Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Cao Đình Thưởng – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Phú Thọ cho rằng, mục tiêu của giáo dục là đổi mới căn bản, sâu sắc, toàn diện giáo dục.
Tuy nhiên, nhiều cử tri hỏi đại biểu thế nào là căn bản, sâu sắc, toàn diện giáo dục?
Câu hỏi đó chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Đại biểu hiểu rằng muốn đổi mới căn bản, sâu sắc, toàn diện trong giáo dục phải đi tìm trụ cột. Làm thế nào để tạo ra triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu tiếp.
Đại biểu Cao Đình Thưởng. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo đại biểu, tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong trụ cột chúng ta phải chú ý.
Về công tác đào tạo giáo viên, chuẩn trình độ, chế độ với nhà giáo, đại biểu Cao Đình Thưởng khẳng định cần phải đầu tư cho “máy cái” của giáo dục là các trường sư phạm.
“Cần chọn người có phẩm chất, năng lực vào các trường sư phạm.
Phải nâng cao vị thế và có chế độ ưu đãi rất cao với nhà giáo, thực hiện hướng chuẩn cho giáo viên, phương thức đào tạo tiến tới giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đều có trình độ đại học”, đại biểu nói.
Theo đại biểu, ở cấp mầm non không nhất thiết phải đào tạo 4 năm có thể 2,5 – 3 năm, cần chọn được cô giáo trẻ, đẹp, có sức khỏe để các cháu có tiếp cận học vấn ngay từ thời còn trẻ thơ.
“Tôi cho rằng đào tạo giáo viên là hết sức quan trọng.
Đại thi hào Tagore có nói: “Giáo dục một người đàn ông được một con người. Giáo dục một người phụ nữ được một gia đình, nhưng giáo dục một thầy giáo được một thế hệ.
Thiết nghĩ, đó là điều chúng ta phải suy nghĩ về việc đào tạo giáo viên thế nào trong thời gian tới”, đại biểu lưu ý.
Vấn đề thứ ba là về chất lượng phương pháp dạy học.
Đại biểu cho rằng, hiện nay chất lượng giáo dục chưa cao, rất chậm đổi mới, nặng về dạy chữ, kiến thức hàn lâm, nhẹ dạy kỹ năng sống, đào tạo làm người, hướng nghiệp.
“Chương trình sách giáo khoa quá nặng, học sinh khó tiếp thu. Chúng ta hình như đang phức tạp hóa các vấn đề đơn giản.
Ví dụ học sinh lớp 1 chỉ cần đạt mục tiêu biết đọc, biết viết, học sinh phổ thông chỉ cần học kiến thức phổ thông, chúng ta đang hàn lâm hóa kiến thức đó.
Những điều rất đơn giản trở thành rất phức tạp cho nên học sinh khó tiếp thu”, đại biểu đánh giá.
Đại biểu phân tích, vấn đề này có nguyên nhân từ người lớn, người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào óc trẻ làm việc học tập trở thành áp lực quá lớn, không nhỏ trẻ sợ học, chán học.
“Đặc biệt, tâm lý phụ huynh muốn con mình thành con người ta, giỏi toàn diện một cách quá sức dẫn đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ.
Đây là quan niệm rất sai lầm trong giáo dục, trái với năng lực sở trường của trẻ em”, đại biểu chia sẻ.
Đại biểu Thưởng cho rằng: “Không thể bắt trẻ học để trở thành ông nọ bà kia khi các cháu không thích không đủ năng lực.
Thử hỏi đã có mấy học sinh giỏi quốc gia trở thành nhà văn, nhà thơ lớn?
Và cần hiểu rằng trong một lớp, một trường chỉ có một em trở thành nhà văn, một em trở thành nghệ sỹ, một em là vận động viên chứ không phải là tất cả.
Hãy dạy và định hướng để học sinh phát huy năng lực của bản thân một cách hợp lý nhất”.
Trường cần giáo viên sử, trên đưa giáo viên văn, ai chịu trách nhiệm vì thừa? |
Về chương trình sách khoa, đại biểu khẳng định cần phải rà soát điều chỉnh kỹ lưỡng.
Theo ý kiến của cử tri, nhiều giáo viên, phụ huynh thì phải có chương trình sách giáo khoa thống nhất.
Bởi nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, còn lại là sách tham khảo, sách nâng cao.
Sách giáo khoa phải được thẩm định chặt chẽ, nội dung tinh gọn, mang bản sắc Việt Nam và hiện đại theo chuẩn quốc tế.
Chương trình phổ thông phải hiện đại, dễ hiểu, dễ dạy, dễ học.
Người viết sách giáo khoa phải thực sự giỏi và am hiểu sâu sắc về nội dung, chương trình và tâm lý sư phạm.
“Nên chăng phát động cuộc thi viết sách giáo khoa trong giáo viên phổ thông để chương trình sách giáo khoa không bị hàn lâm, giáo sư hóa, tiến sỹ hóa.
Nếu quá nhiều bộ sách giáo khoa thì rất khó quản lý, khó lựa chọn, khó dạy thống nhất và rất dễ dẫn đến loạn sách giáo khoa.
Lúc ấy, giáo dục sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Hậu quả là khôn lường”, đại biểu nêu quan điểm.
Cũng nhấn manh về vấn đề sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Phúc - đoàn Bình Thuận phát biểu, về chương trình sách giáo khoa đề nghị cần quy định cụ thể vào dự thảo Luật dung lượng nội dung địa phương biên soạn.
Đại biểu đồng tình quy định mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa nhưng đề nghị nghiên cứu cụ thể quy định về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, quy trình thẩm định cụ thể, chi tiết hơn.