Hiệu trưởng đại học Harvard khéo léo nhắc về lịch sử với sinh viên Việt Nam

24/03/2017 11:05
Diệu Thuần
(GDVN) - Cho đến tận bây giờ, bà Faust vẫn chưa lý giải được vì sao mình lại bị định hình bởi chiến tranh Việt Nam.

Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Trường đại học Harvard đã khẳng định như vậy trong buổi nói chuyện với giảng viên, sinh viên đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) ngày 23/3.

Khéo léo nhắc về lịch sử

Bà Faust rất vui mừng khi được có mặt tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm nghiên cứu lịch sử hàng đầu của Việt Nam để trò chuyện cùng sinh viên nhà trường.

“Việc có mặt tại đây, ở đất nước các bạn, đối với tôi mang rất nhiều ý nghĩa, bởi vì nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của hai quốc gia đã quyện chặt vào nhau và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước theo cách nói của các bạn, và “Chiến tranh Việt Nam” theo cách gọi của chúng tôi. Cuộc chiến đã mãi mãi định hình thế hệ chúng tôi, những người trưởng thành trong thập niên 1960-1970.

Giáo sư Drew Gilpin Faust chỉ muốn mọi người gọi là bà Faust chứ không phải là bà hiệu trưởng- Ảnh: T.A
Giáo sư Drew Gilpin Faust chỉ muốn mọi người gọi là bà Faust chứ không phải là bà hiệu trưởng- Ảnh: T.A

Dù rằng suốt những năm tháng đó, tôi chưa từng vượt 8000 dặm để đặt chân đến nơi này, nhưng những địa danh như Khe Sanh, Pleiku, Ấp Bắc, Điện Biên Phủ, Vịnh Bắc Bộ, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, Hà Nội luôn không ngừng vang vọng trong tâm trí tôi trong suốt mấy thập kỷ qua.

Tôi đã hằng mong ít nhất một vài địa danh trong số này không chỉ dừng ở con chữ. Các bạn có một khẩu hiệu nhắn gửi khách du lịch rằng “Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh”.

Giống như rất nhiều người Mỹ khác từng đến đây, tôi vẫn hằng mong đến một ngày nào đó, Việt Nam trong tâm trí tôi không phải tên gọi của một cuộc xung đột bất ngờ ập đến với thế hệ chúng tôi, mà là một quốc gia và xã hội với tất cả sự phức hợp, vẻ đẹp, lịch sử, sự sống động và triển vọng của nó.

Và không hiểu sao, dường như đối với tôi, tìm hiểu đất nước của các bạn trở thành điều cần thiết để hiểu chính đất nước của tôi.

Chiến tranh có thể ví như “lửa thử vàng” 

Thanh niên trai tráng trong thế hệ chúng tôi đã phải đối diện với giấy gọi nghĩa vụ quân sự, khiến nhiều người phải đấu tranh nội tâm xem họ có nên tuân thủ pháp luật, phụng sự cuộc chiến mà họ cho rằng vừa không khôn ngoan vừa bất chính.

Đối với lớp phụ nữ trẻ như tôi thời bấy giờ, tình thế tiến thoái lưỡng nan đỡ mang tính trực diện cá nhân hơn, nhưng nó thôi thúc chúng tôi đặt câu hỏi nghi ngờ về quốc gia của mình, về nên dân chủ và về tính nhân văn của chúng tôi.

Giáo sư Drew Gilpin Faust khẳng định rằng, các du học sinh Việt Nam du học tại đại học Harvard sẽ được bình đẳng như sinh viên Mỹ - Ảnh: T.A
Giáo sư Drew Gilpin Faust khẳng định rằng, các du học sinh Việt Nam du học tại đại học Harvard sẽ được bình đẳng như sinh viên Mỹ - Ảnh: T.A

Michael Herr, một nhà báo Mỹ chuyên viết về cuộc chiến này, đã từng viết rằng Việt Nam là những gì tất cả chúng tôi đã có thay vì một tuổi thơ hạnh phúc.

Ở Harvard, hằng năm cứ đến tháng 5 là hàng trăm cựu sinh viên sẽ về lại trường để kỷ niệm 50 năm ngày ra trường của họ.

Đây là một nghi lễ quan trọng, và vào mùa xuân này, một sự kiện đặc biệt sẽ diễn ra trong khuôn khổ các buổi lễ.

Các thành viên của khóa 1967, cả nam và nữ sẽ dành một phần thời gian để cùng nhau tưởng nhớ lại cách thức cuộc chiến đã định hình những tháng năm đại học của họ, và thảo luận xem “Chiến tranh Việt Nam” đã ảnh hưởng đến họ hơn nửa thế kỷ ra sao.

Một thành viên khóa này từng là lính thủy đánh bộ đã viết “rất nhiều người thế hệ tôi… đã phải có những lựa chọn về Việt Nam khiến chúng tôi bị ám ảnh suốt quãng đời còn lại của mình, cả lúc tỉnh cũng như khi mơ”.

Tôi không phải là thành viên của khóa sinh viên Harvard sẽ hội ngộ vào mùa xuân này, nhưng tôi cùng trang lứa với họ, và cũng như họ, tôi đã bị định hình bởi chiến tranh Việt Nam theo những cách mà đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn thấu hiểu.

Nhưng một ảnh hưởng mà tôi có thể xác định rõ ràng là về công việc của tôi với tư cách một sử gia.

Việc trưởng thành trong thập niên 1960 đã tạo ra trong tôi sự cuốn hút dai dẳng với chiến tranh, với cách mà những đòi hỏi khủng khiếp của nó có thể nhào nặn các cá nhân và xã hội, với sự khúc xạ không tránh khỏi của quan điểm và lý tưởng chiến tranh, với những áp lực tột cùng của nó.

Chiến tranh có thể ví như “lửa thử vàng” thuần chất, đối với mỗi cá nhân cũng như cho toàn xã hội.

Phải đấu tranh cho hòa bình

Ngày nay, hàng năm Hoa kỳ chi hơn 100 triệu đô-la cho nỗ lực tìm kiếm và nhận dạng những người mất tích trong Chiến tranh thế giới thứ II, Chiến tranh Hàn Quốc và Chiến tranh Việt Nam.

Tôi tin rằng các bạn đều rất quen thuộc với hoạt động tích cực của MIA sau năm 1975. Nhưng sự thừa nhận rằng nước Mỹ có trách nhiệm phải giải trình và hồi hương, dù đã chết hay còn sống, mọi binh sĩ đang thực hiện nhiệm vụ chỉ mới bắt đầu gần đây.

Chỉ từ chiến tranh Hàn Quốc, Hoa Kỳ mới thiết lập chính sách nhận dạng và hồi hương mọi liệt sỹ. Phải đến Thế chiến thứ nhất binh sĩ mới bắt đầu đeo phù hiệu nhận dạng chính thức, cái mà ngày nay chúng ta gọi là thẻ bài quân nhân.

Hệ thống ghi sổ mồ mả trong quân đội bắt đầu xuất hiện vào cuối cuộc chiến, và khi chiến tranh kết thúc, chính phủ Hoa kỳ đã bắt đầu thiết lập hệ thống nghĩa trang quốc gia, một nghĩa vụ trọng đại của nhà nước để ghi nhận công lao của những người đã ngã xuống bảo vệ đất nước.

Hậu quả chiến tranh là tàn phá - con người bị thương và biến dạng; trẻ em trở thành mồ côi; tài sản và nguồn sinh kế bị phá hủy; kinh tế đảo lộn; dân chúng chia rẽ. Nhưng hậu quả không chỉ dừng lại ở cơ thể, mà còn nằm trong tâm hồn, thậm chí trong tâm hồn của những người sinh ra rất lâu sau khi tiếng súng đã tắt.

Các sinh viên cho rằng, được trò chuyện cùng giáo sư Faust là một trải nghiệm tuyệt vời với họ - Ảnh: T.A
Các sinh viên cho rằng, được trò chuyện cùng giáo sư Faust là một trải nghiệm tuyệt vời với họ - Ảnh: T.A

Đó là vì sao các thành viên Harvard niên khóa 1967, các ông bà nay đã ở độ tuổi 70, cảm thấy sự cấp thiết phải đối diện với những kinh nghiệm từ hơn năm thập kỷ trước, những ký ức của một thời khi “Việt Nam” đòi hỏi họ phải định nghĩa chính họ và quốc gia của họ.

Đó là vì sao tôi hết sức vui mừng cuối cùng cũng đã được đặt chân đến đất nước các bạn, bởi tôi cũng cùng thế hệ với họ.

“Tại sao lựa chọn chiến tranh? Tại sao anh phải viết về cuộc chiến?”, nhân vật Kiên trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh tự vấn. Ngay cả khi anh ta cố gắng hết sức để tìm một chủ đề khác, anh cũng “không thể thôi viết về chiến tranh”.

Cũng như anh, chúng ta viết, chúng ta trò chuyện và chúng ta ghi nhớ bởi chúng ta đều cố gắng để hiểu chiến tranh đã nhào nhặn chúng ta ra sao.

Việt Nam và Hoa Kỳ đã đối đầu nhau trong một cuộc chiến kéo dài và tàn phá nặng nề. Giờ đây, riêng cũng như chung, chúng ta đang đối diện với hậu quả của nó.

Trong nỗ lực này, lịch sử là điều không thể thiếu. Lịch sử giúp chúng ta đối diện với những vong hồn và ma quỷ mà bi kịch quá khứ để lại như một di sản cho hiện tại. Nó soi rọi những sự mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh. Nó giúp chúng ta hình dung và đấu tranh cho hòa bình.

Sinh viên Việt Nam sẽ bình đẳng như sinh viên Mỹ

Trong phần làm việc với báo chí, giáo sư Faust cho biết, hiện có 16 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Harvard và các trường thành viên của Harvard.

Sau chuyến năm này, bà mong muốn, sinh viên Việt Nam sẽ nghĩ đến Harvard khi muốn đi du học, dù ở cấp đại học hay sau đại học.

Giáo sư Faust chụp hình lưu niệm cùng các giảng viên đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: T.A
Giáo sư Faust chụp hình lưu niệm cùng các giảng viên đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: T.A

“Sinh viên Việt Nam nhập học ở Harvard sẽ được bình đẳng với sinh viên Mỹ về cơ hội hỗ trợ tài chính, điều kiện học tập, không phân biệt sinh viên nước ngoài hay sinh viên Mỹ”, bà Faust khẳng định.

Và thông qua chuyến thăm này, không chỉ để bà hiểu về lịch sử Việt Năm, về mối quan hệ trong ngành giáo dục, mà bà muốn hiểu về tất cả nền văn hóa của nước Việt. 

“Tôi có rất nhiều bạn bè nghiên cứu về Việt Nam. Họ nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Đất nước các bạn rất kỳ diệu và năng động. Điều đó, đã thôi thúc tôi phải đến Việt Nam, đến những địa danh lịch sử và văn hóa”, bà Faust nói.

Bà Faust cũng cho biết, bà đã có cuộc gặp gỡ với giảng viên và cựu sinh viên của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP), một chương trình đạo tạo chính sách công hợp tác giữa trường Kennedy của đại học Harvard và Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. 

Bà đã thảo luận với lãnh đạo trường Fulbright Việt Nam (FUV) về việc xây dựng và phát triển trường Fulbright từ di sản của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, với tư cách trường đại học Việt Nam độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên đi theo mô hình giáo dục khai phóng của đại học Mỹ. 

Phó giáo sư Võ Văn Sen, hiệu Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định, chuyến thăm lần này của hiệu trưởng Harvard là bước phát triển, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trên cơ sở đã có giữa hai trường.

“Đây cũng là cơ hội để sinh viên tiếp xúc trực tiếp với học giả nổi tiếng thế giới. Hy vọng với những phát biểu mang tính gợi mở của hiệu trưởng Harvard, sinh viên và giảng viên của trường sẽ có nhiều ý tưởng sáng tạo. Từ đó, các em vạch ra những con đường mới và biết phải làm gì với tương lai của mình”, ông Sen nói.

Không muốn được gọi là hiệu trưởng

Bà Faust cho biết, bà xuất thân từ một gia đình truyền thống, có thể nói là bảo thủ, về chính trị lẫn thái độ đối với vai trò của người phụ nữ trong xã hội. 

“Tôi không muốn gọi là bà hiệu trưởng. Các bạn cứ gọi tôi là bà Faust thôi.

Có lần mẹ tôi nói: Con ơi, con phải biết đây là thế giơi của đàn ông. Cần biết và nhờ điều đó để đời con thoải mái hơn. 

Tôi đã cãi lại lời bà, vì cho rằng bà nói sai. Và tôi đã dành cả đời để chúng tỏ mẹ tôi nói sai”, và chính vì cãi lời mẹ, bà Faust đã trở thành nữ hiêu trường đầu tiên trong lịch sử 400 năm của đại học Harvard, được bổ nhiệm vào năm 2007.

Bà là một trong những nhà sử gia hàng đầu của Mỹ và thế giới, là thành viên của Hội Sử gia Mỹ, Viện Hàn lâm nghệ thuật vaà khoa học Mỹ cũng như Hội triết học Mỹ.

Năm 2004, tạp chí Forbes đánh giá giáo sư Faust xếp thứ 33 trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Diệu Thuần