Giáo sư Trần Công Phong muốn mỗi địa phương có một bộ Sách giáo khoa

08/12/2018 06:56
Hưng Long
(GDVN) - Giáo sư Trần Công Phong nhấn mạnh tầm quan trọng về việc mỗi địa phương phải có một bộ Sách giáo khoa.

Mỗi địa phương có một nét đặc thù riêng

Vừa qua, kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 đã  được tiến hành.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến chất vấn ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến việc cho ra đời một bộ Sách giáo khoa riêng của địa phương.

Ngay sau đó, nhiều ý kiến trái chiều được đặt ra là thành phố Hồ Chí Minh có nên dùng riêng bộ Sách giáo khoa như thế hay không?

Giáo sư Trần Công Phong. (Ngồn ảnh: vnies.edu.vn)
Giáo sư Trần Công Phong. (Ngồn ảnh: vnies.edu.vn)

Trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Công Phong – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định, thay đổi lớn nhất của chương trình Sách giáo khoa giai đoạn này là thực hiện theo khoa học giáo dục.

Đó là, một chương trình mà có nhiều bộ sách. Chương trình có 3 cấp độ, gồm: Chương trình quốc gia, chương trình địa phương và chương trình nhà trường.

Chương trình quốc gia sẽ được quy định chiếm bao nhiêu phần trăm, chương trình địa phương và chương trình nhà trường cũng sẽ được quy định chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm.

“Với tinh thần đổi mới như thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nhà trường từ nhiều năm nay”, giáo sư Phong nói.

Nói nôm na, từ chương trình quốc gia và chương trình địa phương thì mỗi trường phải có một chương trình giáo dục đặc thù của nhà trường.  

Cụ thể, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với đối tượng người học. Và do đó, sẽ có nhiều bộ sách và trong bộ Sách giáo khoa sẽ đảm bảo mục tiêu giáo dục chung của quốc gia là chương trình quốc gia.

Bộ Sách giáo khoa còn sẽ đảm bảo mục tiêu giáo dục chung của địa phương mang nét đặc thù riêng.

Một bộ sách dùng chung cho cả nước là không hợp lý

Giáo sư Trần Công Phong phân tích, đứng về mặt khoa học, nếu sử dụng một bộ Sách giáo khoa dùng chung cho các địa phương như từ trước đến nay là không hợp lý.

Đối với chương trình đại học thì điều này là rất bình thường vì các trường chỉ cần đề cương chi tiết. Giảng viên sẽ soạn ra các bài giảng cho sinh viên.

Thế nên, mỗi giảng viên giảng ở các lớp khác nhau thì bài giảng không hoàn toàn giống nhau.

Giáo sư Trần Công Phong muốn mỗi địa phương có một bộ Sách giáo khoa  ảnh 2Thành phố Hồ Chí Minh có thật sự cần bộ sách giáo khoa riêng? 

Trong khi đó, giáo dục Việt Nam cứ mang một cuốn sách đi giảng từ vùng này sang vùng khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác và đối tượng người học khác nhau là không phù hợp.

Giáo sư Phong đánh giá, tuy nhiên, lần đầu tiên đưa ra ý kiến mỗi địa phương có một bộ Sách giáo khoa riêng sẽ gặp rất nhiều ý kiến trái chiều.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nguồn lực và dự kiến viết bộ sách riêng đó là chủ trương đúng và nên ủng hộ.

Mặc khác, Sách giáo khoa của thành phố Hồ Chí Minh ra đời nên theo lộ trình sau khi có bộ Sách giáo khoa tạm gọi là để dùng chung cho cả nước.

Theo Nghị quyết 88, Quốc hội giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách nhằm chủ động cho tỉnh nào chưa biên soạn được thì có sách để học.

Giáo sư Trần Công Phong chia sẻ, sau khi có bộ sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành thì các địa phương cũng nên chủ động có bộ Sách giáo khoa riêng cho địa phương mình.

Từ bộ Sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, các địa phương phải xem xét bộ sách phù hợp đến mức độ nào, nếu chưa phù hợp thì có thể viết lại.

Ở đây không phải viết lại tất cả các cuốn, không phải viết lại tất cả các môn và trong một cuốn như vậy không phải viết lại tất cả mà nên có gì đó để bổ sung mang tính chất đặc thù của địa phương.  

Giáo sư Phong khẳng định, đó cũng là chủ trương tương lai mà chúng ta phải hướng tới.     

Hưng Long