Dự thảo quy chế Kỳ thi quốc gia: Người lo lắng, kẻ mừng thầm

23/12/2014 07:00
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Dự thảo quy chế của Kỳ thi quốc gia và xét tuyển Đại học, Cao đẳng với hàng loạt những thay đổi đã nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh học sinh.

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo quy chế thi của kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015. 

Kỳ thi này với hàng loạt những thay đổi, cải tiến so với các năm trước, đã nhận được sự quan tâm, chú ý rất nhiều của dư luận xã hội, đặc biệt các em học sinh lớp 12, các bậc phụ huynh và nhà trường, thầy cô giáo bậc THPT.

Dự thảo quy chế Kỳ thi quốc gia: Người lo lắng, kẻ mừng thầm ảnh 1Xét học bạ, chất lượng dạy học có chuyển biến tích cực

(GDVN) - Thay đổi bước đầu về cách thi cử, xét tuyển đã góp phần làm tươi sáng, nâng cao chất lượng dạy học ở bậc học phổ thông.

Thầy Bùi Thế Giới, Hiệu trưởng, trường THPT Đinh Tiên Hoàng, thuộc huyện miền núi Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “ Tôi và nhiều đồng nghiệp đánh giá cao bản dự thảo quy chế này, thể hiện khá chi tiết, cụ thể, đáp ứng được hầu hết những mong đợi của phụ huynh, học sinh lớp 12. 

Tôi thấy, thời gian thi được dự kiến tổ chức vào đầu tháng 7 là phù hợp, tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. 

Học sinh ở miền núi, phần nhiều là con em của đồng bào dân tộc thiểu số như trường chúng tôi lại càng cần thiết để chuẩn bị, ôn tập được nhiều hơn. 

Tôi cũng tâm đắc với việc mở rộng thang điểm của từng môn thi từ 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.”

Thầy Nguyễn Ngọc Tân, Giám đốc Trung tâm GDTX và Hướng nghiệp dạy nghề huyện Sơn Tịnh ( tỉnh Quảng Ngãi) lo lắng: "Thầy, cô giáo và học sinh lớp 12 của các trung tâm thật bất ngờ, khi Bộ GD & ĐT cho học sinh hệ GDTX thi chung đề với học sinh phổ thông. 

Vì chương trình hệ GDTX, lượng kiến thức các môn văn hóa chỉ bằng 80% so với phổ thông, có một số môn không được học trong ba năm, do đặc thù của hệ này. 

Các em vào đây thuộc diện học yếu nhiều, nay lại yêu cầu đạt kiến thức, kỹ năng như phổ thông, thì thực sự đây là một áp lực lớn đối với các em học sinh và giáo viên dạy hệ  GDTX. 

Biết làm sao bây giờ, học kỳ 2, chúng tôi phải tăng cường phụ đạo, tăng tiết các môn thi tốt nghiệp cho học sinh 12 để mong các em có đủ tự tin và kiến thức cho kỳ thi quốc gia đầy khó khăn trong năm 2015.”

Về phía học sinh, em Nguyễn Thị Thanh Trang, lớp 12, một trường THPT ở thành phố Quy Nhơn ( tỉnh Bình Định) bày tỏ:" Nay có bản dự thảo quy chế thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT, chúng em cũng đỡ lo lắng, hồi hộp, vì biết sớm những thông tin, những yêu cầu mới của việc thi cử và xét tuyển năm nay để có sự chuẩn bị được tốt hơn. 

Em quan tâm nhiều về thông tin xét tuyển ĐH, CĐ. Lần này, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp xong, mới đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, em thấy cách làm này rất hay, những bạn học tốt, đạt số điểm cao cơ hội đỗ ĐH là chắc chắn, không mong manh như năm trước. 

Mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận tốt nghiệp, tối đa có tới 16 nguyện vọng, được chia làm 4 đợt xét tuyển, đây thực là cơ hội rộng lớn, hết sức thuận lợi để học sinh lớp 12 chúng em được tham gia xét tuyển, lựa chọn và theo học ĐH, CĐ. 

Tất nhiên, các bạn tham gia xét tuyển, cần phải nắm bắt thường xuyên, thông tin tuyển sinh từ các trường để việc đăng ký của mình đạt mục tiêu đặt ra.”

Ông Nguyễn Hữu Tín, 45 tuổi, thường trú ở Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, có con gái đang học lớp 12, nêu suy nghĩ: "Việc thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay giao quyền cho các trường ĐH đứng ra tổ chức, tôi thấy như vậy mới ổn, có sự đồng bộ, tạo được sự tin tưởng về tính công bằng, khách quan, nếu giao cho địa phương thì rất đáng lo. 

Theo dự kiến, cả nước có đến 35-36 cụm thi. Tôi quan ngại  nhất là vấn đề đi lại,  giao thông, an ninh, trật tự an ninh, vệ sinh thực phẩm sao cho đảm bảo, vì số lượng thí sinh, phụ huynh dồn về các cụm thi rất lớn, hơn nhiều những đợt thi ĐH, CĐ các năm, vì những năm trước đây khi tổ chức tốt nghiệp ở trường, ở tỉnh thôi, cũng từng xảy ra không ít tại nạn giao thông đang tiếc, tình trạng trộm cắp… 

Do vậy, ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương nơi tổ chức thi để làm tốt những vấn đề nêu trên. Tất cả phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, có phương án chuẩn bị ngay từ bây giờ.”

ĐỖ TẤN NGỌC