗi nhà trường hoàn thành trọng trách của mình.
Theo đó Hiệu trưởng chứ không phải ai khác trong nhà trường phải là người hỗ trợ đắc lực để mỗi nhà giáo thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Vì thế, Hiệu trưởng phải là người có tầm nhìn xa, bởi đó là một trong những điều kiện tiên quyết để nhà trường có thể đi đúng hướng và đi xa.
Mặt khác, một năng lực quan trọng nữa phải là khả năng đánh giá đúng người khác, và khả năng thu phục nhân tâm, bởi nhiệm vụ trọng yếu bậc nhất của Hiệu trưởng là đặt đúng người vào đúng chỗ.
Để có thể thu phục nhân tâm, Hiệu trưởng phải là người chính trực, chân thật, và có khả năng truyền cảm hứng. Và sự chính trực và chân thật được hiểu là nhất quán giữa suy nghĩ, lời nói và hành động.
Họ phải có một nhân cách ổn định, có niềm tin vững chắc vào những giá trị đạo đức cốt lõi và nói năng cẩn trọng.
Trên những cơ sở đó, ta có thể nói thu gọn như một công thức hình thành người Hiệu trưởng là: Hiệu trưởng = Nhà giáo giỏi + Nhà lãnh đạo + Nhà quản lý.
Thời nào cũng vậy và bất kỳ giai đoạn nào cũng vậy, Tâm - Trí - Đức luôn song hành với người giáo viên.
Đối với Hiệu trưởng yêu cầu được đặt ra lại còn cao hơn bởi xuất phát điểm là một người thầy và giờ là người quản lý.
Theo đó, người Hiệu trưởng phải luôn làm việc hết lòng vì học sinh, tận tụy với đồng nghiệp và công việc để từ đó có những quyết sách hợp lý.
Người Hiệu trưởng có phải có tầm hiểu biết không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn là những hiểu biết về xã hội và con người nói chung.
Am tường nhiều lĩnh vực và con người, nắm bắt đúng tâm lý học trò để luôn giữ đúng kỷ cương trong nhà trường, chuẩn mực trong hành xử là yêu cầu quan trọng đối với một Hiệu trưởng có tâm và có tầm trí tuệ.
Đạo đức luôn gắn chặt với nghề nhà giáo. Nếu không có đạo đức thì không có giáo dục. Đó là yêu cầu căn bản đầu tiên của nghề.
Tuy nhiên, đối với người Hiệu trưởng, tiêu chuẩn về đạo đức và nhân cách cách sống luôn được đặt lên hàng đầu.
Với tư cách là người lãnh đạo nhưng người Hiệu trưởng cũng là người thầy giáo nên không chỉ làm gương đối với các học trò của mình mà còn làm gương đối với đồng nghiệp của mình.
Trên thực tế, từ xưa tới nay, những người thầy thành đạt và nổi tiếng được học trò và nhân dân yêu quý đều là những thầy có ứng xử và nhân cách tốt đẹp.
Do đó, phong cách và nhân cách sống làm nên tư cách của người Hiệu trưởng.
Với tư cách đó, Hiệu trưởng phải giúp mỗi nhà giáo cũng phải có đủ phẩm chất, năng lực, nhân cách đủ lớn để làm tấm gương dẫn dắt học trò.
Đồng thời họ cũng phải là người nắm được những phẩm chất, năng lực cần có của học sinh của mình ở mỗi cấp học để từ đó có khả năng vận dụng thành thạo trong quá trình giảng dạy, giáo dục học sinh.
Chúng ta đang trong nhịp bước của quá trình đổi mới, vì thế người Hiệu trưởng phải luôn đi đầu trong phong trào đổi mới đó, để luôn là người truyền lửa đối với đội ngũ các nhà giáo.
Vừa đóng vai trò là người “đứng mũi, chịu sào”, vừa đóng vai trò là người thực hiện nhiệm vụ nên người Hiệu trưởng phải luôn nắm vững mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, để từ đó nghiên cứu tìm ra những quyết sách hợp lý cho cơ sở mình, cùng với đó là nói lên những tâm tư, nguyện vọng của các thầy cô giáo trong nhà trường mà mình phụ trách.
Những phẩm chất và bản lĩnh mà nhà lãnh đạo đích thực cần có |
Nếu như chất lượng giáo viên là một trong những yếu tố căn cốt quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục thì người Hiệu trưởng phải đóng vai trò là người nhạc trưởng trong dàn nhạc giao hưởng cùng hòa ca giai điệu đổi mới ấy.
Đó là người chỉ huy trong việc đạt được các mục tiêu căn bản của sự nghiệp đổi mới.
Với vai trò đó, người Hiệu trưởng phải biết phát triển năng lực nghề nghiệp và thực hành lao động của các giáo viên trong nhà trường, để từ đó thúc đẩy sự thành công trong học tập và nuôi dưỡng nguồn hạnh phúc của học sinh.
Ngoài ra, người Hiệu trưởng phải biết phối hợp, cam kết với gia đình và cộng đồng xã hội theo cách có ý nghĩa và cùng có lợi để thúc đẩy sự thành công trong học tập và hạnh phúc của mỗi học sinh.
Từ đó, điều kiện cần và đủ là có tâm, có tầm, có tài và có đạo đức là những tiêu chí quan trọng nhất để hình thành nên một người Hiệu trưởng ở mọi thời đại.
Vì thế, trong quá trình sống, lao động và học tập, người Hiệu trưởng phải luôn không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thiện bản thân, để luôn xứng danh là đầu tàu trong môi trường giáo dục, vì đó là nhân tố quan trọng quyết định thành công trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.