Cô ơi, chúng em nhớ cô!

15/11/2018 06:00
Bài và ảnh: Phan Tuyết
(GDVN) - Buổi chia tay cô, cả lớp đã khóc như mưa, cô và trò cùng bịn rịn không rời.

LTS: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ bài viết về người đã gieo mầm cho cô ước mơ trở thành nhà giáo.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hằng năm, cứ đến ngày 20/11 lòng tôi lại da diết nhớ về cô giáo cũ người đã gieo mầm và thúc đẩy ước mơ trở thành nhà giáo trong tôi trở thành thành hiện thực. 

Hơn 30 năm ấy, lần đầu tiên cô xuất hiện trên lớp và thông báo “cô chính thức là cô giáo chủ nhiệm của lớp ta”.

Lúc ấy, chúng tôi chưa biết nhiều về cô (vì cô mới chuyển về trường giảng dạy) chỉ thấy rằng cô rất đẹp, nói chuyện lại vô cùng cuốn hút.

Cô giới thiệu “Tôi là Đỗ Minh Nguyệt hiện đã có gia đình và có 2 con.

Tôi rất vinh dự khi được nhà trường tin tưởng giao cho phụ trách lớp mình. Tôi mong chúng ta sẽ hợp tác thật tốt”.

Cô nói thế vì lớp chúng tôi lúc ấy là lớp chọn văn của trường.

Cô giáo Đỗ Minh Nguyệt
Cô giáo Đỗ Minh Nguyệt

Bài học hôm ấy, chúng tôi như bị cuốn vào từng lời giảng đầy truyền cảm và sâu lắng của cô.

Bài dạy không còn gói gọn vào những trang sách giáo khoa mà chúng tôi vẫn thường được học.

Cô đã mở ra cho chúng tôi biết bao là kiến thức bổ trợ, những tác phẩm văn học nổi tiếng trước đó và cùng thời, những tác giả và tác phẩm văn học cần đọc…

Thư viện thời đó cũng không có nhiều sách như bây giờ, để tìm những tác phẩm hay cũng chẳng hề đơn giản.

Thế mà tủ sách của cô chúng tôi có thể tự do mượn đọc. Những điều chưa hiểu lại cùng cô trò chuyện, trao đổi.

Có lẽ vì thế mà vốn kiến thức văn học của chúng tôi ngày một nhiều hơn.

Nhiều người ví cô không giống một giáo viên đang giảng bài mà giống một nghệ sĩ đang biểu diễn hơn.

Những bài giảng của cô luôn cuốn hút chúng tôi vì nhiều điều mới lạ nhưng vô cùng sâu sắc.

Tiếng trống báo hết giờ luôn làm chúng tôi nuối tiếc và hào hứng chờ đợi ở những tiết học sau.

Giờ đây, cô Nguyệt không còn đứng trên bục giảng nhưng cô vẫn đảm nhận công việc ở hội khuyến học thị trấn Quảng Xương (Thanh Hoá).
Giờ đây, cô Nguyệt không còn đứng trên bục giảng nhưng cô vẫn đảm nhận công việc ở hội khuyến học thị trấn Quảng Xương (Thanh Hoá).

Cô không chỉ dạy kiến thức, cô dạy chúng tôi cả những điều đôi khi cha mẹ vì cuộc sống mưu sinh mà quên khuấy.

Là giáo viên chủ nhiệm, cô nắm rõ hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp để giúp đỡ, động viên một cách kịp thời.

Tôi là cán bộ lớp nên luôn có vinh dự được gần gũi cô nhiều hơn các bạn.

Thời đó, chúng tôi chỉ học một buổi ở trường, buổi còn lại ở nhà tự học.

Thế nhưng vì muốn trang bị thêm cho chúng tôi nhiều kiến thức để thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp và đại học, cô đã bỏ công dạy kèm nhưng không thu một đồng học phí. 

Cô ơi, chúng em nhớ cô! ảnh 3Người thầy sinh viên của chúng tôi

Còn nhớ, đầu năm học lớp 12, chúng tôi nhận được tin cô không còn làm chủ nhiệm nữa mà giao cho một thầy giáo vừa có bằng thạc sĩ văn học.

Có lẽ nhà trường cũng nghĩ, chúng tôi sắp thi đại học nên tăng cường giáo viên có thâm niên nghề nhiều năm và học vấn cao hơn.

Buổi chia tay cô, cả lớp đã khóc như mưa, cô và trò cùng bịn rịn không rời.

Cô an ủi “cô vẫn ở trong trường, cô trò chúng mình vẫn thường xuyên gặp nhau. Các em cần gì cứ nói, cô sẽ sẵn sàng giúp hết sức có thể”.

Xa cô mới một tuần, lớp chúng tôi bần thần, nhớ cô đến da diết.

Những giờ học văn đã không còn hấp dẫn và được chờ đợi mặc dù thầy chủ nhiệm khá cứng về chuyên môn. Lực học của chúng tôi sút giảm nghiêm trọng. 

Chẳng biết sức mạnh nào thúc đẩy mà chúng tôi đã làm đơn kiến nghị nhà trường xin cô về chủ nhiệm lại.

Cả lớp đã đồng loạt kí tên gửi thầy hiệu trưởng. Ngày ấy, chuyện như thế đã gây bất ngờ cho khá nhiều thầy cô trong trường vì không ngờ chúng tôi lại “to gan” đến như thế.

Có lẽ do lời cầu xin quá thống thiết lại thấy thực trạng lớp chúng tôi học hành sa sút hẳn trong giai đoạn đang cần tăng tốc nhất.

Cô ơi, chúng em nhớ cô! ảnh 4Tháng 11 và mong ước của thầy cô

Nhà trường đã phải nhượng bộ và cô đã được trở về. Chẳng thế nói hết niềm vui lúc đó.

Chỉ biết rằng, cứ sau buổi học chúng tôi lại mong ngóng được đến trường, được học và được gặp cô. 

Không chỉ mình chúng tôi, thế hệ học sinh nào học tại ngôi trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1 cũng đều khao khát được học trực tiếp với cô.

Và khi đi xa rồi, ai cũng luôn nhớ về cô như một người mẹ, người chị hiền đúng nghĩa.

Giờ đây, cô không còn đứng trên bục giảng nhưng cô vẫn đảm nhận công việc ở hội khuyến học thị trấn Quảng Xương (Thanh Hoá).

Bởi chúng tôi biết, dù không giảng dạy nhưng cô vẫn đang miệt mài cống hiến sức mình cho sự nghiệp giáo dục bằng việc ươm mầm và nuôi dưỡng các nhân tài nhờ các xuất học bổng đầy nghĩa tình do cô và nhiều đồng nghiệp đi vận động từ những tấm lòng của các Mạnh Thường Quân.

Một mùa tri ân nữa lại về. Dù rất nhớ, rất khao khát được trở về nơi ấy gặp lại cô nhưng chúng tôi vẫn chưa thể thực hiện được.

Chỉ biết gửi tới cô lời chúc sức khỏe và lời cám ơn chân thành nhất vì nhờ có những nhà giáo đúng nghĩa như cô mà chúng tôi đã thật sự nên người.

Bài và ảnh: Phan Tuyết