LTS: Nếu được nghe câu chuyện về một nhà giáo đi dọn dẹp vệ sinh trường học ngoài nhiệm vụ, liệu quý độc giả có thấy ngạc nhiên?
Đặc biệt, nếu người đó lại ở cương vị là một Hiệu trưởng nữa, thì việc này cũng thật khó tin.
Tuy nhiên, có một sự thật về tấm gương người thầy như vậy. Thầy giáo Trần Văn Tám chia sẻ cùng mọi người câu chuyện thực tế của một tấm gương thầy Hiệu trưởng tốt như thế.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Tôi nghĩ hiện tại bây giờ, có chuyện thầy cô giáo tự giác làm vệ sinh để giúp sân trường, phòng học được sạch sẽ là chuyện có thật chứ không phải chuyện đùa, chỉ có điều thầy cô ấy giấu hay không dám nói ra mà thôi.
Những người thầy ngoài nhiệm vụ chuyên môn dạy học ra còn âm thầm lặng lẽ tự nguyện tự giác quét rác lượm bọc làm vệ sinh trong sân trường.
Họ làm chuyện đó không phải để chơi nổi, lấy tiếng cho nhiều người biết đến hay qua công việc đó muốn ngầm báo động phê phán nhà trường không giữ vệ sinh cho sân trường sạch sẽ.
Chuyện quét rác đúng ra phải là nhiệm vụ của học sinh được phân công trực nhật hay nhân viên lao công thực hiện thường xuyên hàng ngày.
Các thầy giáo làm chuyện giữ môi trường sư phạm luôn sạch đó họ bỏ chuyện sĩ diện hay tự ái nghề nghiệp mà làm vệ sinh một cách tự giác tự nguyện mà trong lòng luôn vui vẻ phấn khởi.
Họ không sợ mọi người nhìn thấy mấy chuyện đó mà đánh giá này nọ hay là các thầy lo sợ từ những việc đó sẽ làm lu mờ hình ảnh, tư cách đạo đức của người thầy.
Theo tôi, chính những người thầy đó là hình ảnh hết sức đáng quý và trân trọng, và cũng là hình ảnh trực quan hết sức sống động để đội ngũ sư phạm và học sinh trong trường thấy vậy mà cố gắng giữ vệ sinh chung cho thật tốt.
Nhiều thầy giáo vẫn cống hiến mà không ngại làm việc ngoài giờ. (Ảnh minh họa từ Infonet) |
Nhân đây, tôi giới thiệu về thầy Hiệu trưởng mà trước đây tôi công tác cùng.
Vì trường học thiếu nhân viên, khuôn viên diện tích trường lại rộng, ngân sách trường lúc đó không có nguồn nào, khi nhà trường muốn sắm sửa chuyện gì phải làm văn bản đưa ra phòng giáo dục xét mới được cấp kinh phí.
Để tiết kiệm thu chi cho trường nên từ chuyện câu bóng đèn, đóng lại cái bảng cái bàn bị hư, rẫy cỏ sân trường thậm chí quét dọn nhà vệ sinh cho được sạch sẽ, chính thầy Hiệu trưởng đứng ra làm các việc đó.
Thầy làm việc không cho đội ngũ sư phạm biết cũng chẳng than vãn với một ai, bởi vì chuyện thầy làm diễn ra âm thầm vào ngày thứ bảy và chủ nhật.
Sau đó, tôi biết chuyện thầy dọn dẹp nhà vệ sinh do phụ huynh gần trường thấy và phản ánh cho tôi biết.
Có dịp tôi ngồi nói chuyện tâm sự và tôi có hỏi thầy qua chuyện đó. Thầy bảo là thầy có trực tiếp rẫy cỏ và dọn dẹp nhà vệ sinh, thầy tự giác làm như vậy vì bản thân thầy thấy nhà trường có bộ mặt sư phạm không được sáng sủa.
Thầy làm như thế còn do nhân viên của trường đều được phân công việc rõ ràng đúng theo nhiệm vụ từng người.
Giờ mà mình bảo họ làm thêm mấy chuyện này chắc họ không chịu làm vì họ sẽ than và lý giải không đúng chuyên môn, còn mướn người làm thì nhà trường lấy tiền đâu mà trả.
Tôi đem câu chuyện này nói với các thầy trong trường nghe, nghe xong các thầy đâu có chê thầy Hiệu trưởng trái lại các thầy cảm phục thầy Hiệu trưởng hơn.
Bởi vì công việc làm quản lý của thầy đã mất nhiều giờ, ngày nghỉ lại không giúp gia đình mà đến trường làm mấy chuyện “không giống ai”, “tréo cẳng ngỗng” như vậy.
Rồi các thầy đề nghị từ đây nhà trường muốn anh em hỗ trợ làm công việc nào đó thì thầy Hiệu trưởng nói lên cho anh em biết mà cùng nhau hưởng ứng làm chứ đừng một mình Hiệu trưởng đứng ra làm như thế nữa.
Chính từ hình ảnh làm việc quên mình vì học sinh thân yêu của thầy Hiệu trưởng mà đội ngũ giáo viên, công nhân viên trong trường biết đoàn kết và chung tay góp sức làm công việc nào đó có ích chung mà không một ai lên tiếng than vãn hay đòi quyền lợi này, yêu sách nọ.
Chuyện kể là kỷ niệm, góc nhìn, cách hành văn của riêng tác giả.