Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông.
Việc xây dựng các Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông là thực hiện triển khai Luật Viên chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Theo đó, các Thông tư liên tịch nêu trên đã quy định danh mục các chức danh nghề nghiệp và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh nghề nghiệp, đồng thời hướng dẫn việc bổ nhiệm vào hạng và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, phổ thông.
Cụ thể, ngày 16/9/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập, chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học trong các trường tiểu học công lập.
Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát, chấn chỉnh tổ chức học, thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 3/11/2015.
Đây là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên tiểu học trong các trường tiểu học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Năm 2016, khi đăng tải một số bài viết về yêu cầu giáo viên cần có chứng chỉ tiếng Anh A2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều luồng ý kiến của các thầy cô trên cả nước về Thông tư này.
Mặc dù trong Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định, để có đủ điều kiện xét nâng ngạch hệ số lương thì giáo viên cần có chứng chỉ ngoại ngữ hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.
Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, ngay sau khi Thông tư có hiệu lực, nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai và thời gian qua đã nhiều nơi giáo viên tham gia khóa học chứng chỉ Ngoại ngữ để hoàn thiện yêu cầu mà Bộ đã nêu.
Nhưng trong quá trình tổ chức dạy học, thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, có nơi còn ép buộc giáo viên phải đi học, thậm chí có nơi còn để xảy ra tiêu cực và vi phạm.
Chính vì vậy, ngày 23/12/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát, chấn chỉnh tổ chức học, thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên.
Theo văn bản này, để quản lý chặt chẽ việc tổ chức học, thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên, bảo đảm chất lượng và không để xảy ra tiêu cực, vi phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo thực hiện các nội dung như:
Việc học tập, bồi dưỡng để đạt trình độ ngoại ngữ, tin học do giáo viên chủ động, bố trí sắp xếp lịch học, thời gian học để không ảnh hưởng đến các hoạt động giảng dạy, giáo dục của nhà trường. Tại thời điểm này, chỉ những giáo viên có nhu cầu thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì mới cần phải bảo đảm có đủ trình độ/chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định.
Vì vậy, các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông không được bắt buộc tất cả các giáo viên khi chuyển từ ngạch sang hạng chức danh nghề nghiệp phải có trình độ/chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ngay theo quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp…
Có biện pháp xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong việc tổ chức học, thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cũng như tổ chức dạy học không bảo đảm chất lượng; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trong quản lý để bảo đảm không xảy ra vi phạm trong tổ chức dạy, thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trên địa bàn…
Tuy nhiên, đến ngày 29/5/2017, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn thư phản ánh của một giáo viên có gửi kèm công văn và cho biết:
“Sau khi lãnh đạo Nhà trường nhận được công văn của Sở thì gửi cho giáo viên trong trường và chúng tôi tự bảo nhau nộp hồ sơ và lệ phí thi cho xong chứ giờ tuổi 40, 45 rồi thì học thế nào được mà thi.
Mà thi tiếng Anh là gồm 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết làm sao giáo viên chúng tôi thi nổi”.
Công văn thông báo của một Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc vùng Tây Nguyên gửi tới các trường trên địa bàn (Ảnh giáo viên cung cấp) |
Rõ ràng, công văn này cho biết cụ thể thời gian nộp hồ sơ, thời gian dự kiến thi, số tiền phải nộp mà hoàn toàn không hề nhắc đến đối tượng dự thi nên khi văn bản về tới trường thì lãnh đạo Nhà trường gửi tới tất cả giáo viên.
"Thấy trước sau gì cũng phải học mà nhìn vào thông báo thấy số tiền cũng không quá cao nên chúng tôi rủ nhau đi thi cho xong", cô giáo này nói.
Câu hỏi đặt ra rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đòi hỏi một tờ chứng chỉ là cơ sở để tăng lương giáo viên. Điều này có nâng cao được trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm của các nhà giáo hay lại tạo điều kiện cho cơ chế mua – bán bằng cấp, chứng chỉ hoành hành?