Có dòng sông nào không bên lở bên bồi?

26/04/2017 08:41
Xuân Dương
(GDVN) - Thay đổi thù hận trong quá khứ bằng tấm lòng vị tha, bằng niềm tin vào sự bao dung, nhân ái sẽ làm cho người ta sống thanh thản.

Những người sinh vào những năm 70 thế kỷ trước giờ đã trên dưới 40 tuổi, đã là lớp trung niên thuộc vào diện người xưa gọi là "Tứ thập nhi bất hoặc". 

“Nhi bất hoặc” nghĩa là khi tới 40 tuổi người ta có thể hiểu thấu sự việc trong thiên hạ, phân biệt được phải trái, biết được điều gì nên hay không nên làm. 

Khi ngoài 40 tuổi, sự “chín” về tư duy cho phép người ta nghe lời nói, nhìn việc làm biết được ai là người tốt kẻ xấu, ai là người yêu nước thương dân. 

Tuy nhiên không phải tất cả mọi người ở tuổi 40 đều “nhi bất hoặc”. Muốn đạt tới trạng thái "nhi bất hoặc" con người phải gạt bỏ những hiềm khích cá nhân, phải nhìn sự việc bằng cái “Tôi” lớn chứ không phải cái “tôi” bé. 

Thay đổi thù hận trong quá khứ bằng tấm lòng vị tha, bằng niềm tin vào sự bao dung, nhân ái sẽ làm cho người ta sống thanh thản. 

Có dòng sông nào không bên lở bên bồi? ảnh 1

Một trái tim luôn thổn thức về vận mệnh dân tộc

Nếu luôn coi mình là đúng, không tự thay đổi mình, sống trong nhà còn khó chứ đừng nói sống với người tứ xứ.

Hai mươi tám năm trước - ngày 9/11/1989 - bức tường chia đôi thủ đô Berlin bị phá bỏ, nước Đức thống nhất bắt tay vào xây dựng một quốc gia hòa hợp và hòa giải, không hề có định kiến giữa người dân hai miền Đông và Tây Đức, cũng không có định kiến giữa người dân trong nước với kiều dân Đức ở nước ngoài. 

Thủ tướng Đức hiện nay, bà Angela Merkel vốn là một cán bộ Đoàn Thanh niên Tự do Đức (Đông Đức) và là công dân đầu tiên xuất thân từ nước Đức cộng sản (Cộng hoà Dân chủ Đức) trở thành lãnh đạo nước Đức tư bản từ năm 2005. 

Nước Đức ngày nay không có sự phân biệt người dân Tây Đức với Đông Đức như 28 năm trước.

Nhờ sự hòa hợp, hòa giải ấy, nước Đức nhanh chóng vượt qua sự tàn phá trong thế chiến 2, trở thành nền kinh tế mạnh nhất châu Âu và thứ tư thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản).

Để xây dựng một nước Việt Nam theo tiêu chí “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” bên cạnh những chủ trương đúng đắn của Nhà nước, không thể thiếu sự đoàn kết toàn dân, bao gồm cả những người Việt sinh sống ở nước ngoài.

Để xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh không thể thiếu sự đoàn kết toàn dân. (Ảnh minh họa: Congly.vn)
Để xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh không thể thiếu sự đoàn kết toàn dân. (Ảnh minh họa: Congly.vn)

Về phía Nhà nước, chủ trương hòa hợp, hòa giải đã được đề cập trong nhiều diễn đàn, đã được các vị lãnh đạo thường xuyên đề cập.

Vấn đề còn lại là đưa chủ trương ấy vào cuộc sống, điều này đòi hỏi cả giới lãnh đạo lẫn người dân, không phân biệt họ đứng bên nào trong quá khứ.

Báo Laodong.com.vn cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 22/7/2016 trong bài “Tranh cá ba miền ủng hộ chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa” viết: 

Đây là chương trình do các nhà báo Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Thế Thanh, Huy Đức cùng nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình và Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu khởi xướng từ 7/1/2014, nhằm tri ân gia đình những người lính đã tham gia, đã ngã xuống trên các trận tuyến chống quân Trung Quốc xâm lược, đặc biệt là hai trận hải chiến Hoàng Sa 1974 và Gạc Ma 1988”.

Báo Thanhnien.vn trong bài “Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại” viết:

Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ cuộc chiến bi hùng ấy, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử để hiểu thêm dã tâm xâm lược của cường quốc láng giềng, để thấy sự bất khuất của những người con đất Việt, và để củng cố bằng chứng và niềm tin rằng, Hoàng Sa mãi mãi là một phần của đất mẹ Việt Nam”. [1]

Chuyện về hai lần khóc trong đời ông Nguyễn Cao Kỳ

(GDVN) - Cả cuộc đời ông được ghi dấu bởi sự kiện, có thể là chính sử, cũng phần nhiều là giai thoại nhưng đậm tính cách ngang tàng và dữ dội.

Từ năm 2010, Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh chính thức trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh cho những công trình xuất sắc thuộc bốn hạng mục: “Dịch thuật; Nghiên cứu; Vì Sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục và Việt Nam học”. 

Sự khác biệt của Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh là không phân biệt quốc tịch của tác giả, miễn là thỏa mãn các tiêu chí:

Thứ nhất, các giải thưởng của Quỹ chỉ trao cho tác phẩm của các tác giả còn sống.

Thứ hai, các giải thưởng của Quỹ không trao cho các tác phẩm đã được các giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước. 

Thứ ba, tác phẩm đoạt giải phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cụ thể về thời gian và chất lượng của từng giải do Hội đồng Khoa học của Quỹ đưa ra
”. [2]

Những năm gần đây Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh cho các tác giả trong và ngoài nước, có nhiều người từ nước ngoài về tham dự và nhận giải.

Kiều bào Thái Lan tặng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tượng phật nhân dịp gặp gỡ Xuân quê hương 2017, ảnh của Tuổi Trẻ
Kiều bào Thái Lan tặng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tượng phật nhân dịp gặp gỡ Xuân quê hương 2017, ảnh của Tuổi Trẻ

Nêu một vài dẫn chứng để thấy, nỗ lực hòa hợp, hòa giải trong việc đánh giá công bằng quá khứ, gác lại bất đồng, cùng nhau hướng tới tương lai chính là khát vọng cháy bỏng trong trái tim mỗi người con dân đất Việt. 

Cũng như dòng sông với bên bồi bên lở, một cộng đồng cư dân bao giờ cũng có chuyện “chín người mười ý”. 

Ở nơi này, nơi khác nếu có những tiếng nói không cùng dòng chảy hòa giải, hòa hợp dân tộc âu cũng là điều bình thường.

Gần đây nhất là chuyện lấy mốc thời gian 1975 để xem xét việc cấp phép hay không cấp phép biểu diễn một số ca khúc. 

Tại sao lại chọn năm 1975 khi mà các ca khúc dẫu sáng tác vào thời điểm nào cũng có thể phù hợp hoặc không phù hợp với “luật - lệ” hiện hành? Phải chăng việc chọn năm 1975 làm mốc phân định chính là rơi rớt còn sót của một định kiến xưa cũ cần xóa bỏ?

Tờ báo nổi tiếng Anh Quốc (Bbc.com/Vietnamese) ngày 24/2/2017 trong bài “Bà Janet Nguyễn bị đưa ra khỏi phòng họp thượng viện” tường thuật việc công dân Mỹ gốc Việt Janet Nguyễn lên tiếng chỉ trích ông Tom Hayden, nhà hoạt động từng tham gia phản đối chiến tranh Việt Nam (đã qua đời tháng 10/2016) như sau: 

Chỉ vài chục giây sau khi phát biểu, bà Janet Nguyễn nhiều lần được yêu cầu ngừng, yêu cầu ngồi xuống trước khi mic bị tắt và Thượng nghị sỹ Bill Monning nói bà vi phạm nội quy, đồng thời yêu cầu nhân viên an ninh đưa ra khỏi phòng họp thượng nghị viện California”. [3]

Đánh giá những gì bà Janet Nguyễn phát biểu tại thượng viện bang California, một số nghị sĩ bang và công dân Mỹ cho rằng “những bình luận của bà Nguyễn là thiếu tôn trọng và không phù hợp” hoặc “bà ấy đã làm được điều mà bà ấy muốn, là không được nói. Bà ấy muốn gây xôn xao cho địa hạt của mình”… [3]

Bằng cách “vi phạm nội quy”, “thiếu tôn trọng và không phù hợp”, làm tổn thương người đã khuất (ông Tom Hayden) chỉ để “gây xôn xao cho địa hạt của mình” có phải là hành động vì cộng đồng người Mỹ gốc Việt hay chỉ là phục vụ những toan tính cá nhân nào đó?

Hành động của bà Janet Nguyễn - theo đánh giá của người Mỹ - chỉ là “không phù hợp” với “tiêu chuẩn Mỹ” hay cũng không phù hợp với nguyện vọng hòa hợp, hòa giải của đa số người Việt sinh sống ở nước ngoài?

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama từng khẳng định: “khu vực Đông Nam Á là ngôi nhà của lòng nhân ái, với những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới. Và đó là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của tôi”. [4]

Nên biết rằng chính khách tầm cỡ Obama không nói những lời sáo rỗng. Ý nghĩa chính trị, ngoại giao trong các phát biểu của người đứng đầu Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ trên diễn đàn quốc tế luôn là đề tài cho những nghiên cứu sau này.

Có dòng sông nào không bên lở bên bồi? ảnh 4

Tinh thần Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 bất diệt

Khi đích thân Tổng thống Mỹ khẳng định Đông Nam Á là “ngôi nhà của lòng nhân ái” thì cũng có nghĩa là Việt Nam - thành viên có trách nhiệm và uy tín trong ngôi nhà chung đó - chính là một trong những điểm tựa của truyền thống nhân văn cao đẹp này.

Và không lý gì những người mang dòng máu Việt lại phủ nhận sự thật hiển nhiên đó bằng cách đào bới quá khứ, cố tình làm sưng tấy vết thương chiến tranh đã lành sau gần nửa thế kỷ.

Nếu có ai đó cùng quan điểm với bà dân biểu vùng California, thiết nghĩ cũng nên tìm hiểu kỹ lưỡng văn hóa Mỹ, cũng nên hỏi tại sao ông Obama không “trừ Việt Nam ra” khi nói về “ngôi nhà của lòng nhân ái” của các quốc gia Đông Nam Á? 

Sẽ rất tốt đẹp nếu những phản biện nhằm tới mục tiêu để đất nước trở nên văn minh hơn, dân chủ hơn, cường thịnh hơn, để người Việt dù cầm trên tay tấm hộ chiếu của bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền tự hào, rằng dòng máu chảy trong huyết quản mình là dòng máu con Lạc, cháu Hồng.

Kỷ niệm ngày 30 tháng 4, không cần thiết phải hỏi nhau đó là “ngày thống nhất”, “ngày chiến thắng” hay “ngày hòa hợp”. 

Đó là ngày kể từ đó, bất cứ công dân Việt Nam nào cũng có thể đi du lịch từ “Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”, từ Cao nguyên Đồng Văn ở địa đầu phía bắc đến đảo Thổ Chu ở cực Nam tổ quốc.
 

Có dòng sông nào không bên lở bên bồi? ảnh 5
Đón người thân về quê ăn tết tại sân bay Thành phố Hồ Chí Minh: Ảnh: Hữu Khoa

Đó cũng bắt đầu một thời kỳ cứ mỗi dịp Tết đến, hàng nghìn bà con Việt kiều lại trở về thăm quê hương và người thân. 

Là thời kỳ mà Khánh Ly, Chế Linh, Nguyễn Cao Kỳ Duyên và hàng loạt ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn, hàng loạt doanh nhân Việt kiều về nước đầu tư mang lại lợi ích cho bản thân và cũng là góp phần xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, văn minh, dân chủ. 

Dòng sông nào cũng có đôi bờ, đôi bờ nào cũng có bên bồi, bên lở. Dẫu lịch sử có biến động, con người có cố tình đắp đập ngăn sông thì dòng sông vẫn chảy.

Liệu có thể tìm thấy trên hành tinh này một dòng sông không có bên lở bên bồi?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương trong bài hát “Chảy đi sông ơi” viết: “Sông mấy ngàn năm tuổi, miệt mài chảy mãi không nguôi, chuyện bao đời sông biết cả, mà sao vẫn trẻ mãi, không già”. 

Dòng sông trong ca khúc vừa là hình ảnh thực của những “dòng sông Mẹ” đã tạo nên đồng bằng Sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, đó cũng là hình ảnh của dòng sông thời gian, dòng chảy lịch sử đã góp phần hình thành nên nước Việt và dân tộc Việt hôm nay.

Góp phần làm thay đổi hiện trạng suy thoái văn hóa, trì trệ kinh tế của đất nước bằng những tiếng nói chân tình bao giờ cũng khó hơn là đả phá và kích động. 

Nhìn vào truyền thống nhân ái, lòng yêu nước của người Việt để tin tưởng, rằng dân tộc này đã kịp nhận ra những sai lầm về làm ăn kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo dục thế hệ trẻ,… 

Đã nhận được cái giá phải trả cho những quyết định duy ý chí và vì thế chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn để xứng đáng với truyền thống dựng nước và giữ nước mà thế giới ngưỡng mộ.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://thanhnien.vn/chinh-tri-xa-hoi/hai-chien-hoang-sa/hai-chien-hoang-sa-40-nam-nhin-lai-6168.html

[2] http://www.vusta.vn/vi/news/Guong-Dien-hinh/Quy-Van-hoa-Phan-Chau-Trinh-mot-Quy-xa-hoi-tieu-bieu-57534.html

[3] http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39078569

[4] http://infonet.vn/nu-co-van-goc-viet-dac-biet-trong-phai-doan-tong-thong-obama-tham-viet-nam-post199431.info

Xuân Dương