Thế nào là một Hiệu trưởng tốt?

23/08/2016 06:53
Phạm Thị Ly
(GDVN) - Một năng lực quan trọng của Hiệu trưởng phải là khả năng đánh giá đúng người khác và khả năng thu phục nhân tâm.

LTS: Ở Việt Nam, lộ trình của một Hiệu trưởng thường xuất phát từ giáo viên có chuyên môn giỏi, có phẩm chất đạo đức rồi lên làm tổ trưởng chuyên môn hoặc tham gia công tác đoàn.

Nếu họ có năng lực quản lý thì được đề bạt, bổ nhiệm làm phó Hiệu trưởng, sau đó làm Hiệu trưởng. 

Có nghĩa là, hiệu trưởng xuất phát từ giáo viên giỏi, có kinh nghiệm giảng dạy nhưng lại chưa được đào tạo bài bản, vì thế có thể chưa quen với tư duy quản lý giáo dục tiên tiến và chưa có điều kiện mở rộng tầm nhìn trong hoạt động quản lý.

Tiếp tục chủ đề “Tiêu chuẩn bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Đại học ở Mỹ khác Việt Nam như thế nào?”, hôm nay, giảng viên Phạm Thị Ly (làm việc tại Viện Đào tạo Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Đánh giá giáo dục Đại học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) nêu ra một số tiêu chí và sự khác biệt khi bầu chọn Hiệu trưởng giữa thực tiễn của Mỹ và Việt Nam. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Những đức tính mà một Hiệu trường cần có

Hiệu trưởng là nhân vật trung tâm ở điểm giao nhau giữa nhiều bên khác nhau của trường Đại học. 

Người ta ngày càng nhấn mạnh đặc điểm này của trường Đại học: Nó là một thực thể có nhiều bên liên quan khác nhau. 

Đó là Nhà nước (trung ương và địa phương); các doanh nghiệp và giới tuyển dụng lao động nói chung; giới truyền thông; các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp chuyên môn trong đó có tổ chức kiểm định chất lượng; giới đầu tư, giảng viên và sinh viên; và cuối cùng là công chúng nói chung. 

Mỗi bên có những kỳ vọng và lợi ích khác nhau đối với trường Đại học.
 
Một người Hiệu trưởng tốt phải biết cân bằng lợi ích của các bên nhằm bảo đảm sự ổn định và phát triển hướng tới mục tiêu của nhà trường.

Hiệu trưởng là người lãnh đạo và dẫn dắt một tổ chức thực hiện sứ mạng của nó, khác với người quản lý là người thực thi các quyết định của lãnh đạo nhà trường và đưa những quyết định đó thành kết quả thực tế. 

Biếm họa minh họa của Satế
Biếm họa minh họa của Satế

Vì thế, Hiệu trưởng phải là người có tầm nhìn xa, bởi đó là một trong những điều kiện tiên quyết để nhà trường có thể đi đúng hướng và đi xa.  

Một năng lực quan trọng của Hiệu trưởng phải là khả năng đánh giá đúng người khác, và khả năng thu phục nhân tâm, vì nhiệm vụ trọng yếu bậc nhất của Hiệu trưởng là đặt đúng người vào đúng chỗ. 

Để có thể thu phục nhân tâm, Hiệu trưởng phải là người chính trực, chân thật, và có khả năng truyền cảm hứng. 

Chính trực và chân thật được hiểu là nhất quán giữa suy nghĩ, lời nói và hành động. Họ phải có một nhân cách ổn định, có niềm tin vững chắc vào những giá trị đạo đức cốt lõi, nói năng cẩn trọng. 

Kỹ năng có thể học, kinh nghiệm có thể tích lũy, nhưng những phẩm chất này hầu như rất khó thay đổi: một người không có những phẩm chất này thì rất khó hy vọng một lúc nào đó họ sẽ có. Những phẩm chất này giúp họ tạo ra sự đồng thuận và tinh thần cùng chia sẻ mục tiêu chung trong một tổ chức.

Thế nào là một Hiệu trưởng tốt? ảnh 2

Tiêu chuẩn bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Đại học ở Mỹ khác Việt Nam như thế nào?

(GDVN) - Tuyển chọn Hiệu trưởng là một việc có tầm quan trọng sống còn đối với bất cứ trường Đại học nào. Tại Hoa Kỳ, họ tuyển chọn Hiệu trường khác gì so với Việt Nam?

 
Hiệu trưởng là người phải ra quyết định trong nhiều vấn đề trọng yếu của nhà trường, vì thế người ta chờ đợi Hiệu trưởng là người kiên định trong mục tiêu, đồng thời mềm dẻo trong giải pháp. 

Nhất là trong bối cảnh hiện tại, năng lực lãnh đạo mạnh mẽ hiểu theo nghĩa mọi hành động đều hướng tới mục tiêu, là điều rất cần để nhà trường không lạc hướng bởi những tác động nhất thời. 

Đặc biệt, Hiệu trưởng phải cân nhắc mọi quyết định trên cơ sở lợi ích của nhà trường chứ không phải lợi ích của nhóm nhỏ và càng không phải là dựa trên được mất của cá nhân mình.

Luật giáo dục Đại học Việt Nam quá cứng nhắc


Cách lựa chọn Hiệu trưởng của Hoa Kỳ dựa trên nền tảng tinh thần đồng quản trị (shared-governance) trong đó những quyết định quan trọng thường là kết quả của một quá trình làm việc cùng nhau sao cho quyết định ấy bao hàm được tiếng nói của các bên liên quan khác nhau. 

Đó là một quá trình cọ xát giữa những tiếng nói và quan điểm đa dạng để đạt đến sự đồng thuận nhờ hướng về cùng một mục tiêu và chia sẻ chung những giá trị. 

Thành phần của hội đồng tìm kiếm bao gồm những người thuộc các nhóm khác nhau, nhưng khi tham gia việc tìm kiếm, họ không những không dựa trên lợi ích cá nhân của mình, mà thậm chí cũng không dựa trên lợi ích của nhóm người mà họ là đại diện. 

Trái lại, họ tham gia hội đồng là để nhìn lợi ích của nhà trường như một tổng thể theo quan điểm của nhóm người họ có trách nhiệm thay mặt. 

Thế nào là một Hiệu trưởng tốt? ảnh 3

Muốn đổi mới giáo dục, trước hết phải thay Ban giám hiệu

(GDVN) - Hàng năm, nhà trường nên tổ chức thi tuyển Ban giám hiệu một cách công khai để giáo viên có thể cạnh tranh công bằng.

Vì thế, họ có thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho nhà trường, bởi những quyết định đó không bị lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm làm lệch hướng.

Trong một cơ chế như thế, có rất ít khả năng để một người không xứng đáng bước vào vị trí lãnh đạo nhà trường.

Điểm thứ hai đáng lưu ý là vấn đề “tiêu chuẩn cứng”. 

Luật giáo dục Đại học Việt Nam đang có quy định rất chi tiết về tiêu chuẩn bổ nhiệm Hiệu trưởng.  Điều này có thể là do dựa trên tư duy “quản lý”, sợ “buông ra là loạn”, nhưng thực chất là do thiếu lòng tin vào người dân, và hệ quả là đánh mất những ứng viên xuất sắc. 

Chúng ta cần nhìn vào thực tế, là những tiêu chuẩn cứng đó không hạn chế được việc đưa những người chưa xứng đáng vào vị trí Hiệu trưởng.

Đạt được mọi tiêu chuẩn mà Luật giáo dục Đại học quy định cho vị trí Hiệu trưởng hoàn toàn không có nghĩa là có đủ năng lực và đặc biệt, phẩm chất lãnh đạo cần cho vị trí này. 

Ngược lại, nhiều người có những năng lực ấy và đã được chứng minh trong thực tế, lại có thể chưa có bằng tiến sĩ, ví dụ như trường hợp bà Đàm Bích Thủy của Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), hoặc bà Tôn Nữ Thị Ninh với dự án Trí Việt University trước đây. 

Vì thế chúng ta cần xem xét lại liệu có cần Luật phải quy định cụ thể như vậy về tiêu chuẩn bổ nhiệm hay không?

Thực tế là, Luật Giáo dục Đại học Việt Nam quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm hiệu trưởng có vẻ rất chặt chẽ chi tiết (quy định cụ thể về bằng cấp tối thiểu, số năm kinh nghiệm, tuổi tác, ...) nhưng thật ra lại rất lỏng lẻo, vì những tiêu chuẩn được nêu trong quy định hoàn toàn không nói lên điều gì về những phẩm chất mà một người lãnh đạo nhà trường cần có. 

Vì thế, thay vì quy định chi tiết như vậy, có thể cân nhắc đến việc trao trọn quyền lựa chọn Hiệu trưởng cho các trường.

Khi các trường được đặt trong tình thế phải có người giỏi dẫn dắt để có thể tồn tại, họ sẽ biết rõ phải lựa chọn ai và như thế nào.

Phạm Thị Ly