Học sinh Thủ đô Hà Nội học lớp học mới (VNEN) như thế nào?

16/12/2015 07:25
Ngọc Quang
(GDVN) - Có thể, mô hình học mới (VNEN) mang lại sự tự tin cho nhiều học trò. Nhưng nếu cơ sở vật chất không đảm bảo, sĩ số lớp 50 - 60 em/lớp thì chuyện gì sẽ xảy ra?

LTS: Câu chuyện học theo Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Viet Nam Escuela Nueva-VNEN) đã được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin trong nhiều số báo qua.

Nhiều độc giả thắc mắc, tại sao mô hình này lại thấy triển khai ở vùng miền núi, xã xôi khó khăn là chính, còn tại đồng bằng, đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội thì thế nào?

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm hiểu và có câu trả lời sau khi tiếp xúc với các giáo viên và học sinh đang trực tiếp tham gia thử nghiệm chương trình mới này tại Hà Nội.

Và dưới đây là bức tranh VNEN tại Thủ đô.

Cũng chia nhóm, nhưng không đập bảng

Tại trường Tiểu học Nam Từ Liêm (trường chất lượng cao, thuộc quận Nam Từ Liêm), chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến giờ học của 1 lớp 2 và 1 lớp 4.

Và, điều dễ dàng nhận thấy là học sinh đang học ở những lớp dạy theo mô hình VNEN rất tự tin trong giao tiếp; thảo luận nhóm diễn ra rất sôi nổi.

Với sĩ số chỉ có 30 học sinh/lớp nên khi học theo mô hình này, mỗi lớp chỉ có 5 nhóm (mỗi nhóm 6 học sinh), điều đó thuận lợi cho cả cô và trò khi trao đổi, thảo luận các bài học theo nhóm, hoặc thảo luận chung trước lớp.

Theo bà Ngô Thị Thanh – Hiệu trưởng nhà trường thì việc áp dụng mô hình VNEN không gặp khó khăn gì lớn.

“Trường tự nguyện xin tham gia áp dụng thử chương trình VNEN và hiện có 1 lớp 2, 2 lớp 3 và 1 lớp 4. Điều quan trọng nhất với học sinh tiểu học chính là xây dựng cho các con phương pháp tự học, tự nghiên cứu được tài liệu học tập, giảm đi sự nhút nhát.

Trường hầu như không gặp khó khăn gì khi áp dụng mô hình VNEN. Các con được ngồi ghế riêng, vì vậy khi cần tập trung lên bảng thì các con tự quay được ghế của mình, không lo ảnh hưởng tới mắt hay cột sống”.

Câu hỏi được đặt ra với bà Thanh: Nhà trường có sẵn sàng chuyển toàn bộ sang cách dạy mới không? Bà Thanh cho biết: “Nếu có được sự ủng hộ của 100% phụ huynh thì chúng tôi sẵn sàng chuyển sang dạy VNEN, vì nó rất tốt, không có ảnh hưởng gì đến chất lượng giáo dục mà chỉ có tốt hơn”.

Bà Ngô Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Từ Liêm cho biết, với cơ sở vật chất hiện đại và chỉ có 30 học sinh/lớp nên khi áp dụng mô hình VNEN không gặp khó khăn gì lớn. ảnh: Ngọc Quang.
Bà Ngô Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Từ Liêm cho biết, với cơ sở vật chất hiện đại và chỉ có 30 học sinh/lớp nên khi áp dụng mô hình VNEN không gặp khó khăn gì lớn. ảnh: Ngọc Quang.

Tại Trường Tiểu học Tả Thanh Oai, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều học sinh khối 3, 4, 5 và đều nhận được câu trả lời của học sinh, rất thích học bằng cách này, vì được phát biểu nhiều, được thảo luận nhiều.

Bà Hoàng Thị Thu Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau hơn 2 năm áp dụng chương trình VNEN, chất lượng dạy và học của trường đã tốt hơn rất nhiều so với cách dạy cũ.

Bà Hà nêu thí dụ, trước các kỳ thi khi học chương trình cũ, giáo viên phải ôn luyện cho học sinh khá nhiều, nhưng khi học chương trình mới thì không phải ôn luyện nhiều, do trong quá trình học, học sinh được nêu quan điểm cá nhân, rồi được thảo luận nhóm, và từ đó kiến thức được hình thành vững chắc.

“Kết quả học tập là căn cứ rõ nhất để phụ huynh đánh giá, nếu chúng tôi làm không tốt thì họ sẽ không ủng hộ”, bà Hà nói.

Học sinh Thủ đô Hà Nội học lớp học mới (VNEN) như thế nào? ảnh 2

Bộ Giáo dục chính thức giải đáp thắc mắc về dự án mô hình trường học mới (VNEN)

Trao đổi trực tiếp với phóng viên, cô giáo Đào Hồng Huyền – Chủ nhiệm Lớp 4D Trường Tiểu học Tả Thanh Oai cho biết, cách học mới giúp các em tự tin hơn, các em tự đọc tài liệu và thảo luận, sau đó giáo viên giảng bài và hướng dẫn thì các em nắm kiến thức nhanh và hiểu chắc chắn về các nội dung học.

“Khi các em được học chương trình VNEN thì có phương pháp tự học, tự đọc tài liệu và thảo luận tốt. Còn phương pháp dạy học cũ thì học sinh nhiều khi thụ động, đến lớp chờ xem cô nói gì”, cô Huyền cho biết.

Một giáo viên còn rất trẻ - cô Nguyễn Thị Hà (tốt nghiệp năm 2014) là chủ nhiệm lớp 3H cũng cho biết: “Khi bắt đầu dạy, tôi cảm thấy không thích mô hình VNEN lắm, vì sẽ có nếu bạn nào lười đọc, không năng động thì hiểu bài chậm.

Nhưng sau khoảng 3 tháng thì tôi lại thấy rằng mô hình này rất tốt, vì học sinh được hoạt động nhiều, tự tìm hiểu bài trước khi giáo viên giảng bài. Vì vậy khi cô giảng bài là các con hiểu rất nhanh, nắm chắc vấn đề”.

Những khó khăn mà cô trò cùng phải đối diện

Dù thu được một số kết quả thuận lợi ban đầu, nhiều trường học tại Hà Nội đang gặp phải hai khó khăn lớn khi triển khai chương trình VNEN.

Thứ nhất là sĩ số lớp bình quân 50 em/lớp (thậm chí cá biệt một số trường sĩ số lên tới gần 60 học sinh/lớp) nên gây ra nhiều khó khăn cho giáo viên khi quan sát và hướng dẫn trực tiếp cho từng nhóm, và cho từng học sinh.

Rất ít trường tại Hà Nội có được cơ sở vật chất tốt và sĩ số “lý tưởng” như tại Trường Tiểu học Nam Từ Liêm.

Và theo quan sát thực tế của phóng viên, đối với những trường có cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn như Tiểu học Tả Thanh Oai, sĩ số lớp đông và phải kê bàn dọc theo lớp học sẽ gây ra khó khăn cho một số học sinh ngồi phía cuối, trong một số trường hợp nghe cô giáo giảng bài trên bảng.

Đây cũng là vấn đề nan giải với đa số các trường công lập hiện nay trên cả nước, cho dù có áp dụng mô hình VNEN hay không.

Học sinh Thủ đô Hà Nội học lớp học mới (VNEN) như thế nào? ảnh 3

Thầy Văn Như Cương: VNEN là gì nếu chúng ta làm chỉ để tiêu hàng chục triệu USD?

Thứ hai là ở chính bản thân giáo viên, khác với cách giảng dạy cũ, khi thực hiện mô hình VNEN thì giáo viên phải liên tục trau dồi kiến thức, bởi vì học sinh có quyền thảo luận và đưa ra rất nhiều ý kiến khác nhau, nhiều đáp án khác nhau.

Như vậy, khi đối diện với từng tình huống, giáo viên phải đánh giá được kết quả và trao đổi, định hướng cho các em đi đúng vào trọng tâm vấn đề, nhưng phải tôn trọng khả năng tư duy của từng em, chứ không nhất thiết phải ra một kết quả nhất định.

Phóng viên đã đặt câu hỏi với bà Hà: Phương pháp dạy học mới còn học sinh yếu không? Bà Hà cho biết: “Phương pháp dạy học nào thì cũng sẽ còn có học sinh yếu, đó là một thực tế, bởi vì ngoài chương trình, giáo viên, cơ sở vật chất thì bản thân học sinh cũng phải nỗ lực và khả năng của từng em khác nhau, nên kết quả học tập sẽ khác nhau”.

Nói về khó khăn khi áp dụng mô hình VNEN, bà Ngô Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Từ Liêm, nhận định: “Tôi thấy cái khó lớn nhất khi dạy theo mô hình mới là các các con phải chủ động đọc tài liệu học tập. Thầy cô phải liên tục trau dồi kiến thức để định hướng tốt được cho các con và giải quyết được các tình huống khi các con có những thảo luận mở rộng”.

Ngoài hai khó khăn trên, trong quá trình tác nghiệp thực tế phóng viên nhận thấy thêm một khó khăn thứ ba, đó là với những lớp sĩ số có tới 50 học sinh trở lên sẽ là một rào cản cho chất lượng dạy và học.

Nếu học sinh lười đọc tài liệu học tập, sẽ dẫn tới thảo luận kém, nền tảng kiến thức không vững.

Theo lời của giáo viên Nguyễn Thị Hà thì để khắc phục được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh.

Tuy nhiên, trong trường hợp phụ huynh thiếu quan tâm tới việc học tập của con em mình, mà phó mặc cho nhà trường, thì gánh nặng lại đổ dồn về giáo viên.

Nhiều trường tiểu học ở Hà Nội có sĩ số lớp lớn, dao động từ 45 - 60 học sinh, khiến cho việc giảng dạy và học tập đều gặp khó khăn. ảnh: Ngọc Quang.
Nhiều trường tiểu học ở Hà Nội có sĩ số lớp lớn, dao động từ 45 - 60 học sinh, khiến cho việc giảng dạy và học tập đều gặp khó khăn. ảnh: Ngọc Quang.

Giải pháp nào cho học sinh yếu?

Vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm hiện nay là nếu học theo mô hình VNEN thì làm thế nào để giúp những học sinh có học lực chưa tốt học tốt hơn?

Cô Hồ Thị Ánh Ngọc (Chủ nhiệm lớp 2E Trường Tiểu học Nam Từ Liêm, có thâm niên 17 năm dạy học) cho biết: “Khi phân chia nhóm, giáo viên chủ động chia các bạn học tốt ngồi cạnh kèm các bạn chưa tốt.

Căn cứ trên kết quả học tập sau một thời gian, giáo viên có thể đưa một nhóm các bạn học chưa tốt tách ra để kèm riêng cho các bạn.

Cách dạy của chương trình mới giúp cho giáo viên hoàn toàn chủ động được khi cần bồi dưỡng thêm cho các bạn học chưa tốt mà không cần phải dạy thêm ngoài giờ”.

Trước đó, trong một cuộc trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vào chiều ngày 9/12, ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng thẳng thắn cho biết: “Qua triển khai thực tế tại 63 tỉnh trên cả nước, dự án này thu được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng còn nhiều khó khăn cần phải khắc phục trong thời gian tới, trong đó nổi lên hai vấn đề lớn đó là sĩ số của nhiều lớp lớn và năng lực của giáo viên”.

Vụ trưởng Vụ Tiểu học cũng cho biết, các nhà tài trợ cho phép triển khai dự án VNEN đến 31/5/2016, tuy nhiên mô hình trường học mới vẫn tiếp tục triển khai trong các năm tiếp theo.

Để làm rõ hơn nữa những khó khăn khi học sinh Thủ đô học theo mô hình VNEN, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt nhiều câu hỏi với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, và sẽ gửi tới quý độc giả thông tin trong những ngày tới.

Ngọc Quang