Làm thế nào để khởi nghiệp thông minh?

16/09/2017 08:02
Vương Thuỷ
(GDVN) - Ngày 15/9, chương trình Toạ đàm “Từ khởi nghiệp đến khởi nghiệp thông minh” đã được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngày 15/9, chương trình Toạ đàm “Từ khởi nghiệp đến khởi nghiệp thông minh” đã được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Toạ đàm được tổ chức nhằm giúp các bạn trẻ, các bạn sinh viên có những hiểu biết, nhận thức rõ hơn về việc khởi nghiệp trong trường đại học để theo đuổi đam mê khởi nghiệp thành công.

Tham dự chương trình có sự tham gia của ông Lê Quân -  Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Vương Quốc Thắng - Giám đốc Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Mai Thanh Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; ông Ngô Tự Lập - Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ; ông Pierre Bonnet – Giám đốc điều hành Orchestra Networks (Pháp)...

Toạ đàm “Từ khởi nghiệp đến khởi nghiệp thông minh” tập trung đến nội dung khởi nghiệp trong các trường đại học. (Ảnh: Vương Thuỷ)
Toạ đàm “Từ khởi nghiệp đến khởi nghiệp thông minh” tập trung đến nội dung khởi nghiệp trong các trường đại học. (Ảnh: Vương Thuỷ)

Đây là lần đầu tiên Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp chủ trì phối hợp với Viện Quốc tế Pháp ngữ tổ chức chương trình khởi nghiệp cho sinh viên.

Sự kiện này bước đầu giúp các bạn trẻ có những cách hiểu đúng đắn và những định hướng cơ bản về khởi nghiệp.

Toạ đàm tập trung trao đổi về các vấn đề: Khởi nghiệp trong môi trường giáo dục đại học, Vườn ươm và hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học; Khởi nghiệp thông minh.

Phát biểu mở đầu chương trình, ông Lê Quân - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh vai trò của đại học trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. 

"Các trường đại học chính là cái nôi để khởi nghiệp. Bởi vì các trường đại học là nơi được đầu tư rất nhiều về trang thiết bị nghiên cứu, có các đội ngũ nghiên cứu có thể giải quyết nhiều vấn đề", ông Lê Quân chia sẻ.

Theo ông Quân, các trường đại học có vai trò lớn trong hỗ trợ những người khởi nghiệp để nghiên cứu chạy thử các mô hình rồi thoát khỏi cái nôi đó và trở thành những doanh nghiệp thành công.

Chia sẻ cùng các bạn sinh viên trong toạ đàm, ông Ngô Tự Lập - Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ cho rằng:

Khởi nghiệp ở mức cao nhất, mức lý tưởng là khởi nghiệp không đơn thuần để kiếm tiền, không chỉ chấp hành những điều kiện tối thiểu của luật hay các tiêu chí về đạo đức mà người ta còn vươn tới cái tính thẩm mỹ".

Ông Vương Quốc Thắng phát biểu tại toạ đàm. (Ảnh: Vương Thuỷ)
Ông Vương Quốc Thắng phát biểu tại toạ đàm. (Ảnh: Vương Thuỷ)

Trình bài bài phát biểu với chủ đề "Khởi nghiệp trong môi trường giáo dục đại học", ông Vương Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp cho biết: 

"Để tạo nên các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, các trường đại học vẫn cần giá trị cốt lõi là đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động đổi mới sáng tạo.

Các thầy cô giáo phải am hiểu về khởi nghiệp và có tinh thần doanh nhân mới có thể truyền cảm hứng cho sinh viên khởi nghiệp".

Theo ông Thắng, các trường đại học cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ươm tạo các ý tưởng sáng tạo để có thể khởi nghiệp.

Ông Thắng cho rằng các trường đại học lớn cần có một hệ sinh thái để khởi nghiệp, trang bị các không gian sáng tạo, các thư viện, tạo nền tảng kết nối tri thức và các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Tham gia toạ đàm, Phó Giáo sư Mai Thanh Phong - Phó Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giúp làm rõ cho sinh viên khái niệm về vườn ươm khởi nghiệm và hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học.

Ông Pierre Bonnet – Giám đốc điều hành Orchestra Networks (Pháp) chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân. (Ảnh: Vương Thuỷ)
Ông Pierre Bonnet – Giám đốc điều hành Orchestra Networks (Pháp) chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân. (Ảnh: Vương Thuỷ)

Từ kinh nghiệm khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, ông Pierre Bonnet – Giám đốc điều hành Orchestra Networks (Pháp) chia sẻ hành trình khởi nghiệp của mình và rút ra 10 điều quan trọng để khởi nghiệp thông minh thành công. Đó là:

Thứ nhất, những người sáng lập phải đảm đương các vị trí quan trọng như nghiên cứu phát triển, kinh doanh, tài chính. Tốt hơn hết là hợp tác với người mình đã quen biết và hiểu rõ.

Thứ hai, sự phối hợp giữa nhóm nghiên cứu phát triển và đội ngũ kinh doanh rất quan trọng.

Thứ ba, việc quảng bá và marketing phải được đề cao, chú trọng ngay từ ban đầu

Thứ tư, sự trung thành khách hàng và sự gắn bó của nhân viên để có thể phát triển bền vững. Khách hàng luôn luôn có nhu cầu mới

Thứ năm, ngay từ khi mới khởi nghiệp, cần xác định vị trí của mình trên thị trường quốc tế

Thứ sáu, đừng bao giờ quên rằng thành công của ngày hôm nay không phải là thành công của ngày mai. Cần có sự phản biện về các thói quen làm việc và các lựa chọn kỹ thuật.

Thứ bảy, tập thể thao 1 tiếng 30 phút mỗi ngày để đáp ứng được yêu cầu công việc, đối mặt với stress và tăng khả năng sáng tạo.

Thứ tám, không nên đa dạng hoá các khoản đầu tư và luôn là chủ ở công ty của bạn.

Thứ chín, điều chỉnh mô hình kinh doanh khi cần thiết

Thứ mười, hài hoà với môi trường sinh thái. Tìm ra vị trí của mình với một môi trường phức tạp với nhiều con người khác nhau.

Buổi toạ đàm đã nhận được quan tâm của rất nhiều các bạn sinh viên. Qua trao đổi, các bạn trẻ đã có thêm nhiều kiến thức và hiểu biết hơn về hoạt động khởi nghiệp, góp phần định hướng mục tiêu của mình trong tương lai.

Vương Thuỷ